Vào cuối tháng 10, trang VietQ có dẫn lời luật sư Trần Quốc Thuận (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH) bày tỏ e ngại về vấn đề xe công .
Ông cho rằng đây là thực tế đáng buồn, có thể góp phần làm giảm niềm tin của người dân với người cầm quyền. Ông còn nhắc khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính từng phát biểu: Nếu không mua xe công, sẽ tiết kiệm được 1.000 tỷ.
Theo ông Quốc Thuận, ở các nước tiên tiến không có chế độ xe công. Nếu đi việc chung, việc quốc gia đại sự mới có xe đưa đón, còn không đều phải tự lo.
“Bây giờ taxi rất nhiều, bên cạnh đó còn có Uber giá rẻ, các vị phải tự lo mà đi chứ, thiếu gì cách đi. Ngồi chễm chệ trên xe biển xanh trong khi dân đói, ngân sách cạn, cân đối chỉ còn 46.000 tỷ, không đủ chi tiêu cho thành phố lớn như TP HCM. Đại họa thấy trước rồi”, ông Thuận bày tỏ
Theo đó, để giải quyết tình trạng lãng phí sử dụng xe công, bảo toàn ngân sách, ông Thuận cho rằng Quốc hội nên đưa ra Nghị quyết. Tuy nhiên, vị này cho rằng việc này cũng rất khó khi nhiều đại biểu cũng đang trong chế độ có sử dụng xe công.
Với quy định về cách xác định mức khoán kinh phí trong trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công, nghĩa là thay vì sử dụng xe công thì sẽ được nhận khoản hỗ trợ theo định mức khoán, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng “không ăn thua”.
Ông Thuận cho biết khi còn đang đương nhiệm chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho đến nay, người đồng ý nhận tiền khoán đó chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó có ông.
“Những người ngồi trên xe công tuy không được nhận tiền nhưng có lợi ích cao hơn. Ví dụ giải quyết khâu oai, để làm chuyện này chuyện kia cho người ta sợ, tạo nên lợi ích vật chất, tinh thần. Họ nghĩ tiền đó cao hơn tiền lương tháng”.
Bên hành lang quốc hội hôm 11.11, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhắc lại chuyện ông Quốc Thuận đi xe ôm. "Trước đây, có Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Quốc Thuận đi xe ôm, nhưng cũng chỉ được 1 tháng".
Ngoài ra, ông Hiển cho biết đây là lần đầu tiên QH đưa vào nghị quyết vấn đề này. Tuy nhiên phải rất thận trọng tính toán kỹ nên QH đưa vào một câu: “Từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”. Do đó, ông cho rằng cần phải có lộ trình thực hiện.
Theo ông Hiển, các xe công mang tính chất công cộng phục vụ như công an, quân đội, cứu thương, chở rác… thì không thể thực hiện khoán được vì mang tính chất phục vụ cho cộng đồng dân cư. Còn xe cho các các chức danh lãnh đạo thì phải tính toán.
Theo tôi, nếu có chắc chắn phải tính từ hệ số 1,3 trở xuống và từng bước tính toán giữa hai hệ số 1,25 và 1,3. Đối tượng này cũng không nhiều lắm, trong một tỉnh chỉ có 3 chức danh, một bộ cũng chỉ có một số đồng chí là thứ trưởng, một số là tổng cục trưởng loại 1 mới được đi xe. Còn các đối tượng khác thì số lượng ít, không nhiều.
Chi phí xe công là ở chi phí phục vụ, còn khoán theo chức danh không nhiều lắm. Nhưng thực hiện khoán là để thể hiện tính nghiêm minh, để các đồng chí lãnh đạo góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, là tấm gương cho chúng ta tổ chức tốt tiết kiệm chi phí, góp phần sử dụng tốt đồng tiền của ngân sách hợp lý.
Ông Hiển tỏ ra lạc quan về tính khả thi của vấn đề này và giải thích: "Trước đây, chúng ta đã bàn nhưng chưa bao giờ được đưa vào nghị quyết của QH. Hơn nữa, Chính phủ cũng như QH đã bắt đầu xác định phải cơ cấu lại thu chi, nhất là chi thường xuyên, vừa qua tăng nhanh". Ông Hiển cũng tin tưởng Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện việc này vì "bản thân Chính phủ đã có đề án".
Ông Hiển lý giải câu chuyện tại sao cần có xe công là do: có những chức danh khi làm việc yêu cầu phải có. Một là do khối lượng công việc cần sử dụng, hai là an toàn, đó là những yếu tố đặt ra. Số lượng đó không nhiều, nhưng nếu đặt ra đồng loạt đương nhiên sẽ phải thực hiện.
"Còn bây giờ, nếu tự xung phong thì cùng là thứ trưởng, có người đi xe công, có người đi xe ôm hoặc taxi, thì trông cũng không được đep, đó là cảm quan. Còn nếu đồng loạt áp dụng, mọi người sẽ đều vui vẻ".
Theo Một thế giới