Diego Silva: "Người ta gọi V.League là giải nghiệp dư..."

VietTimes -- “Bạn cứ xem giải Thai League rồi sẽ thấy. Người ta gọi V.League là giải nghiệp dư chứ chẳng phải giải chuyên nghiệp", ngoại binh Diego Silva của Hải Phòng đã từng chơi bóng Giải Thai League 3 nhận xét.
SVĐ Rajamangala 50.000 chỗ ngồi của bóng đá Thái Lan. Ảnh CLB
SVĐ Rajamangala 50.000 chỗ ngồi của bóng đá Thái Lan. Ảnh CLB

Lâu nay, VFF vẫn tự hào V.League là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á nhưng mới đây, bóng đá đá Việt Nam như bị dội một gáo nước lạnh khi tân binh của Hải Phòng thẳng thắn nhận xét “Người ta gọi V.League là giải nghiệp dư chứ chẳng phải giải chuyên nghiệp". Một nhận xét phũ phàng, đắng lòng người hâm mộ khi mà cấp độ đội tuyển quốc gia chúng ta đã giành được những thắng lợi bước đầu, thậm chí vượt Thái Lan.

VPF đang ở đâu?

Tiền đạo người Brazil Oliveira Silva, sinh năm 1990 là chân sút từng ghi 72 bàn/ 3 mùa giải ở Thai League 3. Mùa giải 18/19 anh được bình chọn là cầu thủ thi đấu xuất sắc nhất tại Nakhon Pathom United. Chân sút này đã từng thi đấu cho Đồng Tháp mùa giải 2016, nên anh chẳng lạ gì điều kiện sân bãi Việt Nam.

Phòng thay đồ của SVĐ Rajamangala. Ảnh CLB
Phòng thay đồ của SVĐ Rajamangala. Ảnh CLB

Nên trong khi chúng ta đang lâng lâng “con hát, mẹ khen hay” thì ngoại binh này thẳng thắn: "Ở Thái Lan, Thai League 1 hay Thai League 2 thì sân bãi của họ cũng đều rất đẹp. Bạn không thể tưởng tượng được sân bóng ở đó đẹp như thế nào đâu".

Thực tình thì nhận xét của tiền đạo Brazil này không sai: "Tôi nghĩ sân bãi là một trong những vấn đề lớn khi chơi bóng tại Việt Nam. Một số sân bóng không đủ tốt, ngoại trừ một số sân như của Hà Nội, TP HCM. Như vậy vẫn là quá ít." Số sân bãi CLB V.League có thể so sánh với Thái Lan đếm không quá 1 bàn tay.

Chẳng nói đâu xa, ngay sau khi giành chức vô địch V-Leauge 2017, cùng với Sông Lam Nghệ An, Quảng Nam FC sẽ trở thành hai đại diện cho Việt Nam tham dự vòng sơ loại AFC Champions League.

Nhưng khi xét về 5 tiêu chí của AFC đề ra gồm: Cơ sở vật chất; Hệ thống đào tạo; Tổ chức thi đấu; Truyền thông- tiếp thị tài trợ; Pháp lý tài chính thì đội bóng xứ Quảng đang gặp phải 2 vấn đề lớn về cơ sở vật chất và đào tạo trẻ. Do vậy, Quảng Nam FC đã chính thức bị tước quyền tham dự vòng sơ loại AFC Champions League 2018 nhường chỗ cho Thanh Hóa. Một quyết định xấu hổ cho Quảng Nam FC, cho cả V.League, VFF và VPF nhưng không được quan tâm.

Đáng lẽ cần xem việc Quảng Nam FC bị tước quyền tham dự vòng sơ loại AFC Champions League 2018 là bài học cho bóng đá Việt Nam thì VPF lại làm ngược lại, đề xuất cho 4 CLB "nợ điều kiện thi đấu" mùa giải này là ví dụ rõ nét nhất.

Điều này khiến cho nhà vô địch Hà Nội FC lại tiếp tục bị tước quyền tham dự vòng sơ loại Champions League 2020. Quan chức VFF, VPF dường như không cảm thấy trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà khi các CLB V.League liên tục bị AFC “thổi còi”.

Có tiền, SLNA cũng không được “tự tiện” sửa chữa sân Vinh, nên CLB cũng chỉ còn cách "vá dặm” thủ công như thế này thôi. Ảnh Thanh Niên
Có tiền, SLNA cũng không được “tự tiện” sửa chữa sân Vinh, nên CLB cũng chỉ còn cách "vá dặm” thủ công như thế này thôi. Ảnh Thanh Niên

Ngay cả sân Vinh, phải đến khi dư luận của chính cổ động viên xứ Nghệ không thể ngồi yên, đòi “treo sân” khi thấy hàng loạt cầu thủ chấn thương khi tập luyện trên mặt sân quá cứng VPF mới “giật mình”.

Bản thân trên trang web chính thức của CLB SLNA cũng “ngạc nhiên” khi thừa nhận “Ánh sáng sân Vinh hiện chỉ đạt 420 lux (số liệu của đoàn khảo sát VPF đầu mùa giải 2020), cách rất xa tiêu chuẩn 900 lux trong Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam”. Chả hiểu cái đoàn khảo sát VPF thành lập để làm gì? Cán bộ VPF nào đi khảo sát thế?

Ngạc nhiên chưa?

Cách rất xa tiêu chuẩn 900 lux…”- Chính lãnh đạo CLB SLNA đến giờ thì không hiểu vì sao VPF lại không dám "treo sân" mình khi ánh sáng dưới chuẩn nhiều như thế (?!!). Vậy ánh sáng sân Vinh dưới chuẩn bao nhiêu thì mới cấm thi đấu hay chờ khi cầu thủ, trọng tài không còn nhìn thấy bóng VPF mới ra tay. Đơn giản là VPF không có văn bản "treo sân" thì không biết bao giờ sân Vinh mới được nâng cấp.

Quan chức VPF ngồi khán đài A sân Vinh nào có ai hiểu được nỗi khổ bí bách của các nữ cổ động viên xứ Nghệ khi đến sân Vinh, ngồi chịu trận hàng giờ đồng hồ do WC quá bẩn (?!!). Điều kiện hạ tầng tồi thế, nhưng nhiều năm qua giá vé vào sân Vinh lại vẫn "đúng chuẩn" mới lạ.

Cổ động viên xứ Nghệ cũng không hiểu tại sao trước mùa giải có đoàn đội VPF đi kiểm tra điều kiện sân bãi, biên bản ghi thế rồi mỗi trận đấu có 2 ông giám sát trận đấu, giám sát trọng tài ngồi trên khán đài, tốn cả đống tiền mà vẫn để những trận đấu lờ mờ dưới ống kính truyền hình xuất hiện trước hàng triệu khán giả. 

V.League 2020 là mùa giải thứ 20 chúng ta tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nói đến bất cập hạ tầng sân bãi, tờ Fox phiên bản tiếng Việt trong bài “SLNA “gặp khó” như nào trong việc cải tạo sân Vinh?” đã hài hước viết “Thứ hai, SLNA cũng không được “tự tiện” sửa chữa sân Vinh”.

Kiếm được tiền đã khó, kể cả khi có tiền CLB cũng không thể “tự tiện” nâng cấp sân để cho cầu thủ khỏi lâm vào cảnh chấn thương hàng loạt…thì chuyện chỉ có thể có ở V.League mà thôi.

Mặt sân Olympic (Campuchia). Ảnh CNN
Mặt sân Olympic (Campuchia). Ảnh CNN

Bóng đá chuyên nghiệp không phải là việc tổ chức ra những trận đấu có 22 cầu thủ và 3 ông trọng tài trên sân. Nó cần có bộ tiêu chí và VPF, đơn vị đứng ra tổ chức giải đấu phải tôn trọng các quy định do chính mình xây dựng lên. "Chúng ta cần chuẩn bị nhiều sân tốt như vậy hơn nữa. Sân bãi tốt hơn, các cầu thủ sẽ chơi tốt hơn. Bản thân bóng đá Việt Nam cũng sẽ phát triển hơn." lời khuyên của Oliveira Silva hoàn toàn chính xác.