Phóng viên: Theo ông, tại sao Mỹ đưa tàu chiến và máy bay vào khu vực giữa 2 đảo đá nhân tạo Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, sau vài giờ thì ra?
TS Nguyễn Ngọc Trường: Hoạt động tuần tra lần này là để thách thức hành vi xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng biển Đông, đồng thời khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn. Năm 2014, hải quân Mỹ tiến hành 35 cuộc tuần tra như vậy tại một số vùng biển quốc tế, trong đó có 19 lần ở các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyến tuần tra ngày 27-10 mang tính biểu tượng. Nó là một đòn cân não nhằm thể hiện nguyên tắc Mỹ đề ra từ năm 1979 về việc hải quân Mỹ theo đuổi quyền “tự do hàng hải”. Chừng nào hải quân Mỹ còn đảm đương “sứ mệnh” duy trì trật tự trên các vùng biển và đại dương thế giới như họ cam kết mấy chục năm qua, chiến hạm Mỹ sẽ còn tiến hành các phi vụ tuần tra như vậy, bất luận là vùng biển mà Trung Quốc tìm cách khẳng định chủ quyền như biển Đông.
- Kịch bản tiếp theo ở quần đảo Trường Sa nói riêng và biển Đông nói chung là gì, thưa ông?
Tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 25-9 vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: “Tôi tái khẳng định quyền tự do của tất cả các nước đi lại trên biển và bay qua bầu trời. Tôi còn cho biết tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi qua các vùng biển và bay qua bầu trời và hoạt động bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Trong cuộc họp báo này, Chủ tịch Trung Quốc hai lần khẳng định Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải.
Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động theo thời điểm mà Mỹ lựa chọn. Mỹ và Trung Quốc đã ký hai thỏa thuận về tránh đụng độ trên biển và trên không. Hai nước có hơn 90 cơ chế quan hệ dân sự và quân sự để tránh các hiểu nhầm có thể dẫn tới đụng độ vũ trang.
Lần này, Mỹ đã chuẩn bị tinh thần cho các bên liên quan từ gần 3 tuần qua để tránh hiểu nhầm. Và Trung Quốc tuy lên tiếng chỉ trích và phản đối ở tất cả các cấp độ nhưng thực tế hôm qua đã phản ứng nhẹ nhàng, “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.
Các cuộc cọ xát Mỹ - Trung trên biển Đông sẽ còn diễn ra gay gắt, lâu dài. Chúng sẽ diễn tiến tùy theo tương quan lực lượng giữa hai nước. Mỹ chắc chắn không bỏ các cuộc tuần tra và Trung Quốc chắc chắn sẽ bám lấy 7 hòn đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở quân - dân sự trên đó.
- Liệu Trung Quốc có thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Đông để trả đũa vụ tuần tra ngày 27-10 hay không?
Hiện nay thì chưa. ADIZ là một đại sự và nghiêm trọng. Trung Quốc cho đến nay không loại trừ khả năng thiết lập ADIZ ở biển Đông. Nhưng khi chưa hoàn tất việc xây dựng các cơ sở kỹ thuật cho một vùng nhận dạng phòng không như vậy, Bắc Kinh sẽ chưa làm điều mà dư luận quốc tế cho là hành động khiêu khích và liều lĩnh này.
Sau này, có làm hay không sẽ tùy thuộc vào tương quan lực lượng giữa các bên, sự hợp tác Mỹ-Trung và giữa các nước liên quan đến biển Đông.
Một hành động như vậy sẽ mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng, kéo theo những hệ lụy không thể lường hết mà Bắc Kinh phải cân nhắc không phải 1 lần mà 100 lần. Chủ tịch Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 25-10 ở Nhà Trắng đã cam kết “không quân sự hóa” (các đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng trái phép tại khu vực Trường Sa).
Người ta hy vọng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hành động đi đôi với lời nói. Trung Quốc thường ít khi “nhất ngôn vi định”. Nhưng lịch sử văn hóa Trung Hoa cũng có câu nói có thể tham chiếu - “vua không nói chơi”. Huống gì, hiện nay là một thời đại khác mà không phải các quốc gia muốn làm mưa làm gió gì thì làm, dù quốc gia đó mạnh đến mấy chăng nữa.
Theo NLĐ