Sau khi cùng các chuyên gia của GreenID và Đại học Cần Thơ đi khảo sát thực tế các báo cáo đánh giá tác động môi trường của Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) và dự án điện gió ở Bạc Liêu, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, khẳng định tại hội thảo: “Vì không muốn có một Formosa thứ hai nên chúng ta tổ chức hội thảo này để góp thêm cho Chính phủ những kiến nghị chung về hai công cụ đánh giá tác động và quản lý môi trường là đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”.
Nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây là Việt Nam dứt khoát không đánh đổi môi trường trong phát triển kinh tế, thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhấn mạnh là thực tế trong nước đang có nhiều chương trình, dự án tác động đến môi trường kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội. “Trong khi đó, hầu hết chúng ta mới chỉ cảm nhận, kiểm chứng sơ bộ; đa số cán bộ các cấp thiếu công cụ giám sát, đánh giá chính xác ở tất cả các giai đoạn của dự án để đưa ra cảnh báo và chiến lược ứng phó hợp lý”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp mong muốn nắm bắt tốt hơn về thực trạng, kinh nghiệm và kiến thức liên quan tới vấn đề này để giúp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tiếp tục cùng các cơ quan hữu trách và các địa phương nghiên cứu, triển khai hàng loạt dự án tại ĐBSCL liên quan tới nhiệt điện, hạ tầng giao thông thủy lợi, nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và liên kết vùng, theo các quyết định của Chính phủ.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giới thiệu các quy định pháp lý về quan hệ giữa đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và đánh giá tác động môi trường ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và cho rằng thực tế là nhiều dự án nằm ngoài ĐMC và chỉ "làm cho có" ĐTM. Trong đó, riêng những quy định về tham vấn cộng đồng trong đánh giá môi trường chiến lược là điều bắt buộc thì theo ông Dũng, cần phải được tiếp tục hoàn thiện trong ĐMC.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, với những cụm dự án cỡ lớn như Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, cần phải có đánh giá môi trường chiến lược ĐMC. Vì nếu dự án chỉ có những đánh giá tác động môi trường ĐTM riêng rẽ thì không giúp cho lãnh đạo nhìn thấy tác động của dự án trong bối cảnh trên bờ sông Hậu từ Cần Thơ ra biển, qua Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng có đến 15 nhà máy nhiệt điện đang xây dựng. Cả vùng ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện như Long An 1 và 2, Bạc Liêu và Cà Mau 1, Cà Mau 2. “Các nhà máy nhiệt điện cỡ lớn này có thể tích lũy tác động rất lớn đối với ĐBSCL; lẽ ra phải có đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và đánh giá tác động tích lũy để có quyết định sáng suốt ở tầm chiến lược”, ông Thiện nói.
Ông Thiện còn nêu một loạt giải pháp bổ sung cho ĐMC và ĐTM như nên tham vấn cộng đồng có ý nghĩa vì các quy định hiện nay quá sơ sài; nên quy định bắt buộc công khai thông tin và có quy chế khiếu nại; tránh mâu thuẫn lợi ích; nên quy định bắt buộc có phản biện độc lập; phải kiểm chứng các dự báo và các hứa hẹn bảo vệ môi trường; và nên khuyến khích tính độc lập, minh bạch, chịu trách nhiệm của hội đồng thẩm định dự án.
Nhận xét về báo cáo ĐTM nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 2, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết tham vấn cộng đồng là khâu sơ sài, chiếu lệ, đối phó. Theo ông, người dân trong khu vực than phiền là không được cung cấp thông tin tác động của nhà máy lên cuộc sống và sinh kế. Chỉ có những người bị mất đất là được mời họp, nhưng chỉ thông báo mức bồi thường và kế hoạch giải tỏa. “Hiện nay người dân ở đây rất bi quan về sinh kế và tương lai của gia đình”, ông Tuấn nói.
Với dự án điện gió Bạc Liêu, TS Lê Anh Tuấn nhận xét: “Điểm yếu là phần tham vấn cộng đồng chỉ có 1 trang; chủ đầu tư dự án chỉ hỏi qua ý kiến UBND và MTTQ xã Vĩnh Trạch Đông. Không có tham vấn cộng đồng và thiếu sự tham gia ý kiến của người địa phương”
Theo TBKTSG