Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra khá công khai. Đơn cử như trong tháng đầu tiên khi VTV phát sóng bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”, có trên 400 kênh Facebook và YouTube phát lại bộ phim này. Tại giải bóng đá World Cup 2018, chỉ trong 2 ngày phát sóng đầu tiên, VTV đã phát hiện 700 tài khoản vi phạm. Tháng 5/2017, VTVcab bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League do quá nhiều tài khoản YouTube tại Việt Nam phát trái phép các trận đấu trong khuôn khổ hai giải bóng đá này. Hàng loạt các website xem phim trực tuyến đưa lên các bộ phim còn đang chiếu ở ngoài rạp, gây thất thu cho các đơn vị đã mua bản quyền.
Việc ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm bản quyền đã được các cơ quản chức năng thực hiện một cách nghiêm túc. Công ty Phú Thái và công ty Bắc Á đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì tự ý khai thác phim “Bí thư tỉnh ủy” và “Chạy án” trên VTV. Hai nhà mạng lớn của Việt Nam và một cá nhân đã bị xử phạt 75 triệu đồng do phát “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn như “nấm mọc sau mưa”.
Hàn Quốc đã làm gì để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền
Giống như Việt Nam, các đơn vị truyền thông, các tổ chức phát sóng ở Hàn Quốc cũng đang gặp phải tình trạng bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
Hàn Quốc có 3 đài truyền hình lớn là KBS, SBS và MBC, trong đó SBS là truyền hình tư nhân. Đài SBS ngoài việc phát sóng nội địa thì cũng đang xuất khẩu nhiều nội dung truyền hình ra nước ngoài nhờ ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc ngày càng lớn ở châu Á.
Thật ngạc nhiên khi trong bảng thống kê về số lượt xem các chương trình truyền hình của SBS trên YouTube thì Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Hàn Quốc. Xếp thứ ba là Đài Loan và xếp thứ tư là Mỹ. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ sử dụng nội dung số của SBS cao nhất trên thế giới. Điều này chứng tỏ người dân Việt Nam rất yêu thích văn hóa Hàn Quốc.
Bộ phim "Quỳnh búp bê" đang được một số kênh YouTube phát lại trái phép
|
Hiện nay thì các nội dung của đài SBS được phân phối qua nhiều kênh, bao gồm: truyền hình Internet IPTV, điện thoại thông minh, truyền hình cáp, YouTube và trang web chính thức của SBS. Doanh thu từ truyền hình theo yêu cầu của đài SBS đạt 900 triệu USD, trong đó lợi nhuận từ IPTV, truyền hình cáp chiếm 79% doanh thu, phân phối qua PC chiếm 9% doanh thu và qua điện thoại thông minh đạt 7%.
Theo kết quả khảo sát về thực trạng phân phối các nội dung trái phép do Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc thực hiện thì tỷ lệ vi phạm bản quyền số ở nước này là gần 40,4%, trong đó vi phạm về các nội dung truyền hình chiếm 20,8%, âm nhạc 18,6%, phim ảnh 18,2%, xuất bản phẩm 6,3%, game 7,2%. Lý do lớn nhất của việc gia tăng các nội dung trái phép là do tiền bản quyền nội dung ngày một tăng cao.
Các đài truyền hình ở Hàn Quốc cũng như các đơn vị chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp chống lại tình trạng vi phạm bản quyền. Mặc dù thiệt hại do vi phạm bản quyền năm 2017 ở Hàn Quốc đã giảm 12,5% so với năm 2016 nhưng số lượng bản copy, phát hành lậu là 2,08 tỷ bản - vẫn là con số đáng báo động.
Việc vi phạm các nội dung truyền hình ở Hàn Quốc được chia thành 2 loại: thứ nhất là các cá nhân chia sẻ qua các hình thức đơn giản, và thứ hai là các công ty với mục đích kiếm lợi nhuận. Hình thức vi phạm phổ biến nhất là chia sẻ qua torrent.
Các biện pháp ngăn chặn vi phạm
The ông Lee Dogoo, Trưởng bộ phận Kinh doanh trong nước của Đài SBS - đơn vị này đã đề ra một chiến lược quản lý bản quyền bao gồm 3 phần: thứ nhất là chiến lược hệ thống hóa toàn cầu, thứ hai là chiến lược bản địa hóa và thứ ba là hợp tác quốc tế.
Các đài truyền hình trong đó có SBS đã phối kết hợp để xây dựng một hệ thống hỗ trợ liên quan đến việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm bản quyền qua các cổng thông tin tìm kiếm.
Vào năm 2010, các đơn vị truyền thông Hàn Quốc kết hợp với YouTube áp dụng công cụ lọc nội dung DNA. Đây là một phương pháp khá hiệu quả để ngăn chặn các nội dung vi phạm trên Facebook hay YouTube. Sau 10 phút đưa nội dung lên các nền tảng mạng xã hội, bộ lọc DNA sẽ tìm và xác định được các tài khoản vi phạm, từ đó các đơn vị chức năng có thể cảnh báo hoặc gỡ bỏ ngay lập tức. Công cụ này đã phát hiện và gỡ bỏ được hơn 200 nghìn trường hợp vi phạm.
Đến năm 2012, Hàn Quốc áp dụng thêm hệ thống đăng ký trang web (webhard). Đây cũng là cơ chế mà Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Việt Nam) cũng đang muốn áp dụng. Cơ chế này yêu cầu các website chính thống phải đăng ký với cơ quan quản lý để không bị lọt vào danh sách website độc hại và bị chặn bởi các bộ lọc. Đối với Hàn Quốc, các website đăng ký với chính phủ còn phải đặt một bộ lọc nội dung để kiểm soát việc vi phạm bản quyền.
Sau khi triển khai webhard, tình trạng vi phạm bản quyền trên Facebook và YouTube ở Hàn Quốc đã giảm hẳn, tuy nhiên những kẻ vi phạm lại chuyển sang một hình thức khác là chia sẻ qua torrent. Có thể thấy cơ chế đăng ký webhard cùng việc mạnh tay xử lý các trang web đã vô tình làm bùng phát một loại hình vi phạm khác. Các cơ quan hữu trách của Hàn Quốc lúc này lại phải chuyển sang tìm và ngăn chặn các trang website chia sẻ torrent. Không chỉ những người quản trị website mà các cá nhân chia sẻ torrent cũng bị xử phạt.
Trong quá trình xử lý các vi phạm torrent thì lại xuất hiện thêm loại hình vi phạm mới, đó là thông qua các link nhúng. Việc xử lý các link nhúng và các link streaming nội dung vi phạm bản quyền là rất khó khăn bởi nó vượt qua khuôn khổ biên giới của một quốc gia. Do đó, Hàn Quốc cũng đang gặp vướng mắc khi xử lý các trường hợp vi phạm.
Mặc dù vậy, vào cuối năm 2017, các đài truyền hình Hàn Quốc cũng đã giành được một thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền. Họ đã thắng kiện các đơn vị và các chủ sở hữu website có chứa link nhúng.
Có thể nói bảo vệ bản quyền trên môi trường số là một công việc rất khó khăn, cần nhiều thời gian. Theo ông Lee Dogoo, việc xử lý vi phạm bản quyền cũng cần cân nhắc về đặc điểm thị trường, môi trường pháp lý, các đơn vị và các nước sở tại. Chẳng hạn như Việt Nam và Thái Lan mới chỉ ở giai đoạn đầu của tình trạng vi phạm nên cái cần thiết là xây dựng một môi trường về bảo vệ bản quyền tốt. Ở các quốc gia đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản thì chỉ cần đẩy mạnh các cơ chế sẵn có.