Trong một văn bản đệ trình lên tòa án liên bang tại California ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa hủy phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra trong ngày 22/3 giữa Apple và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Văn bản này cho biết cuối tuần qua, một bên thứ 3 đã cố vấn cho FBI một phương án để "bẻ khóa" chiếc iPhone của Syed Farook, một thủ phạm trong vụ xả súng tại thành phố San Bernardino, bang California, làm 14 người thiệt mạng.
Các chuyên gia của chính phủ sẽ thử nghiệm để xem biện pháp này có khả thi hay không. Nếu thành công, FBI sẽ không còn cần đến sự hỗ trợ từ phía Apple.
Thẩm phán Sheri Pym của Tòa án Quận California, người thụ lý vụ kiện, đã chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu chính phủ có báo cáo trình lên tòa vào ngày 5/4 tới.
Diễn biến mới nhất này có thể giúp "hạ nhiệt", và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn, nguy cơ về một cuộc đối đầu pháp lý gay gắt giữa Chính phủ Mỹ và hãng công nghệ danh tiếng Apple đang đe dọa gây xung đột 2 vấn đề an ninh công nghệ số và quyền riêng tư.
Tranh cãi về vấn đề giải mã các thiết bị thông minh bùng lên sau khi hãng Apple đệ đơn phản đối lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu hãng này hỗ trợ FBI "bẻ khóa" chiếc iPhone của thủ phạm Farook.
Phía Apple cho rằng yêu cầu của FBI là một động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong hàng thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng.
Cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và “đại gia” công nghệ cũng tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược. Một bên là các hãng, tập đoàn và chuyên gia công nghệ lên tiếng ủng hộ Apple và một bên là các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh lại cho rằng phán quyết đứng về phía Apple có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra và thực thi pháp luật.
Theo Vietnam+