Nhiều chỉ số xếp hạng, đánh giá ở mức thấp
Theo Báo cáo đánh giá Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) do Cục Tin học hóa, Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) và Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì biên soạn, kết quả DTI năm 2020 vừa công bố tháng 10/2021, Đà Nẵng đứng đầu, tiếp theo là các địa phương nằm trong top 10: Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang, Bắc Giang. Hải Phòng được xếp hạng ở vị trí thứ 21, sau Nam Định, Thái Nguyên, Bình Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Nam, Phú Thọ, Gia Lai, Đồng Nai.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xác định, đánh giá DTI các tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương (gọi tắt cấp tỉnh) thực hiện với 3 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Việc đánh giá chuyển đổi số của Hải Phòng theo 3 trụ cột này được thể hiện chi tiết. Hải Phòng đứng thứ 33 trong xếp hạng Chính quyền số, thứ 20 trong xếp hạng Kinh tế số và thứ 14 trong xếp hạng Xã hội số.
Đánh giá về cụ thể về mỗi trụ cột, Ban soạn thảo báo cáo thực hiện chỉ số đánh giá theo 9 chỉ số thành phần. Trong 9 chỉ số này, 7 chỉ số chính được thực hiện đánh giá từ số liệu thu thập của các tỉnh báo cáo, gồm chỉ số đánh giá về: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng và nền tảng số; Thông tin và dữ liệu số; Hoạt động chuyển đổi số; An toàn - An ninh mạng và về Đạo tạo và phát triển nhân lực. Phần số liệu do các tỉnh cung cấp để đánh giá Chỉ số DTI năm 2020 tính trong khoảng 1/1 - 31/12/2020, cập nhật tới cuối tháng 3/2021 và chỉ số này được công bố vào tháng 10/2021.
Cùng với các thông tin do Tỉnh chủ động báo cáo, Ban soạn thảo cũng có kênh riêng để đánh giá và xếp hạng theo các chỉ số đánh giá trên không gian mạng (do Cục An toàn thông tin thực hiện) và chỉ số đánh giá qua phỏng vấn chuyên gia (tổng hợp từ thông tin, số liệu do các chuyên gia về chuyển đổi số, CNTT cung cấp trực tuyến).
Các chỉ số chính, chỉ số thành phần và các tiêu chí để đo lường được xây dựng bám sát nội dung Chương trình Chuyên đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời có sự gắn kết, tương đồng nhất có thể với các chỉ số liên quan được sử dụng trong các đánh giá của quốc tế.
Trực ban Công an phường Lạch Tray quan sát tình hình ANTT thông qua hệ thống camera an ninh. Ảnh: congan.haiphong.gov.vn |
Chi tiết về DTI của Hải Phòng, trong trụ cột Chính quyền số, Hải Phòng có 6 chỉ số đứng ở vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng 63 tỉnh: thứ 58 về chỉ số Đào tạo và phát triển nhân lực; thứ 53 về chỉ số Chuyển đổi nhận thức; thứ 53 về chỉ số Phát triển hạ tầng nền tảng số; thứ 50 về chỉ số Thông tin và dữ liệu số; thứ 48 về chỉ số Kiến tạo thể chế và thứ 43 về chỉ số Hoạt động chính quyền số.
Tuy nhiên, Hải Phòng được đánh giá rất tốt, dẫn đầu cả nước ở chỉ số chi tiết về An toàn thông tin mạng. Chỉ số đánh giá trên Không gian mạng và đánh giá qua Phỏng vấn chuyên gia đều xếp hạng thứ nhất, thứ nhì toàn quốc. 3 chỉ số này cũng là ưu thế của TP. Hải Phòng trong thành phần đánh giá về trụ cột Kinh tế số và Xã hội số.
Tại trụ cột Kinh tế số, Hải Phòng xếp thứ 22, yếu ở chỉ số Chuyển đổi nhận thức và chỉ số Đào tạo và phát triển nhân lực: Xếp thứ 55 và 59 trong bảng xếp hạng toàn quốc.
Còn về trụ cột Xã hội số, Hải Phòng vươn lên đứng thứ 14 - thứ hạng khá tốt. Trong đánh giá về trụ cột này, Hải Phòng chỉ yếu ở xếp hạng chỉ số về Phát triển hạ tầng và nền tảng số - đứng thứ 47 và xếp hạng Thông tin và dữ liệu số - thứ 38 trong số 63 tỉnh thành của cả nước.
Đánh giá, xếp hạng DTI nói chung, chỉ số đánh giá về các trụ cột chuyển đổi số và các chỉ số chi tiết này là điều đáng suy nghĩ với Hải Phòng trong bối cảnh Hải Phòng là TP. lớn thứ 3 cả nước, được coi là địa phương có nhiều điều kiện và yếu tố thuận lợi để chuyển đổi số nhưng các chỉ số đánh giá kém nhiều địa phương có quy mô và điều kiện phát triển khó khăn hơn. Với đánh giá theo chỉ số này, chuyển đổi số có thể được coi như một “điểm nghẽn” trong phát triển của Hải Phòng trong xu thế thời đại hiện nay.
Hải Phòng sẽ làm gì để nâng thứ hạng?
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân Hải Phòng diễn ra mới đây, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng UBND TP. cho biết, TP. đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo nền móng cho Chuyển đổi số. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển dữ liệu; tạo lập niềm tin, đảm bảo an ninh mạng; hợp tác quốc tế, xây dựng hệ sinh thái mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trên môi trường số và phát triển nguồn nhân lực.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Hải Phòng đặt tại trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TP. Ảnh: haiphong.gov.vn |
Về các trụ cột phát triển chuyển đổi số tại địa phương, TP. Hải Phòng cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể để khắc phục. Trong đó, về nhiệm vụ phát triển chính quyền số, Hải Phòng phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ số tại TP. theo hướng ưu tiên thuê dịch vụ, kết nối và sử dụng hiệu quả Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP. kết nối các hệ thống thông tin; Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số của Hải Phòng, bảo đảm không trùng lặp,…
Về phát triển kinh tế số, chính quyền địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn TP.; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp TP., tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp.
Về phát triển xã hội số, việc cần làm hiện nay là cải thiện môi trường và phương thức quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, hướng tới xã hội cởi mở hơn, an toàn hơn và bền vững hơn; triển khai đào tạo thử nghiệm công nghệ số cho người dân tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, người dân vùng nông thôn; lựa chọn xã thí điểm để thực hiện chuyển đổi số và triển khai nhân rộng toàn TP.
Cùng với đó là một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế; Giáo dục; Nông nghiệp; Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải, việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu, nền tảng phải bảo đảm kết nối, chia sẻ, liên thông với các cơ sở dữ liệu, nền tảng của bộ, ngành, Trung ương để quản lý hiệu quả, tránh lãng phí và chống chéo thông tin, dữ liệu.
Đặc biệt, về chuyển đổi số trong các lĩnh vực mà Hải Phòng có thế mạnh, như quản lý phát triển lĩnh vực cảng biển – logistics, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Phạm Anh Tuấn cho rằng cần tập trung xây dựng hệ thống thông tin về quản lý cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển; triển khai ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ kết nối chuỗi hệ sinh thái hạ tầng cảng biển, giao thông, đô thị, dịch vụ logistics; phát triển hạ tầng truyền dẫn vệ tinh cho các ứng dụng tầm xa quản lý tầu bè tránh bão, an ninh - quốc phòng,…
Còn về chuyển đổi số trong quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, Hải Phòng sẽ “tập trung phát triển cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, cây xanh,… trên nền tảng công nghệ GIS; thực hiện số hóa các bản đồ quy hoạch nhằm cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đúng quy định; xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng giao thông theo mô hình dữ liệu số trên nền hệ thống thông tin địa lý” – ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Lý giải một phần nguyên nhân kết quả về chuyển đổi số của Hải Phòng còn nhiều hạn chế, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hải Phòng Vũ Đại Thắng chỉ ra việc triển khai chuyển đổi số cũng gặp không ít khó khăn, do nhận thức của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số còn hạn chế.
Cụ thể, theo ông Thắng, nguồn lực bố trí thực hiện chuyển đổi số còn chưa tập trung cao; nhân lực CNTT chất lượng cao còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng; việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ở các đơn vị, địa phương chưa đồng đều, chậm so với yêu cầu đề ra…
“Để bảo đảm thực thi công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới, ngoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến thì việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đóng vai trò hết sức quan trọng” - ông Vũ Đại Thắng nói thêm.