Chuyển đổi số: Điều gì nhất thiết phải làm ngay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để thành công trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp nào cũng băn khoăn với câu hỏi "Điều gì nhất thiết phải làm ngay?".
Hội thảo Chuyển đổi số tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (ảnh Đăng Khoa)
Hội thảo Chuyển đổi số tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (ảnh Đăng Khoa)

Chuyển đổi số trở thành nhu cầu cấp thiết

Chiều ngày 25/3/2022, tại hội thảo về chuyển đổi số do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Công ty Tái cấu trúc chuyển đổi số DrSME đồng tổ chức, nhiều chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số đã cùng có mặt thảo luận. Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm, tham dự trực tuyến của hàng trăm đại biểu ở nhiều tỉnh thành, vùng miền trên cả nước.

“Trước đây, nhiều người còn quan ngại về việc liệu thanh toán điện tử có an toàn? Nhưng sau những đợt bùng nổ của đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ sự lên ngôi và phù hợp với nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Đã có rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, với doanh số bán online tăng vọt như Shopee, Tiki, Lazada… Đặc biệt từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi thành công đã khẳng định doanh số bán trực tuyến lớn hơn hẳn so với doanh số bán trực tiếp” – PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định.

PGS.TS Tạ Văn Lợi phân tích: “Có lẽ nhu cầu đầu tiên đang tăng lên đột biến là nhân sự quản trị trong chuyển đổi số; xếp thứ nhì là nhu cầu nhân sự thiết kế các chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp”.

ông Tạ Văn Lợi phát biểu tại hội thảo (ảnh Đăng Khoa)

ông Tạ Văn Lợi phát biểu tại hội thảo (ảnh Đăng Khoa)

“Trong sự lên ngôi của số hóa, giao tiếp giữa người bán và người mua, đa dạng phương thức thanh toán, đa kênh bán hàng, xu hướng cá nhân hóa, trải nghiệm công nghệ người dùng… đều tăng nhanh, trở thành cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp” – Ông Lợi khẳng định.

3 cấp độ của chuyển đổi số

Tại hội thảo, ông Đào Trung Thành - chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số có bài trình bày về "Những mô hình trưởng thành số (Digital Maturity Model- DMM) trong doanh nghiệp".

Ông Đào Trung Thành đưa ra 3 cấp độ của chuyển đổi số, bao gồm:“Digitization (số hóa) được giải thích về mặt kỹ thuật là sự thể hiện tín hiệu, hình ảnh, âm thanh và đối tượng bằng cách tạo ra một chuỗi số, được biểu thị dưới dạng giá trị rời rạc và được biểu thị bằng số nhị phân (dưới dạng số 1 và số 0). Ví dụ, Digitization đã được giới thiệu trong các mạng viễn thông từ những năm 1970, nhằm cải thiện chất lượng âm thanh cuộc gọi điện thoại, thời gian đáp ứng, dung lượng mạng, hiệu quả chi phí và tính bền vững. Quá trình Digitization diễn ra ở Việt Nam là giai đoạn 1990 với các tổng đài chuyển đổi từ tương tự sang viễn thông. Đó cũng là thời gian tôi tham gia vào lĩnh vực non trẻ này trong 26 năm nay” – Ông Đào Trung Thành nói.

Chuyên gia chuyển đổi số Đào Trung Thành thuyết trình tại hội thảo (ảnh Đăng Khoa)

Chuyên gia chuyển đổi số Đào Trung Thành thuyết trình tại hội thảo (ảnh Đăng Khoa)

“Digitalization đó là cấp độ cao hơn của Digitization. Nó xảy ra với các quy trình (process) trong kinh doanh hay trong các ngành nghề. Digitalization các ngành công nghiệp và tổ chức (Digitalize industries and organizations) đã cho phép các quy trình sản xuất mới và phần lớn các hiện tượng ngày nay được gọi là Internet vạn vật, Internet công nghiệp, Công nghiệp 4.0.

Digitalization các doanh nghiệp và tổ chức đã tạo ra các mô hình kinh doanh mới (như freemium), dịch vụ chính phủ điện tử mới, thanh toán điện tử, tự động hóa văn phòng và quy trình văn phòng không giấy tờ, sử dụng các công nghệ như điện thoại thông minh, ứng dụng web, dịch vụ đám mây, nhận dạng điện tử, blockchain, hợp đồng thông minh và tiền điện tử, và cả kinh doanh thông minh sử dụng Dữ liệu lớn. Digitalization trong giáo dục đã tạo ra các khóa học điện tử elearning và MOOC. Đây cũng là bước ứng dụng CNTT hay tin học hóa theo cách nói trước đây” – Chuyên gia Đào Trung Thành phân tích.

“Bước tiếp theo mới là Digital Transformation. Ở đây là khái niệm chuyển đổi số, theo wiki, là "the total and overall societal effect of digitalization" (hiệu ứng toàn thể và tổng thể về mặt xã hội của quá trình digitalization). Digital Transformation dẫn đến cơ hội chuyển đổi (transform) và thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại, mô hình tiêu dùng, cơ cấu kinh tế xã hội, các biện pháp pháp lý và chính sách, mô hình tổ chức, rào cản văn hóa, v.v.

"Theo khảo sát thì đa số các công ty mới chỉ ở mức 1, một số công ty đang ở mức 2, còn mức 3 thì rất ít công ty ở Việt Nam đạt được. Chính vì xuất phát điểm thấp nên có lẽ việc đầu tiên cần làm là số hóa hệ thống quản trị của doanh nghiệp và như thế bạn làm gì liên quan đến ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh đều mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp” – Ông Đào Trung Thành nhấn mạnh.

Cần làm gì trước tiên?

Theo ông Đào Trung Thành, trước hết, doanh nghiệp cần phải xác định mình đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi số. Hay nói cách khác, cần đánh giá mức độ trưởng thành số (Digital Maturity). Và chỉ sau khi doanh nghiệp đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số thì lúc đó nhà tư vấn mới có thể chỉ ra doanh nghiệp cần làm gì (chiến lược) để thực hiện công việc khó khăn, vất vả này.

ông Vũ Tuấn Anh - Phó Giám đốc công ty DrSME trình bày tham luận về chuyển đổi số tại doanh nghiệp (ảnh Đăng Khoa)

ông Vũ Tuấn Anh - Phó Giám đốc công ty DrSME trình bày tham luận về chuyển đổi số tại doanh nghiệp (ảnh Đăng Khoa)

PGS.TS Tạ Văn Lợi đưa ý kiến cho rằng ngay khi nghĩ đến chuyển đổi số, bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhận ra mình đang thiếu hụt nguồn nhân sự cho công cuộc hội nhập xã hội 4.0. Giải pháp cho sự thiếu hụt nhân lực chuyển đổi số mà PGS.TS Tạ Văn Lợi đưa ra là doanh nghiệp phải kết hợp giữa đào tạo tại chỗ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” kết hợp với đào tạo chính quy để bổ sung lực lượng cho công cuộc chuyển đổi số.

Có mặt tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn chiến lược và triển khai chuyển đổi số cùng khẳng định: "Không thể có được kế hoạch chuyển đổi số nếu ngay từ bước đầu tiên không biết chính xác doanh nghiệp của mình đang có những thông tin nào? Giá trị của nó đến đâu? Có thể lưu trữ số hóa và khai thác các thông tin này thế nào? Cho nên, yếu tố đầu tiên là phải xử lý “đống rác” dữ liệu, biến được thành “vàng” hay không thì tùy thuộc vào tài năng của chuyên gia chuyển đổi số" - ông Nguyễn Quang Phương, Giám đốc công ty Phúc Lai nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo chuyển đổi số tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (ảnh Đăng Khoa)

Các đại biểu tham dự hội thảo chuyển đổi số tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (ảnh Đăng Khoa)