Thoát hiểm nhờ phẫu thuật kịp thời
“Mới đây, hai bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh đã may mắn thoát khỏi các nguy cơ teo cơ, bại liệt, tàn phế suốt đời, nhờ kịp thời phẫu thuật” – BSCKI. Trần Công Năng (Bệnh viện Gia An 115) cho biết.
Theo BS. Năng, cả 2 ca phẫu thuật đều rất thành công, vết mổ nhỏ, đường mổ ngắn, bệnh nhân có thể đi lại được ngay sau mổ, thời gian nằm viện ít.
Bệnh nhân H.N.Q (sinh năm 1966, ngụ tại Đà Lạt, Lâm Đồng), bị đau lưng lan xuống mông, đùi và cẳng chân bên trái. Đi khám ở bệnh viện tại địa phương, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Những cơn đau ngày một nặng dần khiến bệnh nhân đi lại khó khăn, thậm chí nằm ngồi cũng không thoải mái. Ông Q. cho biết, cách đó không lâu, ông còn bị chấn thương do tai nạn trong sinh hoạt khi mang vật nặng khiến tình trạng càng thêm tồi tệ.
Từ Lâm Đồng, ông Q. được vợ đưa vào TP. HCM để tiếp tục điều trị. Ban đầu, ông được điều trị bằng thuốc kết hợp với tập vật lý trị liệu. Sau khi tập, ông cảm thấy tình trạng đau có thuyên giảm nhưng chỉ được 2-3 tuần, cơn đau lại tiếp diễn, khiến ông không thể nằm thẳng được, chân trái không thể duỗi ra, đi đứng vô cùng khó khăn.
Sau khi khám và chụp MRI, các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 phát hiện bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng L5-S1 bên trái, có mảnh đĩa đệm vỡ rời chèn ép rễ thần kinh. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu lấy nhân đệm, giải ép rễ. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe ông Q. diễn tiến rất tốt. Chỉ sau 6 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện.
Bệnh nhân H.N.Q hiện đã được xuất viện
|
Bệnh nhân N.T.T.T, sinh năm 1967, ngụ tại TX. Cai Lậy, Tiền Giang, nhập viện trong tình trạng đau phần mông, đùi, cơn đau dữ dội đến mức không thể đi lại, ngồi cũng khó chịu. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5-S1 và được mổ lấy đĩa đệm thoát vị ngày 20/5. Bệnh nhân hết đau nhanh, đi lại được ngay sau mổ, đã xuất viện ngày 23/5.
Bác sĩ Trần Công Năng chia sẻ, với những trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh như 2 bệnh nhân trên, việc phẫu thuật thành công kịp thời không chỉ đơn thuần giúp chấm dứt cơn đau, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, mà quan trọng hơn là giúp bệnh nhân tránh nguy cơ teo cơ, bại liệt, tàn phế. Bởi vì càng để lâu, bệnh càng tiến triển, biến chứng càng khó lường.
Bác sĩ Trần Công Năng
|
Trẻ hóa độ tuổi thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh cơ xương khớp rất phổ biến, với tỷ lệ lên tới khoảng 30% dân số. Không chỉ gây ra những cơn đau dữ dội, làm suy giảm chất lượng sống, thoát vị đĩa đệm còn có thể khiến người bệnh gặp nhiều nguy cơ. BS. Trần Công Năng cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện Gia An 115 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đến khám và điều trị.
“Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra nhất ở cột sống lưng, sau đó là cột sống cổ. Tùy vị trí nơi đĩa đệm thoát vị và mức độ thương tổn mà triệu chứng mỗi người bệnh khác nhau. Tuy nhiên, một số triệu chứng thường gặp cảnh báo thoát vị đĩa đệm là đau ở mông, đùi, cẳng chân, có thể lan tới một phần bàn chân hoặc đau vùng vai, gáy, cánh tay; yếu cơ...
Khi có những cơn đau, bệnh nhân nên đi khám và điều trị ngay vì nếu thoát vị đĩa đệm không được điều trị hiệu quả thì không chỉ làm giảm chất lượng sống, mà còn có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đại tiểu tiện; rối loạn cảm giác: tê bì chân tay; teo cơ, thậm chí bại liệt, tàn phế suốt đời. Đặc biệt, với các trường hợp thoát vị đĩa đệm có chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh, phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ tiến triển bại liệt” – BS. Trần Công Năng khuyến cáo.
Thông tin quan trọng được BS. cho biết là trước đây, thoát vị đĩa đệm thường gặp ở người trung niên, cao tuổi và những người phải lao động nặng. Nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là đối tượng nhân viên văn phòng do đặc thù công việc ngồi lâu một chỗ, ít vận động làm gia tăng áp lực lên cột sống cũng như hệ thống đĩa đệm.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu