Chuẩn GMP là "thuốc bổ" cho 4.000 doanh nghiệp sản xuất TPCN, không phải “thuốc độc”

VietTimes -- Chiều 26/9, tọa đàm trực tuyến "TPCN - Thực trạng và giải pháp phát triển" đã được tổ chức, với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) và đại diện của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế.
Hình minh họa
Hình minh họa

Lý do tổ chức cuộc tọa đàm này là có nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp sản xuất TPCN đối với quy định mới, yêu cầu nếu sau 1/7/2019, các doanh nghiệp sản xuất TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP, sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.

Từ nay tới thời điểm 1/7/2019 chỉ còn khoảng 18 tháng, do đó các doanh nghiệp lo ngại sẽ không kịp đạt GMP. Đồng nghĩa với việc phải đóng cửa sản xuất. 

Thông tin từ doanh nghiệp còn cho biết, hơn 3.000 doanh nghiệp nội khó có khả năng đạt chuẩn GMP, vì để xây dựng đạt chuẩn này cần nguồn đầu tư rất lớn.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Cục ATTP và cơ quan chức năng cho phép sản phẩm đã được cấp công bố trước tháng 7/2018 thì được phép sản xuất tại nhà máy trước đó.

Tuy nhiên, phản hồi từ cơ quan quản lý lại cho thấy thực tế khác. Ông Trần Văn Châu – đại diện của Cục ATTP - cho biết, hiện cả nước có gần 4.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN. Trong đó, số cơ sở sản xuất chiếm khoảng gần 10%.

Nhưng trong số gần 10% đó, phổ biến có tình trạng cơ sở không phải là nhà sản xuất, mà chỉ có hợp đồng với nhà máy sản xuất nào đó.

Ở góc độ quản lý, ông Châu nhấn mạnh, GMP là quy chuẩn tốt với nhà máy sản xuất TPCN. Và theo lộ trình, tới ngày 1/7/2019, các doanh nghiệp sản xuất TPCN nước ngoài tại Việt Nam hay vào Việt Nam cũng phải chấp hành.

Ông Châu đánh giá, như vậy quy định này sẽ tạo “sân chơi” bình đẳng giữa doanh nghiệp ngoại và nội trong lĩnh vực TPCN.

Mặt khác, với tiêu chuẩn GMP, tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong thực phẩm chức năng sẽ bị loại bỏ. Đồng thời, những “xưởng” sản xuất “chỉ mấy mét vuông cũng làm TPCN” sẽ không còn, để tạo ta thị trường lành mạnh hơn. 

Về kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới việc cho phép sản phẩm đã được cấp công bố trước tháng 7/2018 thì được phép sản xuất tại nhà máy trước đó, đại diện Cục ATTP cho biết, những sản phẩm sản xuất trước ngày 1/7/2019 có thời hạn lưu hành và sử dụng sản phẩm vẫn như bình thường là 24 tháng.

Từ quan điểm của tổ chức ngành nghề, ông Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội TPCN Việt Nam nhận xét, ngành TPCN có tới 5 tiêu chuẩn cần áp dụng. Và nếu doanh nghiệp Việt không đạt chuẩn GMP, thì cũng không thể xuất khẩu được

Do đó, theo ông Củng, quy định mới đã “mở ra cơ hội cho doanh nghiệp chứ không phải là khó khăn”. Như vậy, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu của quy định mới về chuẩn GMP và nhận thức rõ tiêu chuẩn này là để doanh nghiệp phát triển bền vững.