Đây là kết quả do công ty thương mại điện tử iPrice Group công bố sau khi thực hiện nghiên cứu tìm hiểu về vai trò và cơ hội dành cho nữ giới trong ngành kinh tế này ở hiện tại và tương lai.
Theo báo cáo, nữ giới hiện chỉ chiếm khoảng 37% ở các cấp bậc quản lý trong các công ty TMĐT lớn ở Việt Nam.
Con số này của Việt Nam thấp hơn kết quả từ các nghiên cứu tương tự của iPrice tại hai nước láng giềng Thái Lan và Malaysia. Theo đó, Thái Lan và Malaysia có tỷ lệ phụ nữ ở vị trí lãnh đạo các công ty TMĐT lần lượt là 40% và 42% (số liệu tháng 8/2018).
Đáng chú ý hơn là càng dịch chuyển lên các chức vụ cao hơn thì tỷ lệ này lại càng giảm. Trong khi có tới 44% các trưởng bộ phận và 46% các quản lý là phụ nữ thì chỉ có 29% các giám đốc và 23% nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp TMĐT là phụ nữ.
Các kết quả này tuy một mặt cho thấy sư mất cân bằng về giới tính trong cấp lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ nhưng mặt khác cũng chỉ ra được một khoảng trống cơ hội đang đón chờ các chị em phụ nữ. Cùng với sự phát triển của toàn ngành TMĐT nói chung, vai trò của nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp TMĐT sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Cụ thể, số liệu từ công ty nghiên cứu comScore cho thấy phụ nữ chiếm 58% tổng số lượt tham gia mua sắm trực tuyến, và đồng thời là yếu tố quyết định đến 83 - 87% xu hướng mua sắm của thị trường tiêu dùng.
Đặc biệt, tại Đông Nam Á, thời gian trải nghiệm trên các sàn giao dịch mua sắm trực tuyến của phụ nữ nhỉnh hơn đến 40% - một con số đáng được các nhà đầu tư quan tâm, iPrice nhận định.
Những số liệu này cho thấy các công ty thương mại điện tử luôn cần có các chiến lược nhắm tới đối tượng khách hàng nữ giới. Và để thực hiện được điều đó, việc thấu hiểu được tâm lý và nắm bắt được xu hướng của nữ giới là một yếu tố tối cần thiết. Đó là một lợi thế quan trọng của lao động nữ khi tham gia làm việc trong ngành TMĐT.