Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc
|
Đó là thông tin trao đổi bên hành lang Quốc hội liên quan đến Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chủ tịch VCCI cho rằng: “Nếu người dân trong khu vực được biết thông tin sớm về vị trí đặt trạm thu phí từ khi dự án còn trên giấy thì chắc chắn họ sẽ có ý kiến. Khi đó, họ sẽ có ý kiến để cơ quan nhà nước điều chỉnh dự án cho phù hợp. Khác với thực tế hiện nay, đến khi dự án xây xong hết thì người dân mới biết thông tin, khi đó họ mới có ý kiến phản đối và hậu quả xã hội lúc này là rất lớn. Dự án BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình của việc không nhận được sự đồng thuận xã hội từ đầu, nên giờ tiến thoái lưỡng nan”, ông Lộc nói.
Do đó, đại biểu đề nghị nhất thiết phải bổ sung một điều khoản về việc lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP.
ĐBQH Lộc gợi ý, cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, ông Lộc kiến nghị: Điều 11 của dự thảo đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố, tuy nhiên, vẫn cần công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân.
BOT Cai Lậy. Ảnh: NLD
|
Thực tế, PPP cần cởi mở, thông thoáng để thu hút nguồn lực tư nhân, song cũng cần bảo đảm công khai, minh bạch. Thời gian qua, đã có nhiều công trình hợp tác công tư trong nhiều lĩnh vực được xây dựng tại các địa phương.
ĐB Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng sự minh bạch, bình đẳng và chia sẻ rủi ro là vấn đề rất lớn, nhưng cũng rất khó. Trên thực tế, có nước có luật, nước lại không có luật về hợp tác công tư. Có nước đánh giá rất cao hợp đồng PPP và xử lý tất cả những vấn đề xung quanh hợp đồng bằng luật dân sự, chứ không hề có luật riêng.
Trong bối cảnh của Việt Nam, Bộ trưởng Dũng cho rằng rất cần có một bộ luật và nên cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh và tạo được niềm tin giữa các nhà đầu tư khi hợp tác với Nhà nước, để thực hiện các dự án đầu tư.
Ông Dũng cho rằng, bản chất của dự án đầu tư PPP có rất nhiều đặc thù, như đây là toàn bộ các dự án công, mục đích công, nhưng lại có sự tham gia của đầu tư tư, quản lý tư và quan hệ giữa Nhà nước với nhà đầu tư là quan hệ đối tác. Do đó, cần có sự minh bạch, bình đẳng, chia sẻ cả mặt được cũng như rủi ro.
“Theo tôi, Nhà nước chỉ tham gia một phần, tập trung vào giải phóng mặt bằng, còn chủ yếu nhà đầu tư bỏ tiền và bóc tách dự án riêng. Vì thế, nếu dự án luật không tạo được sự công bằng, bình đẳng sẽ không thể đạt được mục tiêu xã hội hóa nhằm thu hút tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.
Dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy và nâng cấp đoạn QL1 qua thị trấn Cai Lậy do Liên doanh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (65%) và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (35%) đầu tư, thu hồi vốn qua thu phí. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017. Tổng mức đầu tư dự án là 1.398 tỷ đồng. Thời gian thu phí ban đầu khoảng 7 năm, nhưng sau khi điều chỉnh giảm phí theo phương án mới nhất thời gian thu tăng lên khoảng 15 năm 9 tháng. Sau khi dự án hoàn thành, Nhà đầu tư tổ chức thu tiền dịch vụ từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp, mất trật tự, an toàn giao thông tại trạm thu phí Cai Lậy, ngày 14/8/2017 Nhà đầu tư phải dừng thu phí tới nay. |