ông Trương Gia Bình
ông Trương Gia Bình

E-magazine Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ về dữ liệu mở và chiến lược Make in Vietnam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Chiến lược “Make in Vietnam” cần sự đồng lòng, chung sức của nhà nước và các doanh nghiệp số để tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ, có sức cạnh tranh quốc tế.

Bên lề Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp số, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietTimes và các phóng viên ICT về chiến lược “Make in Vietnam”.

PV: Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp muốn làm “Make in Vietnam” nhưng bị hạn chế bởi dữ liệu đóng. Nhiều bộ, ban, ngành không mở dữ liệu nên việc truy xuất, liên thông dữ liệu rất khó. Theo ông nhà nước cần có chính sách gì, hay là phải mở dữ liệu đến đâu để doanh nghiệp có thể phát triển được?

ông Trương Gia Bình: Quả thật đây là vấn đề khó và rất khó. Không chỉ mở dữ liệu cho các doanh nghiệp mà việc mở dữ liệu cho nội bộ của các bộ, ban, ngành, các đơn vị địa phương còn đang bị tắc. Trong bối cảnh đó, một mặt chúng ta mong muốn là chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể được tiếp cận dữ liệu – đó là tiếp cận “dầu mỏ” cho ngành công nghiệp số.

Nhưng trong trường hợp chúng ta không có nhiều “dầu mỏ”, chúng ta vẫn phải tiến lên. Việc tiến lên đó là vai trò nhiệm vụ của các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, ví dụ như các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng – họ có nhiều dữ liệu về viễn thông, tài chính ngân hàng thì họ phải đi đầu mở dữ liệu cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đấy là con đường chúng ta đi.

PV: Nhưng nếu họ không tự giác mở thì sao?

ông Trương Gia Bình: Cách mạng bao giờ cũng khó khăn chúng ta không có con đường bằng phẳng để tiến lên đâu. Chúng ta phải đi lên, quyết tâm đi lên là quan trọng. Còn khó đến đâu gỡ đến đấy và thực tế chúng ta đang tiến lên, đang gỡ khó.

ông Trương Gia Bình nói về mở dữ liệu

PV: Các doanh nghiệp số sẽ có vai trò như thế nào để giúp Việt Nam trở thành một quốc gia số thưa ông?

ông Trương Gia Bình: Các doanh nghiệp số phải ở vị trí trung tâm. Nói thế này đi, ước mơ số là một chuyện, còn bắt đầu từ việc gì, làm với ai, làm gì tiếp theo, đích đến đâu, không ai khác chính là các doanh nghiệp hiểu rõ nhất. Cho nên doanh nghiệp là nhân vật trung tâm, vừa đóng góp cho việc làm chi tiết hóa các chiến lược, các chính sách, các đề án, cho đến việc triển khai, giám sát, ứng dụng các sản phẩm số.

Còn nhà nước cần nhất là gì? Nhà nước cần mở thị trường, mở các chính sách như sandbox để các sản phẩm đó vào được cuộc sống. Nếu nó không vào được cuộc sống thì làm sao chuyển đổi số được.

Tôi tin rằng các doanh nghiệp và chính phủ, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân họ hiểu lợi ích là làm cho họ, thì sẽ không vấn đề gì với họ. Tôi nghĩ doanh nghiệp vẫn là trung tâm.

PV: FPT đã là một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và có thương hiệu trên thế giới. Mục tiêu của FPT trong thời gian tới là gì thưa ông?

ông Trương Gia Bình: Ở thời điểm này, chúng ta đang có thuận lợi là lực lượng doanh nghiệp của chúng ta đông đảo, có ngọn cờ “Make in Vietnam”, có sự hỗ trợ của toàn cộng đồng.

Còn với FPT thì chúng tôi phải tập hợp được nhiều anh em, nhiều doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn kế hoạch để xây dựng sản phẩm không chỉ ở Việt Nam mà phải ra thế giới. FPT lẻ tẻ từng việc một thì đã ra thế giới, có sản phẩm đứng top thế giới rồi. Nhưng (một cá thể) vẫn nhỏ lắm. Việt Nam vẫn cần có những sản phẩm đáng kể để phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn ra thế giới.

Tôi không thấy một ai trên thế giới này đang có ý đồ phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi ở Việt Nam có 97% doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Đấy là khát vọng lớn của chúng tôi ngày hôm nay.

ông Trương Gia Bình trả lời phỏng vấn về doanh nghiệp số và chiến lược Make in Vietnam

PV: Chúng ta cần làm gì để xây dựng hệ sinh thái số mang thương hiệu chung của Việt Nam chứ không phải của từng doanh nghiệp? Phải chăng các doanh nghiệp nên đi cùng nhau chứ không cạnh tranh nhau?

ông Trương Gia Bình:Chúng ta vẫn phải đề cập đến từng công ty thôi, chứ chúng ta nói 1.000 công ty thì người ta chóng mặt. Những công ty hàng đầu như một “cánh chim đầu đàn” dắt cả đàn đi. Đấy là cái hướng đi. Còn sản phẩm của chúng ta mang đến thì là sản phẩm của một “đàn chim Việt” .

PV: Theo ông, trong thời gian tới các doanh nghiệp số và chính phủ nên làm gì, có nên phát triển rất rộng và nhiều như hiện nay?

ông Trương Gia Bình: Thực ra khi đi đến tương lai, không ai có thể nói đúng về con đường nào cả. Các doanh nghiệp phải cùng nhau tìm hướng đi. Việc mà nhà nước cần làm là mở ứng dụng, có chính sách mở thị trường. Hiện nay chưa có một chính sách nào hỗ trợ cả, hy vọng sẽ có chính sách hỗ trợ, nhưng chính sách ấy phải nhằm mở thị trường.

Ví dụ một doanh nghiệp nhỏ ứng dụng công nghệ số trong công tác điều hành, kinh doanh của mình thì doanh nghiệp ấy có thể được hỗ trợ một số tiền, 50% chẳng hạn, khi chi ra mua các sản phẩm dịch vụ số. Nếu chính phủ làm điều đó, thực ra chính phủ cũng không thiệt đâu. Công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả lên trên 50 lần. Nhưng đây là một chính sách có tầm xa. Rất mong chính phủ có chính sách như vậy.

PV: FPT nhận thấy các địa phương và doanh nghiệp thiếu thứ gì để chuyển đổi số thành công?

ông Trương Gia Bình: Chúng ta mới đang bắt đầu đi lên con đường chuyển đổi số. Mặc dù mới bắt đầu nhưng Việt Nam được ghi nhận là một quốc gia có nhiều tiềm năng và có nhiều thành tích. Cái cần quan tâm nhất ở các địa phương là ngân sách 2021 có phần chi cho chuyển đổi số không, chi cho việc gì, chi bao nhiêu cho chuyển đổi số. Vậy thôi.

PV: Ông có niềm tin chúng ta có thể xây dựng hệ sinh thái “Make in Vietnam” không?

ông Trương Gia Bình: Chúng tôi tin từ ngày đầu thành lập. FPT đã đi qua con đường nhiều chông gai, nhiều lúc muốn buông bỏ. Nhưng chúng tôi đã vượt được khó khăn, đã đến với thế giới và được chào mời. Vì thế không có lý do gì Việt Nam không đi được. Chỉ cần có sự đồng tâm, đồng lòng là được.

Trích bài phát biểu của ông Trương Gia Bình tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số 2020