Chủ nghĩa thân hữu đằng sau hợp đồng PPP

Thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) như dao hai lưỡi. Một công cụ sắc nhọn sẽ dùng quyền năng của nó để phục vụ dân hay để bóc lột dân, tùy thuộc cách chúng ta sử dụng, ứng xử với nó. Vì vậy, cần nhận diện, phân tích nhằm ngăn ngừa các rủi ro tiềm ẩn đằng sau PPP.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

PPP là một công cụ quyền năng được sử dụng hữu hiệu trong các xã hội dân chủ văn minh nhằm thu hút nguồn lực của xã hội vào việc cung cấp dịch vụ công, tận dụng công nghệ mới, kỹ năng quản trị hiệu quả của khu vực dân doanh nhằm khắc phục các khiếm khuyết và sự trì trệ của khu vực công. Điều này đặc biệt có ý nghĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, nguồn vốn ngân sách cạn kiệt, PPP đã góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Nhưng thực tế cho thấy PPP cũng đặt ra nhiều vấn đề...

Dự án BT có thể hai lần “né đấu thầu”

Các dự án PPP không sử dụng ngân sách, nhưng không có nghĩa Nhà nước và xã hội không phải hy sinh cái gì, mà xã hội phải sử dụng các nguồn lực công như đất đai, quyền thu phí, quyền khai thác... để đánh đổi cho nhà đầu tư. Và rủi ro ngay lập tức xuất hiện khi các bên “sân sau” nhân danh nhân dân định giá rẻ mạt các tài nguyên công này.

Nếu theo quy trình thông thường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành hai lần đấu thầu: (1) bán đấu giá quyền sử dụng đất hay một loại nguồn lực công nào đó nhằm tạo ra vốn đầu tư cho công trình giao thông hay phúc lợi công cộng nói chung. Sau khi có tiền trong tay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ (2) tiến hành đấu thầu lần thứ hai để lựa chọn nhà thầu nào sẽ có quyền thi công công trình giao thông mà xã hội đang cần. Bài bản hơn nữa, cơ quan nhà nước có thể tiến hành ba bước: (1) phát hành trái phiếu chính phủ lấy tiền xây dựng hạ tầng giao thông xong; đất đai vùng tương ứng sẽ lên giá nhờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện; (2) cơ quan nhà nước sẽ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất đó; (3) tiền thu về dùng chi thanh toán trái phiếu, dư ra thì nộp vào ngân sách chung.

Nhưng đối với dự án BT, nhà đầu tư đề xuất đánh đổi trực tiếp quyền sử dụng đất, nguồn lực công lấy một công trình giao thông cụ thể. Việc định giá quyền sử dụng đất, nguồn lực công, cũng như định giá chi phí công trình giao thông sẽ không qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh mà do tự hai bên kê khai và ấn định. Cơ hội kiếm chác cho doanh nghiệp sân sau ngay lập tức xuất hiện.

Đồng tiền không có lỗi, PPP không có lỗi, tư bản không có lỗi, mà chỉ có “tư bản cánh hẩu” mới có lỗi. Hay nói cách khác, tác nhân làm tha hóa vai trò của hợp đồng hợp tác công tư nằm ở chữ “cánh hẩu”.

Giới đầu tư thường lưu truyền kỹ thuật “tay không lấy đảo” mà một nhà đầu tư đã dùng để lấy hòn đảo đẹp nhất trong vịnh đẹp nhất ở Việt Nam. Trên hòn đảo này có chừng 1.000 cư dân sinh sống trên khoảng một phần năm diện tích đảo, nhưng điều kiện giao thông rất khó khăn. Để cho đồng bào bớt khó khăn, nhà đầu tư đề xuất dự án xây cầu và đường nối liền quốc lộ với hòn đảo. Vì ngân sách eo hẹp, nên cơ quan chức năng đề xuất nhà đầu tư tìm phương án giúp đỡ đồng bào nghèo khó. Nhà đầu tư liền đề xuất phương án tự bỏ vốn gần 100 triệu đô la Mỹ để làm con đường trên theo hình thức BT - sau khi xây dựng xong họ sẽ bàn giao toàn bộ con đường (bao gồm cả cầu) cho Nhà nước, nhưng không phải miễn phí; đổi lại cơ quan nhà nước sẽ chuyển giao quyền sử dụng đất của bốn phần năm diện tích còn lại của hòn đảo để nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản cao cấp. Khi cơ quan nhà nước nhận bàn giao con đường, 1.000 cư dân trên đảo hồ hởi vì sự thuận tiện của con đường mang lại. Đặc biệt hơn, giá đất trên đảo tăng lên 5 lần bởi vì đây cũng là thời điểm dự án bất động sản của nhà đầu tư hoàn thành hạ tầng giao thông, kêu gọi các đối tác góp vốn để triển khai xây dựng, kinh doanh siêu dự án.

Cái mà nhà đầu tư Việt Nam góp vốn trong siêu dự án bất động sản này chính là quyền sử dụng đất có được từ việc đánh đổi dự án làm đường trị giá 100 triệu đô la Mỹ nói trên. Nhưng giá trị của quyền sử dụng đất của bốn phần năm diện tích hòn đảo không còn là 100 triệu đô la Mỹ nữa, mà được các đối tác thống nhất định giá 1 tỉ đô la Mỹ.

Nhà đầu tư đã hưởng khoản chênh lệch 900 triệu đô la Mỹ từ việc định giá đất rẻ trong dự án BT nêu trên? Không hẳn như vậy, lợi ích thực sự họ kiếm được lớn hơn con số này. Bởi 1.000 cư dân trên đảo chỉ là người hưởng ké, còn chủ thể thụ hưởng lợi ích thực sự từ con đường này chính là ông chủ của dự án bất động sản; bởi theo lẽ thông thường, nhà đầu tư phải tự xây cầu, làm đường vào dự án bất động sản của mình bằng chính tiền của mình nhưng họ đã khéo léo chuyển nghĩa vụ thanh toán “hóa đơn chi phí” này sang cho xã hội. Để hoàn thành kế hoạch lắt léo này, nhà đầu tư - tư bản, phải kết hợp với “thân hữu” và từ số tiền gần 1 tỉ đô la Mỹ kiếm được nhà đầu tư phải biết cách chia sẻ với “thân hữu”. Vì vậy, nếu nói nhà đầu tư “tay không bắt giặc” thì chưa hoàn toàn chính xác mà phải là liên minh: “tư bản” + “thân hữu” = “tay không lấy đảo” mới chính xác.

Khác với các dự án BOT, khi nhà đầu tư nâng phí thường bị người dân phản đối (BOT ở Hòa Bình, Mỹ Lộc...); trong dự án BT không chỉ nhà đầu tư và “thân hữu” vỗ tay hoan nghênh các dự án này, mà chính gần 1.000 cư dân trên hòn đảo cũng hồ hởi vì hai lý do nêu trên; bởi vậy các dự án này đôi lúc được truyền thông ca tụng hết lời vì ba bên cùng có lợi, mà quên đi rằng xét về lợi ích công cộng của quốc gia đã mất đi cả tỉ đô la Mỹ.

Những rủi ro tương tự đều có thể tìm thấy ở các dạng hợp tác công - tư khác nhưng đều có đặc điểm chung: hạn chế công khai dự án, lạm dụng chỉ định thầu, né đấu thầu... từ đó định giá tài nguyên công một cách rẻ mạt.

Đồng tiền không có lỗi, PPP không có lỗi, tư bản không có lỗi, mà chỉ có “tư bản cánh hẩu” như cách nói thường thấy mới có lỗi. Hay nói cách khác, tác nhân làm tha hóa vai trò của hợp đồng hợp tác công tư nằm ở chữ “cánh hẩu”.

Ứng xử thế nào với cánh hẩu? - kinh nghiệm các nước

Đối phó với “cánh hẩu” nói riêng và tham nhũng nói chung đã được nêu lên như là một trong bốn nguy cơ hàng đầu của chế độ bắt đầu từ Đại hội VII; từ đó đến nay đã trải qua năm kỳ đại hội, đã xác định được nguyên nhân gây ra “cánh hẩu” là do “một bộ phận không nhỏ”. Nhưng ai nằm trong danh sách “bộ phận không nhỏ” thì chưa có lời đáp; cứ thế “cánh hẩu” lớn dần qua năm tháng, bởi chưa ai nắm quyền lực trong tay lại có dũng khí hy sinh để chịu uống thuốc đắng.

Nhìn rộng ra, Trung Quốc cũng như Việt Nam, sốt sắng du nhập kinh tế thị trường để có được tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng lại rất miễn cưỡng du nhập các thể chế chính trị để khắc chế “cánh hẩu” và tất yếu sẽ phải vật lộn với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, bởi thể chế đó ở Trung Quốc đã dung dưỡng cả “ruồi” lẫn “hổ” trong thời gian quá dài, chúng sinh sôi nảy nở đến mức dân chúng không còn chịu nổi và phá vỡ các thành tựu kinh tế ở giai đoạn đầu.

Có lẽ, rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, Việt Nam, ngài Thein Sein đã không lựa chọn chiến lược “vừa xây đập, vừa đón nước” cho Myanmar, mà quyết định phải “xây đập xong mới đón nước”, đổi mới chính trị, chậm chắc về kinh tế; thà chậm nhưng bền vững. Ông quyết định chuẩn bị các thể chế chính trị cần thiết khắc chế mặt trái của kinh tế thị trường trước khi chấp nhận kinh tế thị trường, tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách rộng rãi.

Dù chưa có những thập niên tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” như Việt Nam, Trung Quốc, nhưng người Myanmar sẽ không phải vật lộn với “tư bản cánh hẩu”; không phải lo lắng vì những vết rò rỉ trên “thân đập”, không lo “vỡ đập”, bởi họ không vội vàng “vừa đón nước vừa xây đập”, bởi họ đã có những công cụ khắc tinh mặt trái của kinh tế thị trường.

Theo TBKTSG