Chống lại thông tin sai lệch và tầm quan trọng của báo chí khoa học thời COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật vai trò của những nhà báo khoa học hơn bao giờ hết.

“Đại dịch là một hồi chuồng cảnh tỉnh rằng các tòa soạn vẫn còn giữ vai trò quan trọng” - biên tập viên Adri Kotze cho biết.
“Đại dịch là một hồi chuồng cảnh tỉnh rằng các tòa soạn vẫn còn giữ vai trò quan trọng” - biên tập viên Adri Kotze cho biết.

“Cơn lũ” dữ liệu liên quan đến COVID-19 với những thông tin thật giả lẫn lộn đã khiến các nhà báo khoa học phải xông pha ra đầu chiến tuyến. Đại dịch đã lan rộng ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt và cùng với đó, nó đặt ra yêu cầu cấp bách là các nhà báo phải nhanh chóng phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả cũng như truyền tải thông tin cho công chúng một cách rõ ràng và ngắn gọn. Thời kỳ “hỗn loạn thông tin” này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các báo cáo khoa học với đầy đủ thông tin xác thực.

“Đại dịch là một hồi chuông cảnh tỉnh rằng chuyên môn của các tòa soạn vẫn còn rất quan trọng. COVID-19 đã cho chúng ta thấy báo chí khoa học cũng quan trọng như các báo cáo chính trị và nó cần được đối xử công bằng như vậy” - Adri Kotze, một biên tập viên tự do có nhiều kinh nghiệm hiện đang làm việc tại London cho biết.

“Tốt nhất, các tổ chức truyền thông nên có các nhà báo chuyên viết về sức khỏe/khoa học” - cô Adri Kotze nhấn mạnh.

Quan điểm của Kotze cũng đã được hội đồng khoa học nhắc lại với việc nhà khoa học, nhà văn Matthew Diasio tuyên bố trên trang web tin tức của Đại học Virginia, UVAToday: “Khi COVID-19 lây lan, mọi người bắt đầu đổ xô đi tìm hiểu về các chất khử trùng và cách giảm thiểu sự lây lan trong các hoạt động hàng ngày. Các bài viết về khoa học hoặc những hình thức tuyên truyền khác có thể giúp mọi người đưa ra các quyết định đúng đắn nhằm đẩy lùi dịch bệnh”.

Như những gì đang diễn ra, cộng đồng đang đánh giá cao công việc của các nhà báo khoa học với việc nhiều hãng tin tức chứng kiến sự gia tăng đột biến của lưu lượng đăng ký và truy cập khi họ tăng cường đưa tin về COVID-19. Ví dụ, công cụ theo dõi COVID-19 của Tạp chí Financial Times - biểu đồ theo dõi sự gia tăng của các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 đã trở thành bài báo được xem nhiều nhất mọi thời đại vào đầu năm nay theo phân tích của Tạp chí Press Gazette.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Với hàng tấn thông tin sai lệch và loạt thuyết âm mưu xoay quanh đại dịch, các nhà báo về sức khỏe có thể giúp công chúng thoát khỏi cơn “ngộ độc thông tin” này.

“Chúng ta cần hiểu đúng về vaccine mới có thể đưa ra các báo cáo về vaccine COVID-19 một cách chính xác” - Mia Malan, Tổng biên tập cũng là CEO của Trung tâm báo chí về sức khỏe Bhekisisa ở Nam Phi cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Wolfgang Blau - Chủ tịch đồng CEO của Conde Nast và hiện đang là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Báo chí của Reuters cũng đã có một bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Truyền thông Thế giới FIPP năm nay.

Ông nói: “Các khái niệm và thỏa thuận xã hội vốn đã được công nhận rộng rãi như niềm tin khoa học giờ đây đã trở nên khó khăn và đang được đưa lên bàn cân để thảo luận như thể chúng là chỉ là những ý kiến. Cho đến thời gian gần đây, việc tiêm chủng để ngăn chặn đại dịch mới không tạo ra nhiều hiệu ứng trái chiều bởi nó đã được chứng minh dựa trên khoa học thực tế. Tuy nhiên, việc chính trị hóa các sự thật khoa học vẫn đang là một thách thức đối với các nhà báo”.

Khi cố gắng đưa sự thật tới độc giả của mình, cô Kotze đã phải đối mặt với cơn lũ thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội.

“COVID-19 đã làm nổi bật và trầm trọng thêm một vấn đề rằng các thuyết âm mưu vô nghĩa và phi khoa học vẫn đang được lan truyền, điển hình như các nhóm chống vaccine, QAnon. Một thách thức lớn khác là thông tin sai lệch đã trở thành xu hướng chủ đạo - các hãng tin tức như Breibart và các kênh NewsMax và OneAmericaNetwork (OAN) đã phổ biến các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch.

Luôn ở tâm thế chuẩn bị


Một trong những bài học lớn nhất mà đại dịch đã dạy cho giới truyền thông, đó là luôn phải chuẩn bị khi mà cuộc khủng hoảng sức khỏe có thể xảy ra trong tương lai.

“Đại dịch vẫn đang diễn ra và các nhà báo cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khoa học và quan chức y tế cộng đồng” - Tiến sĩ Jaya Shreedhar cũng là nhà tư vấn Truyền thông và Sức khỏe tại Internews Network cho biết.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang có cơ hội tuyệt vời để các nhà báo phát triển kỹ năng báo cáo khoa học của họ, từ đó, thúc đẩy tư duy khoa học trong công chúng” - ông nói thêm.

Trong khi đó, cô Malan cũng cảnh báo rằng việc chuẩn bị đúng cách cho các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai sẽ không hề dễ dàng. “Đại dịch đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của điều này và còn rất nhiều việc phải làm để các nhà báo có thể báo cáo tốt hơn về những tình huống tương tự như COVID-19”. Theo cô Malan, tất cả các nhà báo cần có kiến thức về khoa học và nên tham gia các khóa đào tạo liên quan.

“Báo chí khoa học cần dễ tiếp cận và chính xác. Các nhà báo có thể kiểm tra thực tế những tuyên bố sai. Các khóa học bồi dưỡng những kỹ năng để đáp ứng điều này sẽ trở nên cần thiết. Đối với tôi, theo kịp sự thay đổi của khoa học là một thách thức thực sự - và tôi cho rằng các cuộc hội thảo trực tuyến thực sự rất hữu ích” - cô Kotze chia sẻ.

Theo What's News Publishing