Choáng xem hội con nhà giàu Trung Quốc sang Mỹ chơi siêu xe

Không chỉ đến Mỹ để lấy tri thức, các cậu ấm, cô chiêu thuộc thế hệ thứ hai trong gia đình giàu có Trung Quốc còn trở thành nguồn thu nhập của đại lý siêu xe và xe sang bản địa.

Choáng xem hội con nhà giàu Trung Quốc sang Mỹ chơi siêu xe

Khi Michael Kwan chuyển từ Hồng Kông đến Mỹ vào năm 2012 để học đại học, bố mẹ của anh đã chu cấp rất hào phóng. Nhờ đó, Kwan có cuộc sống khá sung túc trên đất Mỹ.

Thậm chí, số tiền mà bố mẹ cho hàng tháng còn nhiều hơn so với nhu cầu của Kwan khi sống trong ký túc xá của trường Đại học Illinois Urbana–Champaign. Do đó, Kwan đã dùng số tiền thừa để mua một chiếc SUV hạng sang cỡ lớn Cadillac Escalade trị giá 80.000 USD, tương đương 1,79 tỷ Đồng.

Ý tưởng "có một chiếc xe cỡ lớn và phù hợp với văn hóa Mỹ" là điều khiến Kwan quyết định mua Cadillac Escalade. Tuy nhiên, sau đó, Kwan nhanh chóng tham gia một nhóm bí mật, bao gồm toàn những sinh viên sở hữu xe sang sống trong cùng ký túc xá. Tất cả các sinh viên này đều đến từ Trung Quốc đại lục và lái những chiếc xe thể thao cỡ nhỏ hơn nhiều như Nissan GT-R hay BMW M5.

Shawn Mao, một du học sinh Trung Quốc tại Mỹ, mở nắp capô chiếc siêu xe Nissan GT-R của mình.

Đến cuối năm thứ nhất đại học, Kwan đã bán chiếc Cadillac Escalade để đổi sang dòng xe thể thao hơn mang nhãn hiệu Maserati Quattroporte trị giá 100.000 USD, tương đương 2,23 tỷ Đồng. Kwan đã dùng chiếc xe này để tham gia những buổi tụ tập vào đêm khuya với nhóm sinh viên. Những buổi tụ tập như thế thường được lên lịch trên WeChat vốn rất phổ biến tại Trung Quốc.

Khi biết cuộc sống của Kwan và nhóm du học sinh Trung Quốc, phản ứng của các bạn học người Mỹ chính là ghen tị. "Có rất nhiều người muốn ngồi vào ghế phụ lái trong chiếc ô tô của tôi. Thỉnh thoảng, tôi sẽ đưa họ đi chơi một vòng", Kwan nói. Theo Kwan, hiện 22 tuổi, anh và những người bạn Trung Quốc của mình thường có vẻ giàu hơn các sinh viên bản địa.

Học viện Giáo dục Quốc tế (IIE) phi chính phủ cho biết, số lượng sinh viên từ Trung Quốc đại lục sang Mỹ để học trong năm học 2014-2015 ước tính khoảng 304.040 người, tăng 11% so với năm học trước. Nếu so với cách đây 1 thập kỷ, con số này đã tăng 5 lần.

Choáng xem hội con nhà giàu Trung Quốc sang Mỹ chơi siêu xe ảnh 2

Khuôn viên trường đại học Illinois Urbana–Champaign.

Riêng tại trường đại học Illinois Urbana–Champaign, số lượng sinh viên người Trung Quốc đã gần 5.000 người. Trong khi đó, tổng sinh viên của cả trường là 44.000. Với con số này, Illinois Urbana–Champaign là một trong những trường đại học tập trung nhiều sinh viên người Trung Quốc nhất nước Mỹ.

Từ vùng Trung Tây nước Mỹ đến những thành phố lớn khác, sinh viên Trung Quốc không chỉ làm thay đổi văn hóa các trường đại học mà còn góp phần giúp kinh tế tăng trưởng. Học viện IIE nhận định, trong năm 2015, các sinh viên Trung Quốc đã đóng góp 9,8 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ thông qua học phí và chi phí sinh hoạt. Bằng chứng là lượng hàng hóa mà các sinh viên Trung Quốc đã mua sắm tại nơi ở.

Cơ hội kiếm tiền của các đại lý xe sang

New York là điểm đến của rất nhiều sinh viên Trung Quốc khi đặt chân tới Mỹ. Một trong những người đầu tiên mà các sinh viên Trung Quốc gặp khi đến Mỹ là anh Nicholas Lam có gốc gác Thượng Hải. Lam đã tốt nghiệp từ trường đại học Stony Brook ở Long Island vào năm 2013 và tự mình gây dựng một công ty chuyên bán xe sang mới và đã qua sử dụng cho sinh viên Trung Quốc mang tên New York Auto Depot.

Nicholas Lam ngồi bên chiếc siêu xe Mercedes-Benz SLS của mình.

Năm nay 25 tuổi, Lam thừa nhận không biết nhiều về xe cộ khi lần đầu tiên chuyển đến Mỹ vào năm 2009. "Sau khi mua một chiếc xe với giá hớ, tôi nhận ra thật bất công. Tôi quyết định tự học mọi thứ có thể và tự kinh doanh", Lam giải thích.

Đến nay, Lam đã có 8 nhân viên làm toàn thời gian và 54 "cò xe" tại các trường đại học, chuyên giúp anh bán ô tô cho người nước ngoài như Lamborghini Huracan có giá khởi điểm 199.800 USD, tương đương 4,46 tỷ Đồng. "Mỗi tháng, chúng tôi bán được 1 chiếc xe tầm tiền như Lamborghini Huracan", anh Lam khẳng định.

Các du học sinh Trung Quốc đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm.

Cũng theo anh Lam, xe sang trị giá khoảng 100.000 USD, tương đương 2,23 tỷ Đồng, chiếm khoảng 20% doanh số bán của công ty. Trong số những khách hàng của anh Lam, 95% là sinh viên Trung Quốc, phần lớn đều học tại các trường đại học giữa Boston và Washington.

Theo công ty nghiên cứu thị trường CNW, trong năm học 2012-2013, sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã chi gần 15,5 tỷ USD cho ô tô mới và cũ. Mercedes-Benz, BMW và Lexus là 3 trong số những nhãn hiệu được sinh viên Trung Quốc chuộng nhất.

Du học sinh Trung Quốc "tranh thủ" trải nghiệm cuộc sống xa hoa tại Mỹ

Trong giới du học sinh Trung Quốc tại Mỹ, Timothy Lin không còn là cái tên xa lạ. Anh chàng 27 tuổi này đã điều hành một mạng xã hội tiếng Trung có tên CollegeDaily dành cho các du học sinh tại Mỹ. Hiện mạng xã hội này có hơn 600.000 người tham gia, tức là gấp đôi số lượng du học sinh người Trung Quốc tại Mỹ.

CollegeDaily có mọi chủ đề, từ những sự kiện xã hội nóng hổi như tỷ phú Donald Trump tranh cử tổng thống Mỹ đến mẹo trên mạng xã hội và những món đồ thiết kế mới nhất, bao gồm cả xe sang. Theo Lin, các sinh viên Mỹ có thể coi xe sang như những món đồ chơi đắt tiền. Trong khi đó, du học sinh Trung Quốc coi xe sang là thương vụ mua bán để đời.

"Khi ra nước ngoài, du học sinh Trung Quốc có thể mua một chiếc Ferrari với giá chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí 1/3 xe ở nhà. Lúc ấy, bạn sẽ làm gì?", anh Lin đặt câu hỏi. "Du học sinh sẽ mua chiếc Ferrari đó vì giá quá hời".

Những điều anh Lin nói không hề sai. Tại Trung Quốc đại lục, những chiếc siêu xe nhập khẩu bị đánh thuế rất cao. Một chiếc Ferrari 458 Italia có thể được bán với giá 290.000 USD, tương đương 6,5 tỷ Đồng, tại Boston. Trong khi đó, cũng chiếc xe như thế lại có giá đến 700.000 USD, tương đương 15,6 tỷ Đồng tại Bắc Kinh.

Quãng thời gian học ở Mỹ là cơ hội để du học sinh Trung Quốc sống xa hoa.

Chính điều này đã khiến một số du học sinh thuộc thế hệ thứ hai của nhà giàu Trung Quốc coi 4 năm học ở Mỹ như quãng thời gian để thử những chiếc xe trong mơ, mua quần áo hàng hiệu và sống xa hoa.

"Du học sinh Trung Quốc đang hành động như người Mỹ cách đây 100 năm", anh Lin, từng tốt nghiệp Đại học Miami ở bang Ohio, Mỹ, vào năm 2012, nói. "Rất nhiều người tại Trung Quốc mới giàu nên muốn mua những thứ cao cấp như quần áo, đồ ăn và xa hơi. Họ muốn thử tất cả những thứ mới".

Muốn mua xe, hãy vào WeChat

Trước khi tốt nghiệp và trở về nhà, không ít sinh viên Trung Quốc sẽ rao bán xe trên WeChat. "Một số người không quan tâm đến giá bán mà chỉ cần tống khứ chiếc xe đi thật nhanh nên tìm đến các đại lý địa phương. Trong khi đó, phần lớn những người khác lại rao bán trên WeChat hoặc tìm đến người như tôi", anh Lam khẳng định.

Bản thân Kwan cũng đồng ý với điều này. Theo Kwan, anh cũng sẽ bán chiếc xe của mình sau khi tốt nghiệp và trở về nhà trong năm nay.

Theo Trí thức trẻ