Chính sách của Mỹ về Ukraine có thể "hủy hoại" NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng yêu cầu Nga trả Crimea cho Ukraine, nhưng rõ ràng là còn lâu mới được đáp ứng.
Các chiến đấu cơ Sukhoi trên bầu trời Sevastopol, Crimea ngày 19/5/2020 (Ảnh: AFP)
Các chiến đấu cơ Sukhoi trên bầu trời Sevastopol, Crimea ngày 19/5/2020 (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa kết thúc chuyến thăm Kiev, Ukraine, nơi mà ông gặp gỡ Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky nói rằng Mỹ là “đối tác hàng đầu của Ukraine trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”.

Ông Austin thì nhấn mạnh về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để ủng hộ những nỗ lực của Ukraine trong việc phát triển khả năng tự vệ”, ông tuyên bố.

Song song với chuyến thăm Kiev, ông Austin cũng tới Tbilisi, nơi mà ông ký kết gia hạn một hiệp ước an ninh thêm 6 năm với Georgia.

Trong lúc nói về Kiev và NATO, ông Austin nói rằng không có nước thứ ba nào (ám chỉ Nga) “có quyền phủ quyết về quyết định trao tư cách thành viên của NATO.”

Trước đó, Nga từng nói việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là một “lằn ranh đỏ” mà một khi bị vượt qua, Moscow sẽ đưa ra biện pháp quân sự để đáp trả. Chuyến thăm của ông Austin cũng là một phần trong chiến dịch thúc đẩy tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, các nước thành viên NATO vẫn chưa có sự đồng thuận về việc cho Ukraine gia nhập. Hungary, từng nêu rõ sự phản đối của họ đối với việc Ukraine gia nhập NATO, và vẫn còn những ý kiến phản đối như vậy trong khối quân sự này.

Thậm chí cả Đức cũng có thể không muốn chọc tức nước Nga, bởi thực tế là họ đang phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi mùa Đông lại sắp đến. Thêm nữa, có nhiều bên không khỏi lo lắng về hành động của Mỹ liên quan tới vấn đề Ukraine, và cả các hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đen.

Nga đã thách thức những động thái trên của Mỹ. Thời điểm mà Mỹ đưa ra những hành động như vậy là khá lạ, khi mà họ mới rút quân khỏi Afghanistan và trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự đầy khiêu khích ở xung quanh Nhật Bản và Đài Loan.

Đối với Đông Âu, rắc rối ở Ukraine – tức bất cứ điều gì có thể làm tăng khả năng Nga can thiệp quân sự để phản ứng trước những động thái của Mỹ - được xem là tiềm ẩn nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến tranh có tầm bao phủ rộng lớn.

Người Nga rất nghiêm túc với những cảnh báo của họ, và nếu Mỹ tiếp tục ép họ, quân đội Nga có thể lựa chọn biện pháp quân sự, tung đòn tấn công ở một vị trí nào đó khác, như Ba Lan hay vùng Baltics.

Ngoài ra còn có rắc rối ở NATO, tại trụ sở của nó ở Brussels. Hồi đầu tháng 10, NATO đã trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở của họ, cáo buộc những người này là đặc vụ tình báo ngầm. NATO sau đó còn giảm số lượng phái đoàn Nga xuống còn 10 người.

Để trả đũa, trong lúc ông Austin đang ở Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Nga sẽ đóng cửa phái bộ ngoại giao tại trụ sở của NATO ở Brussels và sẽ đóng cửa văn phòng thông tin của NATO ở Moscow. Bộ Ngoại giao Nga sau đó nói: “Thái độ của khối đồng minh này đối với đất nước chúng ta ngày càng trở nên hung hăng hơn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) tại Kiev (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) tại Kiev (Ảnh: AP)

Cùng ngày mà ông Lavrov đưa ra tuyên bố, các chiến đấu cơ Su-30 của Nga đã chặn 2 chiếc máy bay ném bom B-1 của Mỹ ở Biển Đen (cùng với 2 máy bay tiếp nhiên liệu) “gần” lãnh thổ Nga và bị xua đuổi; theo phía Nga.

Điều kỳ lạ ở chỗ, việc Mỹ thách thức Nga lại diễn ra ngay sau một cuộc họp được cho là tích cực trong lúc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tới thăm Moscow. Như một phần trong cuộc đối thoại với người đồng cấp Nga, một thỏa thuận hai bên đạt được nhất trí cho rằng vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine nên được đàm phán dựa trên thỏa thuận Minsk.

Phát biểu của ông Austin dường như trực tiếp gây tác động tới kết quả tích cực của chuyến thăm của bà Nuland. Ông Austin thậm chí còn đòi Nga trao trả lại Crimea cho Ukraine, mà chắc chắn sẽ không thể nào được đáp ứng, cả ở hiện tại và tương lai.

Gây căng thẳng với Nga dường như chỉ đem đến sự bất lợi cho chính sách dài hạn của Mỹ - trong đó mong muốn sự ổn định ở khu vực Đông Âu, nhờ vậy giúp Mỹ tập trung nhiều hơn vào vấn đề Trung Quốc.

Tăng căng thẳng với Nga cũng làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến ở châu Âu, liên quan tới vấn đề Ukraine, một nước không phải thành viên NATO mang tầm chiến lược còn chưa rõ ràng đối với tương lai của châu Âu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang đưa ra nhiều ý kiến hoàn toàn mâu thuẫn về cùng một vấn đề (Ukraine), điều này khiến Moscow cảm thấy hết sức khó hiểu.

Trong khi đó, châu Âu đang tìm cách phát triển một chính sách phòng thủ độc lập thay vì cứ phải dựa dẫm vào NATO. Mặc dù ít bên dám công khai thể hiện sự hứng thú với hướng đi này, nhưng hành vi của Mỹ trong thời gian qua - bắt đầu từ vấn đề Afghanistan và giờ là đến Ukraine – có lẽ đã khiến cho hướng đi mới của châu Âu thêm phần đáng tin hơn, ít nhất là đối với một số nước như Pháp, Đức, Bỉ và Italy.

Hiện chưa rõ tại sao Washington lại theo đuổi hướng tiếp cận hung hăng như vậy đối với vấn đề Ukraine. Liệu có phải họ đang muốn làm chệch sự chú ý khỏi Trung Quốc? Hay Mỹ đang cố gắng phục hồi từ sau thất bại ở Afghanistan bằng cách thể hiện mình rắn rỏi trước Moscow?

Dù trong trường hợp nào, chính sách của Mỹ về Ukraine, như đã thấy, có thể gây chia rẽ, thậm chí làm hỏng khối đồng minh NATO nếu như Mỹ còn tiếp tục thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO. Đây có lẽ là điều mà Mỹ cần tránh.