Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, diễn ra vào chiều 29/02, trước băn khoăn của phóng viên về việc có ý kiến cho rằng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; Đặc biệt, người Nhật sang nước ta đầu tư rất bức xúc và sợ nhất “chi phí gầm bàn”, đại diện Chính phủ cho biết:
Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Chính phủ về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng năm năm qua cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đã từng bước được kiềm chế.
“Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tiêu cực cao, dễ xảy ra tham nhũng như tín dụng, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; giao thông vận tải”, đại diện Chính phủ đánh giá.
Theo đó, thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện các biện pháp PCTN; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên.
Bên cạnh đọ, Chính phủ cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân; thực hiện kê khai và kiểm soát kê khai thu nhập theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Trước đó, tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện ngày 23-2, ông Yasuzumi Hirotaka, trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, khẳng định môi trường đầu tư của VN đang xấu đi bất chấp những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua.
Ông Hirotaka không ngần ngại chỉ ra một thực tế đáng buồn hiện nay, liên quan đến tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho cho các nhà đầu tư Nhạt Bản của bộ máy hành chính Việt Nam.
“Các doanh nghiệp phản ảnh với chúng tôi rằng khi họ bị sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan, thuế hay muốn thúc đẩy tiến độ, thay vì được hướng dẫn để thực hiện lại thì doanh nghiệp được “gợi ý” chi thêm tiền để giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi cũng rất đau đầu với tình trạng này nhưng các doanh nghiệp không dám trao đổi cụ thể vì sợ bị đì” - ông Yasuzumi Hirotaka chia sẻ.
Câu chuyện này thậm chí cũng đã được đưa vào nghị trường Quốc hội.
Theo đó, ngày 24/2, phát biểu trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đã đọc trên báo thấy người Nhật sang Việt Nam đầu tư bức xúc và sợ nhất là “chi phí gầm bàn”.
“Chúng ta đang phấn đấu “Asean 4”, luật pháp minh bạch nhưng vẫn mất đầu tư không chính thức như vậy làm mất hình ảnh rất lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảm thán.
Ông Giàu kiến nghị, trong nhiệm kỳ tới đây, Chính phủ phải coi chống tham nhũng và cải thiện bộ máy công quyền là nhiệm vụ đột phá.
Hữu Vinh