Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 20/6/2020.
Cho dù Chính phủ và Bộ TT&TT rất nỗ lực để triển khai đấu giá băng tần 4G, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng về vấn đề pháp lý. Trước đó, Bộ TT&TT cho biết, trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới này. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Để giải quyết vấn đề khó khăn này, Bộ TT&TT đã phối hợp, lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Trên cơ sở ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT đang dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai cấp băng tần 2,6GHz. Đối với nội dung về xác định giá khởi điểm, Bộ TT&TT đã thuê Tổ chức thẩm định giá xác định giá trị băng tần 2,6GHz theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Tổ chức thẩm định giá, Bộ TT&TT báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 26/7/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn trong cấp thêm băng tần để nâng chất lượng, dịch vụ mạng 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Song giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.
Tuần trước, Viettel đã được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm tần số mới 2.6 GHz tại 12 tỉnh, thành tại Việt Nam. Điều này giúp Viettel tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch năm nay.
Viettel cho biết, trước đây, để phục vụ nhu cầu 4G với hơn 38.000 trạm trong bối cảnh thiếu tài nguyên tần số, Viettel đã phải tối ưu toàn bộ băng tần 1.800Mhz của mạng 2G và một phần băng tần 2.100 MHz của mạng 3G. Trong bối cảnh ấy, tần số 2.6 GHz trở thành tài nguyên quan trọng nhất hiện nay để Viettel đảm bảo chất lượng mạng 4G thực sự vượt trội so với 3G, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ tập trung thuê bao 4G lớn. Tại các khu vực có tần số mới, tốc độ mạng 4G của Viettel sẽ cao gấp 2 lần so với hiện tại.
Theo phân tích và dự báo của Viettel, Tết Dương lịch và Âm lịch 2020, xu hướng sử dụng dịch vụ dữ liệu (data) của khách hàng trên cả nước sẽ tiếp tục tăng. So với dịp Tết năm 2019, nhu cầu dùng data 4G cao hơn 2 lần, data 3G tăng nhẹ khoảng 10%. Trong khi đó, dịch vụ thoại, tin nhắn sẽ giảm từ 10-15%.
Song song với các trạm 4G phát sóng trên tần số mới, Viettel triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khác như bổ sung thiết bị, phát sóng trạm mới, xe thu phát sóng cơ động, nâng cấp hệ thống, wifi… tại các khu vực lễ hội, sự kiện tập trung đông người.
Tết cũng là thời điểm khách hàng có nhu cầu di chuyển nhiều, đặc biệt từ sau ngày 23 tháng Chạp. Do đó, Viettel đang rà soát, tối ưu lại các tuyến đường quốc lộ, cửa ngõ thành phố, thủ phủ tỉnh/huyện, khu du lịch, nghĩ dưỡng, sân bay, nhà ga, bến xe,… Không chỉ dịch vụ di động, các giải pháp của Viettel được thực hiện đồng loạt ở tất cả các hệ thống dịch vụ điện thoại cố định, Internet, truyền hình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp Tết.