Những diễn biến mới nhất xung quanh việc TQ ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo, cải tạo, mở rộng đảo, xây dựng các công trình phi pháp ở quần đảo thuộc chủ quyền của VN được chờ đợi là nội dung nằm trong báo cáo giải trình của Chính phủ trước QH hôm nay.
Còn nhớ kỳ họp QH mùa hè năm trước, sự kiện TQ kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN đã khiến cử tri không khỏi lo lắng.
Một bản thông cáo của QH sau phiên thảo luận sau đó đã lên án hành động của TQ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước VN-TQ.
1 năm sau, giàn khoan dù rời vùng biển chủ quyền của VN nhưng Biển Đông giờ đây không yên ả. Liệu QH đánh giá sự việc nào nghiêm trọng hơn, giàn khoan cắm thẳng vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của ta hay hành động ngang nhiên xây đảo trái phép ở quần đảo thuộc chủ quyền của VN mà TQ đang rốt ráo làm?
"Tôi chờ đợi một động thái cứng rắn từ Quốc hội về Biển Đông"
ĐB Dương Trung Quốc, người luôn trách nhiệm với vai trò của một nhà sử học ngay ở nghị trường, đã không khỏi đau đáu lo lắng về những diễn biến đang diễn ra, đặc biệt về những hành động ngang nhiên của TQ ở Biển Đông. Ông nói với báo chí hôm qua rằng, cá nhân ông đã viết một lá thư gửi riêng cho Chủ tịch QH.
"Tôi nói cách đây một năm khi TQ hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, QH đã có tuyên bố, mặc dù kỳ vọng của người dân là nhiều hơn. Lần này TQ xây đảo, Chủ tịch QH xem việc này có nghiêm trọng hơn việc kia? QH phải có phản ứng tương xứng, bày tỏ thái độ rõ ràng", ông Quốc chia sẻ với báo giới.
Tâm tư của ĐB Quốc hay những đại biểu kỳ vọng đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình họp của QH là điều chính đáng. Phản ánh tâm tư lo lắng của cử tri cũng như được biết những việc Chính phủ đang làm để bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc là cách để cử tri yên tâm nhất.
Bản thông cáo về Biển Đông năm ngoái của QH nhận định những diễn biến tình hình trên Biển Đông còn phức tạp và khó lường. Đó là nhận định sáng suốt, tỉnh táo. Có lẽ như lời Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói tại kỳ họp năm ngoái rằng việc đấu tranh giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển với TQ phải khôn khéo, vừa cứng vừa mềm để vừa bảo vệ được chủ quyền song vẫn gìn giữ hòa bình theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế và truyền thống của nước ta, đó là anh dũng, kiên cường và hòa hiếu.
Biển Đông sẽ còn là câu chuyện dài kỳ. Một thông điệp thể hiện ý chí từ QH - cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân trong những tình huống chủ quyền bị đe dọa cũng là cách thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Trước đó, sáng 4/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội cho biết, ông không biết việc này do “đây là thư riêng của ông Quốc gửi tới cá nhân Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, chứ không qua con đường công văn, nên tôi không phải người nhận, vì thế không biết và cũng không có ý kiến gì”.
Còn việc Quốc hội cần có một thông điệp đối với vấn đề Biển Đông hay không, ông Phúc giãi bày, hiện ông cũng đang lắng nghe và chờ xem có ĐB nào có ý kiến về việc yêu cầu Quốc hội cần có thông điệp hay thái độ dứt khoát về Biển Đông hay không.
“Có thể ĐB nào đó trao đổi với bạn nhưng chưa trao đổi với tôi, nên phải chờ xem ngày mai (5/6) phiên họp kín các ĐB có phát biểu gì không …” – ông Phúc nói.
Liên quan tới nhiều mong mỏi của ĐBQH, rằng ngoài lắng nghe báo cáo của Chính phủ về Biển Đông, Quốc hội sẽ dành thêm thời lượng để các ĐBQH có thể thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ, thảo luận thì phải trên cơ sở nghe báo cáo. Nếu thấy báo cáo đầy đủ mà ĐB không có ý kiến gì thì thôi.
Nhìn nhận sự việc Biển Đông hiện nay dưới góc độ lịch sử, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, những gì Trung Quốc đang làm tại Biển Đông “là rất nghiêm trọng”. “Giàn khoan vào có thể ra, nhưng đây là chuyện “đóng đinh” trên đất của mình. Logic thông thường, lần trước chúng ta đã có tuyên bố, thì lần này cũng cần một sự lên tiếng thỏa đáng trước một vụ việc nghiêm trọng. Người dân đang chờ đợi rất nhiều thái độ dứt khoát của Quốc hội về Biển Đông”.
Về phiên họp kín của Quốc hội vào chiều 5/6, ông Dương Trung Quốc cho hay ông cũng không “kỳ vọng quá nhiều, vì thời lượng chỉ có 1 giờ”. Tuy nhiên, điều ông mong mỏi là ngoài có thêm nhiều thông tin mới, giải trình cụ thể của Chính phủ thì “quan trọng là sau đó Quốc hội có biểu hiện thái độ gì không hay im lặng”.
“Trong biên niên sử trước kia Quốc hội luôn là người lên tiếng sớm nhất, vừa là đại diện tiếng nói của dân, vừa là kênh đối ngoại ngoại giao nhân dân. Chính phủ có thể cân nhắc vì những sách lược trong ngoại giao rất tế nhị, dĩ bất biến ứng vạn biến, nhưng Quốc hội phải thể hiện lòng dân, nên có thái độ rõ ràng. Muốn dân tin thì anh phải trao cho dân cái họ cần biết chứ không phải là im lặng” – ông Quốc cắt nghĩa.
“Tôi sẽ lắng nghe và chờ đợi một động thái cứng rắn từ Quốc hội”- ông Quốc hy vọng.
Theo VNN, Infonet