Đó là thông tin được Bộ Nội vụ Singapore công bố mới đây. Tất cả 3 người phụ nữ trên – đều là công dân Indonesia – đã bị bắt giữ hồi tháng 9 vừa qua theo Đạo luật An ninh nội địa Singapore, vì bị nghi tham gia các hoạt động cung cấp tài chính cho tổ chức khủng bố và đối mặt với bản án lên tới 10 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 500.000 đôla Singapore (362.000 USD).
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Indonesia ở Singapore đã xác nhận vụ bắt giữ và nói rằng họ đã hỗ trợ 3 cá nhân trên – hiện vẫn chưa có đại diện pháp lý bởi vẫn đang bị điều tra.
Giới chuyên gia chống khủng bố nói rằng, 3 người phụ nữ trên đương nhiên không phải những người lao động giúp việc duy nhất bị cực đoan hóa trên mạng trong lúc đang làm việc tại các thành phố lớn của châu Á như Singapore và Hong Kong.
Trong bối cảnh IS thất bại ở Trung Đông và nhòm ngó khu vực châu Á, những lao động giúp việc trong gia đình như 3 người phụ nữ trên bỗng dung trở thành mục tiêu của chúng – giới chuyên gia cảnh báo.
“Họ bị các tổ chức phiến quân lựa chọn làm con mồi và lợi dụng, bị coi là công cụ kiếm tiền” – Nava Nuraniyah, chuyên gia nghiên cứu của Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) trụ sở tại Indonesia, nhận định – “Họ có thu nhập ổn định, biết tiếng Anh và thường có một mạng lưới quốc tế rộng lớn, điều khiến họ trở thành mục tiêu lý tưởng”.
Đường dây cực đoan
3 nữ giúp việc gia đình bị bắt chỉ đại diện cho một nhóm rất nhỏ trong số khoảng 250.000 lao động nhập cư đang sống ở Singapore và khoảng 385.000 lao động sống ở Hong Kong.
“Đại đa số các lao động nước ngoài đều tuân thủ pháp luật và đóng góp tích cực cho xã hội của chúng tôi” – phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Singapore nói – “Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân sẽ tiếp tục bị cực đoan hóa bởi tư tưởng hệ bạo lực của IS”.
Theo giới chuyên gia, phần lớn các trường hợp trên tính đến nay đều là công dân Indonesia.
Trong khoảng năm 2015-2017, IPAC đã thực hiện một cuộc điều tra riêng về tình trạng cực đoan hóa ở nhóm người lao động giúp việc và nhận ra sự tồn tại của “một đường dây cực đoan” gồm ít nhất 50 phụ nữ Indonesia làm các công việc như bảo mẫu, giúp việc hay chăm sóc người già ở nước ngoài. Trong số này, 43 người làm việc ở Hong Kong, 4 ở Singapore và 3 ở Đài Loan.
Theo một nguồn tin ở Indonesia hiểu về các phiến quân trở về nước, có ít nhất 20 lao động Indonesia bị cực đoan hóa và bị trục xuất về nước và 3 người hiện đang trải quan chương trình tái hòa nhập.
Đối với nhiều trường hợp nữ lao động bị cực đoan hóa, quá trình này thường diễn ra khi họ gặp một biến cố trong cuộc sống – theo ông Nuraniyah, nhà nghiên cứu tại IPAC, nói. Và quá trình cực đoan hóa này có thể diễn ra cực nhanh. Báo cáo của IPAC từng chỉ ra trường hợp một lao động Indonesia làm việc tại Hong Kong, từ chỗ một người yêu thích thời trang bị biến thành một kẻ sẵn sàng quyên thân vì IS chỉ trong vòng chưa đến 1 năm.
“Có thể họ đã trải qua một cuộc ly hôn, lao vào nợ nần hay bị sốc văn hóa khi tới làm việc ở một nơi quá khác với quê hương mình…đó đều là những vấn đề chung của các lao động nhập cư” – ông Nuraniyah nói.
Phải sống xa nhà trong một môi trường lạ lẫm, đôi lúc bị người chủ đối xử tệ, họ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự truyền bá tư tưởng độc hại trên mạng.
“Họ cô đơn, nên cảm thấy cần phải gắn kết với cộng đồng người Indonesia, dù là trên mạng hay trong đời sống thực” – Diovio Alfath, quan chức thuộc Liên minh Xã hội dân sự chống Chủ nghĩa Bạo lực cực đoan (C-Save), tổ chức chuyên giúp những nạn nhân của cực đoan hóa tái hòa nhập, nói – “Nhưng do thiếu những mạng lưới tư vấn sẵn sàng hỗ trợ, họ không hề được chuẩn bị sẵn tinh thần khi đối mặt với những thông điệp cực đoan”.
“Bạn trai” trên mạng xã hội
Cảnh sát Indonesia di chuyển thi thể của một công dân Canada thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 14/1/2016 ở Jakarta (Ảnh: CNN)
|
Những lao động giúp việc này thường sẵn có một mối liên hệ thân IS thông qua những người bạn của họ trên Facebook và từ đó mà tìm vào các trang của những kẻ phiến quân – ông Nuraniyah nói. Một số thì được chiêu mộ thông qua một lao động khác vì cùng trong nhóm cầu nguyện hoặc trong lúc nhóm họp vào ngày nghỉ.
“Tôi bắt đầu nghe các đoạn phát thanh về chủ nghĩa Salafi (mang tư tưởng cực đoan thánh chiến) trong lúc đang lau dọn nhà cửa” – một người giúp việc Indonesia làm việc tại Semarang, Singapore, kể lại với IPAC – “Trên Facebook, tôi theo dõi những người có ảnh đại diện trông có vẻ là người Hồi giáo bởi tôi cần có bạn bè hướng dẫn mình”.
Người này còn nói cô đặc biệt cảm thấy xúc động khi xem được một tài khoản Instagram có đăng tải nhiều hình ảnh về những nạn nhân người Hồi giáo ở Syrria.
Sau đó, cô gặp gỡ trên mạng một gã đồ tể người Indonesia 29 tuổi đang sống ở Batam. Gã khuyến khích cô tới Syria để gia nhập hàng ngũ IS. Nhưng rồi chính phủ Singapore phát hiện ra kế hoạch của cô và trục xuất cô về Indonesia vào năm 2017.
Theo lời kể của cô, quá trình cực đoan hóa diễn ra ngay khi những lao động giúp việc như cô thiết lập quan hệ trực tuyến với những kẻ phiến quân, thường là trở thành “bạn gái” của chúng. Họ được mời tham gia các phòng chat trực tuyến và nói chuyện bằng các ứng dụng tin nhắn được mã hóa.
“Và đó là nơi mà cách chế tạo bom hay phối hợp hành động được chia sẻ” – Zachary Abuza, chuyên gia về hoạt động của IS ở Đông Nam Á, thuộc Học viện Chiến tranh ở Washington, nói.
Ví dụ, theo vị chuyên gia, có hàng trăm nhóm chat trên Telegram – một ứng dụng mã hóa thường được IS sử dụng – dành cho những người hưởng ứng phong trào Hồi giáo, rất nhiều trong số này có nội dụng đặc biệt hướng tới phụ nữ như lời khuyên về các vấn đề của phụ nữ hay chia sẻ cách nuôi dạy con…
Một khí quá trình cực đoan hóa hoàn tất, một số nữ lao động giúp việc sẽ cưới những “bạn trai” là chiến binh thánh chiến. Ví như trường hợp một phụ nũ Indonesia làm việc ở Hong Kong bỗng dung bỏ về nước, tới vùng Banten, Tây Java vào năm 2015 để trở thành vợ hai của Adi Jihadi – kẻ phiến quân bị bắt giữ năm 2017 vì mua vũ khí và huấn luyện chiến binh ở đảo Mindanao (Philippines). Kẻ này hợp tác với Isnilon Hapilon, kẻ phiến quân khét tiếng từng tuyên bố lập một “tỉnh” của IS ở Đông Nam Á.
Jihadi sau đó thú nhận đã rót tiền mua vũ khí sử dụng trong vụ tấn công ở Jakarta khiến 8 người thiệt mạng vào năm 2016.
Nhiều nữ lao động giúp việc còn đóng vai trò tích cực hơn trong tổ chức, như trở thành người tài trợ, người tuyển mộ hay người điều phối.
“Một số lao động giúp việc đang trải qua chương trình tái hòa nhập của chúng tôi từng kể rằng họ có liên quan tới hoạt động tài chính hay hỗ trợ hậu cần cho tổ chức – như cung cấp chỗ ở cho những kẻ phiến quân trên đường chúng tới Syria” – ông Alfath nói.
Một số lao động giúp việc thậm chí còn di chuyển tới các vùng chiến sự. Trong số 50 lao động giúp việc bị nhiễm tư tưởng cực đoan mà IPAC xác định, có ít nhất 12 người đã cố gắng từ Hong Kong di chuyển tới Syria trong tháng 6/2017. Có 4 người thành công trong khi phần còn lại bị chặn và trục xuất về Indonesia.
“Điểm nóng” mới ở Đông Nam Á
Thị trấn Marawi vẫn tan hoang sau 2 năm kể từ sau cuộc chiến chống phiến quân (Ảnh: AP)
|
Trong thông cáo mà Bộ Nội vụ phát đi mới đây còn nói rằng 2 người phụ nữ bị nhiễm tư tưởng cực đoan mà họ bắt giữ trong tháng 9 vừa qua cũng được những đường dây liên lạc trực tuyến khuyến khích di chuyển tới miền Nam Philippines.
Giới chuyên gia nói rằng IS đã tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, và những kẻ ủng hộ IS – bao gồm cả những lao động giúp việc – mới đây bắt đầu xem Philippines như một điểm đến mới.
“Sau năm 2017, khi mà IS bắt đầu mất nhiều lãnh thổ ở Trung Đông, thông điệp của chúng đã thay đổi” – ông Abuza nói – “Tổ chức này bắt đầu khuyến khích phiến quân tới Mindanao, Philippines và thiết lập nhà nước Caliphate tại đó”.
Một số tổ chức Hồi giáo ở Philippines và Indonesia – gồm Abu Sayyaf, Maute và Jamaah Ansharut Daulah (JAD) – đã thề trung thành với IS.
Philippines hiện mở ra cơ hội tốt nhất để IS giành lãnh thổ, ông Abuza nói, bởi nhiều phần của hòn đảo phía Nam Mindanao được xem như “lỗ hổng của lực lượng hành pháp”.
Năm 2017, các chiến binh của IS đã đánh chiếm thị trấn Marawi trên đảo Mindanao, khơi dậy cuộc chiến kéo dài suốt 5 tháng tại đây, và chỉ kết thúc vào tháng 10 cùng năm sau cái chết của các thủ lĩnh phiến quân gồm Omar Maute và Isnilon Hapilon – kẻ được coi là “tiểu vương” của IS ở châu Á.
Thất bại của IS ở Syria và Iraq cũng khiến cho tổ chức này tăng cường hoạt động chiêu mộ trực tuyến nhằm vào người Hồi giáo ở Malaysia và Singapore; theo ông Abuza.
“Kể từ sau sự sụp đổ của nhà nước Caliphate, hoạt động chiêu mộ vẫn tiếp tục” – ông Alfath xác nhận – “Nhưng chúng kém hơn về mặt tổ chức. Thay vì đưa ra chỉ thị từ trên xuống, chúng giờ nhận chỉ thị từ các tổ chức nhánh ở Indonesia hay thậm chí từ cá nhân những kẻ phiến quân”.
Thei IPAC, hoạt động chiêu mộ thậm chí còn bao gồm cả việc huấn luyện các lao động giúp việc trong gia đình trở thành kẻ đánh bom tự sát.
Từng có một nữ lao động giúp việc làm việc ở Đài Loan và Singapore có tên Dian Yuli Novi, 27 tuổi, đã lên kế hoạch đánh bom tự sát bên ngoài phủ Tổng thống ở Jakarta. Tháng 8/2017, nữ nghi phạm bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam – theo Reuters.
Theo CNN