Chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam đã vượt ngưỡng trung bình

VietTimes -- Theo đánh giá của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Việt Nam (VNISA) – Bộ TT&TT, chỉ số an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam năm 2016 đã đạt 59,9% tuy nhiên, tốc độ phát triển ATTT chưa nhanh, khi mới chỉ đạt mức trung bình sau 4 năm.

Chỉ số ATTT của Việt Nam tăng dần theo từng năm, Chỉ số này của năm 2016là 59,9%, con số này của năm 2015 là 47,4%; của năm 2014 là 39% và 37,3% trong năm 2013.
Chỉ số ATTT của Việt Nam tăng dần theo từng năm, Chỉ số này của năm 2016là 59,9%, con số này của năm 2015 là 47,4%; của năm 2014 là 39% và 37,3% trong năm 2013.

Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2016 với chủ đề Kỷ nguyên mới của an ninh mạng vừa diễn ra sáng nay (2/12).

Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Việt Nam (VNISA) cho biết đây là lần thứ 4 đơn vị này triển khai thực hiện đánh giá chỉ số ATTT với nội dung thuộc 5 lĩnh vực phát triển bảo đảm ATTT cho tổ chức và doanh nghiệp tại 3 vùng trọng tâm là Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM. Khảo sát gồm 36 câu hỏi phức hợp, được thực hiện trên 692 tổ chức và doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2016, lần đầu tiên chỉ số ATTT này vượt mức trung bình, đạt 59,9%. Trong khi, con số này của năm 2015 là 47,4%; của năm 2014 là 39% và 37,3% trong năm 2013.

Khảo sát cũng cho thấy, đối tượng đe doạ đến ATTT đáng lo ngại nhất không phải là cán bộ đã nghỉ việc tại công ty, mà chính là tội phạm máy tính bất hợp pháp (như hacker), chiếm tới 55,3% về mức độ đáng lo ngại.

Cùng với đó, biện pháp kỹ thuật bảo đảm ATTT cho hệ thống máy chủ, ứng dụng chính là các phương án các tổ chức, doanh nghiệp có thể chủ động, là phần mềm chống virus mã độc (Anti-virus), sau đó là tường lửa (Firewall) và hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS/IPS) trên máy chủ.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: "Tình hình ATTT mạng Việt Nam cũng ngày càng có những diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về quy mô, số lượng, mức độ tinh vi và tính chuyên nghiệp".

Đánh giá về thực trạng ATTT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định: “Thời gian gần đây, tình hình ATTT trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều với nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô lớn. Vấn đề ATTT mạng đã dần mang thêm màu sắc chính trị. Đã xuất hiện nhiều cáo buộc giữa các quốc gia về tình hình mất ATTT. Đến thời điểm hiện tại vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ. Chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an toàn, an ninh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ quy tắc tuy có thể tạm xem là chuẩn mực nhưng còn mang tính chắp vá nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng”.

 “Tình hình ATTT mạng Việt Nam cũng ngày càng có những diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về quy mô, số lượng, mức độ tinh vi và tính chuyên nghiệp trong các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế”, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.

Đây là năm thứ 9 được tổ chức, sự kiện “Ngày ATTT Việt Nam” 2016 diễn ra trong bối cảnh gia tăng các nguy cơ trên không gian mạng. Năm 2016 là năm Chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố chiến tranh mạng chống lại nhà nước tự xưng IS - một điều chưa từng xảy tra trước đây; hay việc hàng loạt hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia bị tấn công, tiêu biểu như hệ thống cung cấp điện của Ukraine (tháng 1/2016) bị tấn công, hệ thống mạng của hãng hàng không Delta Airline bị đánh sập (tháng 8/2016), hệ thống thông tin của cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị gián đoạn (tháng 7/2016).

“Những vụ việc này đã khẳng định nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra, đó là chúng ta đang bắt đầu bước vào một kỷ nguyên mới trên không gian mạng, thay cho thập kỷ phá hoại trên mạng trong những năm 90 hay thập kỷ tội phạm mạng trong những năm 2000”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Ngày ATTT Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và là một trong những hoạt động CNTT quan trọng trong năm được đông đảo cộng đồng ứng dụng và phát triển CNTT, giới truyền thông và toàn xã hội quan tâm, mong đợi. Năm nay, sự kiện được Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Cục CNTT thuộc Bộ Quốc phòng, Cục ATTT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT đồng tổ chức.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện Ngày ATTT 2016 còn diễn ra nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và khuyến khích quảng bá việc ứng dụng,  phát triển CNTT một cách bảo mật và an toàn: cuộc thi “Sinh viên với ATTT”; khoá đào tạo ngắn hạn về ATTT với chủ đề “Lập trình an toàn trên điện thoại di động” cho cán bộ quản trị hệ thống thông tin; Điều tra thực trạng về ATTT trên phạm vi toàn quốc, với đối tượng điều tra là các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Trung tâm thông tin của các Bộ, ngành và hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT; Bình chọn danh hiệu “Sản phẩm ATTT có chất lượng cao và dịch vụ ATTT tiêu biểu của năm 2016”.