“Cấp dưới thừa nhận sai phạm, cấp trên thì không”
Theo đại diện VKS, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí (PVC) – và bị cáo Vũ Đức Thuận - cựu Tổng Giám đốc (PVC) đều được ông Đinh La Thăng – cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - cất nhắc về PVC. VKS nhận định, việc cất nhắc này là xuất phát từ mối quan hệ cá nhân.
Đồng thời, ông Đinh La Thăng cũng đã bỏ qua các quy định pháp luật để chỉ định thầu cho PVC, sau đó chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33, tạm ứng tới hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp này và qua đó tạo điều kiện cho sai phạm, làm nhà nước thiệt hại 119 tỷ đồng.
"Điều đó đã thể hiện rõ mối quan hệ lợi ích nhóm" – đại diện VKS kết luận.
Theo đại diện VKS, ngay từ đầu ông Đinh La Thăng đã nhắm tới PVC là tổng thầu của dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thăng đã dùng quyền lực tại tập đoàn gây sức ép để ký hợp đồng 33 giúp PVC nhanh chóng trở thành tổng thầu và được tạm ứng tiền, dù không có căn cứ để giao việc này cho PVC.
Dẫn lời khai của bị can Vũ Đức Thuận và nhiều người khác khi điều tra và tại tòa về việc PVC không đủ kinh nghiệm điều hành, hay PVC chưa đủ năng lực thực hiện dự án..., đại diện VKS coi đây là bằng chứng buộc tội ông Đinh La Thăng đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước để chỉ định thầu cho PVC.
"Buồn nhất ở vụ án này là cấp dưới thừa nhận sai phạm, cấp trên thì không" – đại diện VKS nhận xét về lời khai của ông Đinh La Thăng tại phiên tòa.
“Chính phủ không có văn bản đồng ý cho PVC làm tổng thầu”
Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng việc chỉ định thầu cho PVC xuất phát từ kết luận 41 của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng tập đoàn PVN, từ việc thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam...
Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định, kết luận 41 của Bộ Chính trị không đề cập cụ thể cho PVN chỉ định PVC làm tổng thầu, và không đề cập việc chỉ định thầu.
Đồng thời, trong công văn trả lời PVN về việc đề xuất cho PVC làm tổng thầu (công văn này do ông Đinh La Thăng ký - PV), Thủ tướng cũng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực.
“Như vậy, có cơ sở khẳng định Chính phủ không có văn bản nào đồng ý cho PVN chọn PVC làm tổng thầu. Qua đó, có thể đặt ra câu hỏi rằng, vậy PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng hay không ?” – đại diện VKS nêu.
Mặt khác, đánh giá về năng lực thực hiện dự án của PVC, đại diện VKS nhấn mạnh phải đánh giá tổng thể chung chứ không chỉ thể hiện ở chỉ tiêu và lợi nhuận để nói PVC có đủ năng lực. Từ đây, đại diện VKS dẫn báo cáo tài chính và công nợ của PVC, lời khai của các bị cáo…, để khẳng định thời điểm đó PVC đang rất khó khăn, không đủ năng lực để thực hiện dự án.
Cụ thể, PVC chỉ mới tham gia một số dự án nhưng chỉ ở một số khâu, và giá trị các hợp đồng trong hồ sơ đề xuất thấp hơn nhiều theo quy định. Đồng thời, khai tại tòa, chính các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cũng cho rằng thời điểm đó PVC không đủ năng lực, mà chỉ có Lilama đủ năng lực mà thôi.
Theo VKS, việc PVC không có năng lực làm tổng thầu mà vẫn được giao hợp đồng tổng thầu là nguyên nhân dẫn đến việc dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bị kéo dài gấp đôi về mặt thời gian, PVC chịu chi phí phát sinh hơn 155 tỷ đồng/năm.
“Căn cứ trên có cho thấy chủ trương chỉ định thầu với PVC có là ưu tiên dùng hàng Việt? Rõ ràng là không” – VKS khẳng định.