Đây là một trong những vấn đề được bàn thảo tại hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 14/11, tại TPHCM.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho biết, cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KHCN
Thông qua các sàn giao dịch công nghệ, trong giai đoạn 2011-2015, có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị 600 tỷ đồng. Thông qua chợ thiết bị và công nghệ, trình diễn kết nối cung cầu công nghệ đã có hơn 2.000 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị, kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp công nghệ cũng tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường KHCN trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển thị trường KHCN hiện còn gặp nhiều khó khăn. Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ, còn mờ nhạt.
Nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ nét. Hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định…) còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối. Các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị chưa thể hiện vai trò đầu tàu trong hệ thống các tổ chức trung gian.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, phát triển thành công từ ý tưởng sáng tạo, sản phẩm ban đầu rất cần có các định chế trung gian hỗ trợ DN nhằm chia sẻ bí quyết kinh doanh công nghệ, tư vấn phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ,...
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều mô hình nhằm kết nối cung cầu, tư vấn trực tiếp về công nghệ, kỹ thuật cho DN.
Điển hình như hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ (TechDemo) thường niên (bắt đầu từ năm 2011) nhằm kết nối, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các DN tổ chức tại các địa phương đã lựa chọn được hơn 570 công nghệ, thiết bị, kết quả và sản phẩm KHCN mới của hơn 300 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa vào trưng bày, giới thiệu, công bố, trình diễn tại các kỳ tổ chức sự kiện. TechDemo đã tổ chức 28 hội thảo, tọa đàm chuyên đề chuyên sâu trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu các công nghệ mới, xúc tiến kết nối chuyển giao công nghệ cho gần 2.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
TS Phạm Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) cho biết qua 4 năm tham gia TechDemo số hợp đồng chuyển giao công nghệ của Viện tăng 20%/năm. Hiệu quả rõ rệt được thể hiện ở việc Viện ngày càng chủ động trong việc kết nối, trao đổi với các DN các vấn đề về công nghệ được cụ thể hơn.
Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho các DN tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, điển hình như Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã chế tạo thành công hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng trong nhân giống cây thanh long, hoa cúc thương phẩm, đưa vào kiểm nghiệm thực tế trong điều khiển ra hoa và ra hoa trái vụ cho các loại cây trồng trên tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Tây Ninh, Tiền Giang, Bắc Ninh… tiết kiệm 50-75% điện năng tiêu thụ so với phương pháp chiếu sáng thông thường, góp phần nâng cao năng suất, chủ động về mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các DN có nhu cầu cải tiến công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi sản phẩm hoặc đổi mới một phần các công nghệ sẵn có... đã được tư vấn kỹ thuật của trên 130 chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước.
Đây là cơ sở để thời gian tới Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ. Đặc biệt là các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ,… Tích cực tuyên truyền, gia tăng hoạt động giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ, sản phẩm công nghệ vào thực tiễn.
Đồng thời, xây dựng các chính sách, chương trình KHCN quy mô quốc gia, tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ trưởng Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, việc thiết lập các hình thức liên kết với thị trường quốc tế, nhằm gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp,… cũng là những giải pháp ngành KHCN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Tính tổng số công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 trong giai đoạn 2001-2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43).
Về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ, giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ cũng tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2015 là 22.674 (giai đoạn 2006-2010 là 15.989); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.