Có thể nói hiếm có từ nào mà nghĩa của nó thể hiện sự tiêu cực, tha hóa như từ chạy. Ở nhiều nước “chạy” chính là “vận động hành lang” (lobby), được luật hóa; vì vậy “chạy” được giám sát, điều chỉnh của hệ thông pháp luật.
“Chạy” (với nghĩa xấu là tiêu cực, tham nhũng) ở nước ta, tuy không được luật hóa, nhưng lại khá phổ biến và có ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Ngay từ Hội nghị Trung ương VI (lần 2) Khóa VIII (tháng 2 năm 1999), trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình BCH TƯ, ông Phạm Thế Duyệt khi ấy là Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị đã phân tích có 5 loại “chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử, chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp cô ta; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Không chỉ chạy cho bản thân mình mà con chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cánh hẩu của mình nữa.
Từ đó đến nay Đảng ta cũng đã có nhiều nghị quyết, nhà nước cũng đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng; kết quả bước đầu là rất đáng khích lệ, đem lại lòng tin cho người dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên người dân mong đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các tổ chức đảng, của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi tham nhũng vẫn còn đó. Các loại “chạy” mà ngay từ năm 1999 Bộ Chính trị đã chỉ ra, nhưng vẫn chưa bị loại trừ và có nguy cơ ngày càng lan rộng hơn ở khắp mọi lĩnh vực: chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển cán bộ, chạy án, chạy chính sách, chạy công trình dự án ...
Lộ phí cho các con đường để “chạy” là tiền bạc, vật chất, là trao đổi đặc quyền đặc lợi kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”... thậm chí người ta dùng cả tình dục để “chạy” cho bằng được đặc quyền đặc lợi. Gần đây xuất hiện cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” cũng chính là biểu hiện rõ ràng của việc chạy chức, chạy quyền.
Khi lợi ích làm người ta mù quáng người ta còn chạy để được công nhân hộ nghèo, chạy cả việc được là thương binh, bệnh binh ... Suy cho cùng mọi con đường để “chạy” đều tìm đến tổ chức và cá nhân có quyền lực. Kết quả của việc “chạy” có thể tạo ra của cải vật chất, đặc quyền đặc lợi cho một số người và nhóm người nhưng hệ lụy của nó thật khủng khiếp đối với toàn thể xã hội.
Qua 2 vụ đại án cuối tháng 7 vừa qua đã minh chứng rất rõ: Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) với thân thế tự nhận là “người ít được học hành” đã mua bằng đại học và ngay cả khi bị phát hiện vẫn được đeo quân hàm Thượng Tá, cán bộ được xếp vào hạng trung cao cấp của quân đội. Út “trọc” là ai, tiềm lực như thế nào mà có thể leo cao, luồn sâu vào bộ máy nhà nước như vậy để rồi có được nhiều công trình BOT về giao thông dưới hình thức chỉ định thầu, nếu không có những cá nhân thoái hóa, biến chất của ngành quốc phòng bao che, nâng đỡ.
Rồi Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) với tội danh “làm lộ bí mật ...” là đối tượng từ một người kinh doanh nhôm kính trở thành Thượng tá Công an. Vũ “ nhôm “là ai, thế lực như thế nào mà có thể thao túng để từ đó thâu tóm các dự án bất động sản, tài sản nhà nước để trục lợi.
Để có được chỗ đứng quan trọng, thao túng, lũng đoạn được không ít cán bộ có chức quyền thoái hóa, biến chất trong bộ máy bảo vệ pháp luật và an ninh quốc gia những Út “trọc”, Vũ “nhôm” không còn con đường nào khác ngoài “chạy”.
Việc “Chạy chức, chạy quyền, chạy lợi, chạy chỗ, chạy tội” đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Các đối tượng vi phạm tìm mọi cách để che chắn, hủy chứng cứ, xóa dấu vết rất nhanh, thậm chí là khá trắng trợn.
Trịnh Xuân Thanh mất hồ sơ bổ nhiệm tại Bộ Nội Vụ; vụ việc Trần Vũ Quỳnh Anh được “nâng đỡ không trong sáng” mất hồ sơ tại Sở Xây Dựng Thanh Hóa. Mới đây nhất là vụ tiêu cực trong chấm thi kỳ thi quốc gia tại Sơn La. Các đối tượng đã dã tâm tiêu hủy luôn cả dữ liệu gốc của bài thi để phi tang chứng cứ. Trong các đại án liên quan đến Tập đoàn Dầu Khí, việc chứng minh các đối tượng cố ý làm trái để trục lợi gặp khó khăn bởi các dấu vết đưa và nhận hối lộ đã không xuất hiện trong cáo trạng, minh chứng rằng hành vi tham nhũng đã được che đậy rất kỹ.
Trong vụ án tổ chức đánh bạc online liên quan đến Phan Văn Vĩnh - người đã từng đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm, khi khám nhà chỉ thu được mỗi bằng khen, huân huy chương còn tuyệt nhiên không thu được một manh mối nào các tài sản do phạm tội mà có. Một lần nữa khẳng định việc che dấu các chứng cứ ở mức tinh vi đang là cản trở lớn cho việc điều tra các hành vi liên quan đến loại tội phạm kinh tế - chức vụ. Tóm lại, việc tiêu hủy chứng cứ cấu thành tội phạm đang diễn biến rất phức tạp trong các hành vi tham nhũng tiêu cực hiện nay.
Hành vi thủ đoạn của các đối tượng tham nhũng, tiêu cực là rất rõ, phạm vi đã được khoanh vùng là các tổ chức, cá nhân được Đảng và Nhà nước giao quyền lực. Việc đấu tranh với loại tội phạm này đang đòi hỏi phải có những điều chỉnh khắt khe hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức được giao quyền lực.
Bộ Chính Trị đã ban hành quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Có thể nói quy định 102 đã cơ bản đã điều chỉnh hầu hết các hành vi vi phạm kỷ luật của đảng viên với các mức kỷ luật rất rõ ràng. Tuy nhiên trước một thực tế các vụ việc gây nhức nhối dư luận gần đây như Vụ Mobifine mua 95% cổ phần của AVG, các vụ tiêu cực ở Tập đoàn dầu khí, ở ngành ngân hàng ...; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cần quyết liệt hơn, khẩn trương hơn!
Xử lý nhiều cán bộ cao cấp sai phạm là thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng
|
Đã đến lúc cần ban hành quy định thật cụ thể trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ... chịu trách nhiệm đến đâu khi có tổ chức cá nhân mà họ trực tiếp quản lý vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chỉ khi thể chế rõ trách nhiệm cá nhân đến từng lĩnh vực phụ trách, đến từng cán bộ đảng viên thuộc diện quản lý của người đứng đầu thì việc kiểm soát quyền lực mới thật sự có hiệu quả.
Rút kinh nghiệm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng gần đây việc phải xử lý về đảng trước rồi mới tiến hành các biện pháp tố tụng hoặc xử lý kỷ luật về mặt chính quyền mất khá nhiều thời gian, gây dư luận không tốt. Nên chăng khi phát hiện sai phạm của cán bộ đảng viên có chức quyền thì tạm đình chỉ chức vụ và chuyển ngay cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xử lý hành chính hoặc hình sự và Đảng sẽ là cơ quan xử lý kỷ luật cuối cùng với mức không thấp hơn chính quyền xử lý.
Chỉ khi người đứng đầu được kiểm soát trách nhiệm bằng các thể chế pháp lý và quy định chặt chẽ trong tổ chức Đảng thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới thật sự có hiệu quả. Cơ hội để nhóm lợi ích xấu trong xã hội “chạy” sẽ từng bước được đẩy lùi.