Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Đừng để tinh thần 'đốt lò' chống tiêu cực nguội đi

Cựu Tổng bí thư cho rằng, việc các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ tiêu cực như vừa qua là "bước đi mạnh mẽ".
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh:HT
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh:HT

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chỉnh đốn Đảng, trước việc vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, đề nghị kỷ luật nhiều lãnh đạo cấp cao có vi phạm, khuyết điểm. 

- Nhiều cán bộ đương chức và về hưu đã bị xác định có sai phạm và nhận kỷ luật trong gần hai năm qua. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

- Vừa qua các cơ quan chức năng khui ra được nhiều tiêu cực của cán bộ các cấp, đó là bước đi mạnh mẽ của Trung ương, của Bộ chính trị và Tổng bí thư.

Khi phát hiện cán bộ có sai phạm thì dứt khoát phải kỷ luật, không có vùng cấm. Tất nhiên, kỷ luật ai đó không phải là dìm họ xuống, và cũng không thể xử lý nhẹ nhàng, né tránh, án kỷ luật phải đúng quy định và hợp lòng dân. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh từng trường hợp để xử lý, như vụ Đà Nẵng là phải xử lý, nhưng quan trọng là mức độ nào.

Theo thẩm quyền thì Bộ Chính trị và Trung ương sẽ xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015-2020) và Bí thư Thành ủy; hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có đề nghị do vậy tôi nghĩ, Hội nghị Trung ương 6 tới đây sẽ quyết định việc này.

Chúng ta thường nói xây và chống, ở đây không phải chỉ kỷ luật cán bộ sai phạm là xong, mà phải xây dựng được cơ chế để mỗi đảng viên tự giác không vi phạm pháp luật, luôn ý thức giữ bàn tay mình trong sạch.

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, trong chống tiêu cực, chống tham nhũng thì điều quan trọng là tạo ra được xu hướng, tất cả các cơ quan đều vào cuộc, "cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy". Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Tùy tình hình cụ thể, chúng ta đã có những thời kỳ chống tham nhũng, chống tiêu cực rất nóng bỏng.

Riêng thời kỳ này, tôi thấy rằng ta dám làm, làm kiên quyết và tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, nếu như cấp cao khác hoặc cấp cao hơn có tiêu cực thì sao? Tôi cho rằng cũng phải mạnh mẽ đấu tranh, đừng để tinh thần chống tiêu cực nguội đi.

Phỏng vấn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu 2

- Gần đây Trung ương ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp cao, trong đó có tiêu chuẩn là "tuyệt đối không tham vọng quyền lực". Theo ông, tiêu chuẩn này được hiểu như thế nào?

- Những biểu hiện như "chạy chức, chạy quyền" chính là sự bộc lộ của tham vọng quyền lực, hay gần đây nóng lên chuyện bằng cấp của một số cán bộ cũng tương tự như vậy. Anh trình độ văn hóa thấp mà khai gian dối để "trang trí", để giúp cho mình leo cao là không thể chấp nhận được. 

Khi con người đã tham vọng quyền lực thì phải tìm cách chạy, chạy cách này không được thì anh chạy cách khác, thậm chí làm hại đồng chí, đồng nghiệp của mình, như vậy là rất nguy hiểm. Vừa qua các cơ quan chức năng xử lý được các trường hợp như vậy là bước tiến quan trọng, giúp cảnh tỉnh nhiều người.

Không chỉ cán bộ đương chức mà nhiều người đã về hưu cũng bị kỷ luật. Tuy nhiên, có trường hợp một vị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khi bị đề nghị kỷ luật thì trả lời "tôi về hưu rồi, muốn xử lý ra sao thì xử". Ông nghĩ sao về việc này?

- Trước đây, với những cán bộ phát hiện có vi phạm mà đã về hưu thì tổ chức chỉ rút kinh nghiệm, hiện cơ quan chức năng xử lý cả những người đã về hưu. Trong số các mức độ kỷ luật có việc cách chức vụ người đó từng nắm trong quá khứ.

Tất nhiên, về hưu thì làm gì còn chức mà cách, nhưng đó là án kỷ luật của Đảng, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh. Án kỷ luật này sẽ được ghi vào hồ sơ, báo cho chi bộ Đảng nơi người đó sinh hoạt. Đây cũng là cách răn đe những cán bộ khác phải giữ được phẩm chất của người đảng viên, không còn suy nghĩ về hưu rồi thì sẽ được tha.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-le-kha-phieu-dung-de-tinh-than-dot-lo-chong-tieu-cuc-nguoi-di-3648998.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=ho&vn_campaign=vn