Chạy nước rút xử lý công nợ trước IPO Vinalines

Khẩn trương giải quyết công nợ, thay đổi cơ cấu SXKD là chủ trương được Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN Lê Anh Sơn liên tục đề cập thời gian gần đây.
Chạy nước rút xử lý công nợ trước IPO Vinalines

Đẩy nhanh xử lý công nợ

Theo báo cáo mới nhất về việc xử lý công nợ của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) gửi Bộ GTVT, riêng 10 tháng của năm 2015, Công ty mẹ - Tổng công ty tiếp tục xử lý được gần 3.500 tỷ đồng nợ phải trả.

 Trong đó, nợ gốc giảm trên 3 nghìn tỷ đồng, lãi giảm gần 500 tỷ đồng; góp phần giảm được tổng nợ từ khi tái cơ cấu đến nay gần 5.300 tỷ đồng, trong đó gốc giảm gần 4.200 tỷ đồng, lãi giảm trên 1.120 tỷ đồng.

 Giải pháp xử lý các khoản nợ trên chủ yếu là các tổ chức tín dụng bán nợ qua Công ty TNHH mua bán nợ VN (DATC) hoặc nhận hoán đổi các khoản thoái vốn của tổng công ty để cấn trừ nợ.

Dù nhận định tình hình có sáng sủa, nhưng ông Sơn cho biết, áp lực nợ vẫn rất lớn. Tổng số nợ của Vinalines đến nay đã giảm được 40 - 45%, song số nợ còn lại vẫn còn trên 7 nghìn tỷ đồng. “

Nợ vẫn còn lớn, trong khi giá cước vận tải - mảng kinh doanh chính vẫn rất thấp và đang lỗ nặng, vấn đề CPH Vinalines rất khó khăn”, ông Sơn nói và cho biết, Vinalines đang phải “chạy nước rút” để xử lý công nợ.

“Vinalines đang thực hiện tái cơ cấu nợ theo Nghị quyết 30. Trong trường hợp Vinalines hoàn tất CPH để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, cũng đồng nghĩa với việc giải quyết công nợ phải dừng lại, vì Nghị quyết 30 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không áp dụng cho doanh nghiệp cổ phần. 

Vấn đề của Vinalines hiện tại là phải gấp rút giải quyết công nợ trước khi tiến hành IPO”, ông Sơn nhấn mạnh và cho rằng, việc xử lý tái cơ cấu giảm nợ, giãn nợ đến nay không chỉ là vấn đề thực hiện mục tiêu đề án tái cơ cấu mà là vì chính sự sống còn của doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến việc giải quyết vấn đề công nợ của Vinalines, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: “Trái tim của CPH Vinalines là tái cơ cấu tài chính. Để CPH thành công, công nợ phải đưa về mức có thể chấp nhận được (quanh mức 3 nghìn tỷ đồng). 

Do đó, vấn đề tái cơ cấu tài chính Vinalines được Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị, phải có quyết tâm cao nhất”.

Gấp rút tái cơ cấu SXKD

Thống kê cho thấy, kết thúc ba quý đầu năm 2015, sản lượng vận tải của Vinalines đạt 21,4 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 61,2 triệu tấn, tổng doanh thu gần 13.300 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm và tương đương 98% cùng kỳ năm 2014.

Nói thêm về kết quả này, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, kinh doanh cảng biển của Vinalines đã đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng của tổng công ty tăng 11%, trong đó cảng Hải Phòng tăng tới 20%, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm, khối này lãi khoảng 800 tỷ đồng. Trong đó, riêng hai cảng Hải Phòng và Sài Gòn lãi khoảng 600 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, thị trường vận tải biển từ đầu năm 2015 vẫn chưa hết khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cùng kỳ năm 2014. Giữa tháng 2, chỉ số thị trường tàu hàng khô (BDI) đã giảm xuống 509 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 1985 khi thị trường bắt đầu thiết lập hệ thống tính điểm. 

Do đó, mặc dù sản lượng vận chuyển của Tổng công ty tăng 4%, chi phí giảm do tấn trọng tải giảm, nhưng vì giá cước giảm sâu, nên doanh thu chỉ đạt 79% so với cùng kỳ.

“Lỗ vận tải năm nay dự kiến ở mức gần 900 tỷ đồng. Được bù đắp bởi khoản lãi khoảng 800 tỷ đồng từ hoạt động cảng biển. Vinalines dự kiến cân bằng thu chi cả năm 2015”, ông Tĩnh phân tích.

Đáng nói hơn, dù vận tải biển rất khó khăn, Vinalines vẫn đang gấp rút xây dựng phương án chuyển đổi mạnh cơ cấu SXKD sang lĩnh vực chính là vận tải biển và dịch vụ hàng hải. 

“Chúng tôi liên tục họp bàn chiến lược phát triển Vinalines. Thay vì cảng biển, nay tổng công ty sẽ tập trung cho phát triển đội tàu để chủ yếu làm vận tải. Tổng công ty cũng đang thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để họ rà soát, hỗ trợ xây dựng phương án”, ông Lê Anh Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, những thay đổi căn bản trong cơ cấu SXKD của Vinalines xuất phát từ chủ trương thoái triệt để vốn nhà nước khỏi các cảng nhỏ và thoái chỉ còn 20% tại hai cảng lớn nhất hiện nay của Vinalines là Hải Phòng và Sài Gòn. 

“Đây là vấn đề rất lớn, sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu SXKD của Vinalines tới đây. Khó khăn sẽ lớn, và chúng tôi phải có kế hoạch ngay từ bây giờ”, ông Sơn nói.

Theo Giao Thông