Châu Âu sẽ có 217 triệu kết nối 5G vào năm 2025

Theo ước tính của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến năm 2025, Châu Âu sẽ có 217 triệu kết nối 5G.

Sau nhiều năm thí nghiệm và thử nghiệm, thế hệ thông tin di động thứ 5 (5G) đã được triển khai thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc…và dự kiến được triển khai trên quy mô lớn ở châu Âu vào năm 2020. Theo ước tính của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), đến năm 2025, Châu Âu sẽ có 217 triệu kết nối 5G.

Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, chính xác 5G là gì và sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

5G là gì

Mạng 5G đại diện cho kết nối Internet di động thế hệ tiếp theo. Nó cung cấp băng thông cực cao cũng như kết nối đáng tin cậy hơn với điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Mạng 5G sẽ cung cấp tốc độ truyền tải dữ liệu lớn hơn mạng 4G từ 100 lần cho đến 1.000 lần. Với tốc độ như vậy, nó cho phép tải xuống các bộ phim có độ phân giải cao chỉ trong vài giây.

5G mang lại lợi thế gì

5G được thiết kế cho một thế giới mà ở đó hàng tỷ thiết bị sẽ được kết nối Internet liên tục. Các điện thoại di động đầu tiên hỗ trợ mạng 5G đã có mặt ở châu Âu kể từ tháng 9/2019. Ở nhiều nước, cơ sở hạ tầng mạng đầu tiên cũng đã được hoàn thành.

Ủy ban châu Âu xác định mạng 5G là "một trong những nền tảng quan trọng nhất của nền kinh tế kỹ thuật số và xã hội trong thập kỷ tới".

Tốc độ cao và kết nối độ trễ thấp của 5G cho phép các thiết bị xử lý một khối lượng dữ liệu rất cao với độ trễ tối thiểu, từ đó thúc đẩy trí tuệ nhân tạo cũng như điện toán đám mây phát triển.

Theo thời gian, toàn bộ hoạt động kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng bởi cơ sở hạ tầng của mạng 5G mới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty cũng như tiến nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các ngành công nghiệp tự động, vận tải và phân phối cũng như mạng lưới cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe là tất cả các lĩnh vực sẽ được chuyển đổi bởi sự ra đời của 5G, trong đó có một số ứng dụng tiến bộ như các loại xe tự lái, các tòa nhà và thành phố "thông minh" và các can thiệp y tế từ xa.

Chúng ta phải đợi bao lâu

Công nghệ 5G đang được phát triển trên toàn thế giới. Riêng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch hành động cho công nghệ 5G vào năm 2016 với mục tiêu ra mắt dịch vụ 5G ở tất cả 28 quốc gia thành viên chậm nhất vào cuối năm 2020, sau đó đẩy nhanh vùng phủ sóng để đảm bảo phủ sóng không bị gián đoạn ở tất cả các khu vực đô thị và dọc theo các tuyến đường giao thông chính vào 2025.

Từ năm 2014 đến 2020, EU đã chi 700 triệu EUR cho công nghệ 5G cộng với khu vực tư nhân ước tính đã đầu tư hơn 3 tỷ EUR. Chẳng hạn, công ty viễn thông Phần Lan Nokia tuyên bố đã có khoản vay được bảo lãnh 500 triệu EUR từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu để phát triển mạng 5G. Trong khi đó, Ericsson của Thụy Điển có khoản vay được bảo lãnh trị giá 250 triệu EUR.

Theo phân tích của GSMA, ước tính đến giữa thập kỷ này, khoảng 1 trong 3 kết nối di động sẽ sử dụng mạng 5G. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng 5G ở châu Âu ước tính đạt 31% vào năm 2025, tức là có 217 triệu kết nối 5G.

Ăng-ten và tần số

Băng tần được sử dụng cho mạng di động 5G ở băng tần số cao nên có bước sóng ngắn hơn so với các hệ thống thông tin di động trước đó, vì vậy, để triển khai mạng di động 5G cần phải có nhiều anten hơn.

Tần số được sử dụng trong giai đoạn đầu triển khai mạng 5G ở châu Âu chủ yếu ở hai băng tần 3,5 GHz và 700 MHz, hơi khác so với tần số hiện được sử dụng cho các mạng di động 4G và 3G nhưng điều này không có nghĩa là những thay đổi này ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của ăng-ten. Băng tần 26 GHz sẽ được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo cho các dịch vụ cụ thể.

5G có hại cho sức khỏe của bạn không

Điều này chưa được xác định. Cho đến nay không ai có thể trả lời câu hỏi này. Nhiều ý kiến cho rằng càng cần nhiều ăng-ten, rủi ro về sức khỏe sẽ tăng lên tương xứng. Tuy nhiên, các ăng-ten được sử dụng cho mạng 5G là ăng-ten hiện đại và bức xạ điện từ phát ra phải thấp hơn đáng kể so với mức phát ra từ mạng 4G/ 3G/ 2G hiện có.

Một báo cáo từ Ủy ban EU công bố năm 2019 đã lưu ý rằng "các nghiên cứu chưa mang lại bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của 5G đối với động vật có vú, chim hoặc côn trùng”.

Có phải là kết thúc của 4G

Không, vì 5G sẽ không được triển khai ngay lập tức và đồng thời trên toàn thế giới nên hai hệ thống sẽ tiếp tục tồn tại song song với nhau, đặc biệt là không phải tất cả các thiết bị đều tương thích với 5G.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/vien-thong/chau-au-se-co-217-trieu-ket-noi-5g-vao-nam-2025-193823.ict