Chất vấn Bộ trưởng Nhạ: đại biểu hỏi dồn, Bộ trưởng hứa giải quyết tất

VietTimes -- Sáng 6/6, phiên chất vấn của Quốc hội tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Đây là phiên chất vấn có số lượng câu hỏi nhiều nhất trong 3 ngày qua, và có lẽ cũng là nhiều nhất trong các kỳ chất vấn. Nên không khó hình dung khi Bộ trưởng Nhạ chủ yếu là hứa sẽ giải quyết.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VTV
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VTV

Ngay đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có hơn 80 chất vấn của đại biểu gửi tới Bộ trưởng Nhạ, tập trung vào các nhóm vấn đề chính. Bao gồm, thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các cấp; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Có lẽ do số lượng câu hỏi khá nhiều, mà Chủ tịch quốc hội phải có ý kiến giảm bớt áp lực cho bộ trưởng Nhạ. Về câu hỏi triết lý cô đọng của giáo dục Việt Nam là gì (của đại biểu Nguyễn Thanh Hải), Chủ tịch Quốc hội cho rằng “cần có một hội thảo để trả lời”, nên đề nghị Bộ trưởng Nhạ trao đổi với đại biểu.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng “về nghiên cứu câu hỏi “của đại biểu Nguyễn Mai Bộ về tỷ lệ đào tạo giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ so với số lượng giáo viên, người học.

Liên quan tới các chất vấn về tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên, học sinh, Chủ tịch Quốc hội nhận xét vấn đề này còn có trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục và “trách nhiệm của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị địa phương, chứ không phải chỉ mỗi Bộ trưởng".

Trong phần trả lời trực tiếp liên quan tới tình trạng “chuẩn giả” của ngành giáo dục, Bộ trưởng Nhạ xác nhận có tình trạng này. Ông cho biết, trong 19 chỉ tiêu về nông thông mới có 2 chỉ tiêu về giáo dục. Một số địa phương muốn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên đã… nợ chuẩn (liên quan tới giáo giục -PV).

Ông Nhạ khẳng định Bộ GDĐT “đã đề nghị các địa phương xử lý. Các địa phương nói rằng đã sớm có kế hoạch khắc phục”.

Từ đây, Bộ trưởng khẳng định nhận thức của ông là “chuẩn chất lượng là phải đảm bảo chứ không có chuyện nợ chuẩn”. Từ đây, Bộ trưởng cam kết “Bộ sẽ thực hiện việc này mạnh hơn”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận tình trạng học tủ, học lệch. Tuy nhiên, Bộ trưởng dùng từ ‘một số” để định danh tình trạng học sinh học lệch, bỏ các môn hoc không thi.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, hiện chưa có thống kê về tình trạng học “tủ”, học “lệch”. Lý do vì phụ huynh nào cũng “muốn cho con tập trung vào các môn thi để đỗ đạt, môn khác thì xem nhẹ”.

Cho biết ngành giáo dục đã “cấm vấn đề này”, Bộ trưởng Nhạ cho biết ngành giáo dục “kiên quyết phản đối” chuyện học “tủ”, học “lệch” và đã tăng cường vai trò giám sát. Ông Nhạ cho biết “rất mong các địa phương, các trường phối hợp với Bộ để làm tốt công việc này. Học sinh cần được học toàn diện chứ không phải học để đi thi”.

Liên quan tới chất vấn về vấn đề chế độ cử tuyển có nhiều bất cập Bộ trưởng Nhạ cho biết đã đưa nội dung này vào Luật Giáo dục đi theo hướng, gắn với trách nhiệm người học với địa phương, tạo công ăn việc làm.

Về nạn bạo hành trẻ trong cấp giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết đây là một vấn đề nổi cộm, dây bức xúc trong xã hội. Bộ trưởng cho biết hiện cả nước có 15.000 cơ sở mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non. Về việc bắt đầu – Bộ trưởng dùng từ “bắt đầu” - xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ, cá nhân ông - với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục - rất phản đối.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, ông đã  và có những chỉ đạo cụ thể, “kiên quyết những giáo viên này phải đưa ra khỏi ngành ngay, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra bạo hành, sẽ đình chỉ và thậm chí giải thể, đóng cửa”.

Bộ trưởng tiếp tục cam kết, tới đây ngành giáo dục sẽ thực hiện giải pháp xử lý tình trạng này, “căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được quy hoạch đào tạo bài bản thường xuyên và có chế độ hợp lý. Hiện, chế độ giáo viên mầm non thấp quá, theo quy định các cô ra trường hệ trung cấp có 2,4 triệu như thế thì rất khó khăn” – Bộ trưởng cho biết.