Sáng 4/5, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang nêu vấn đề: “Xin hỏi Bộ trưởng, hiệu quả tái cơ cấu Vinashin, Vinalines hiện nay đã đạt hiệu quả đến đâu? Số nợ hiện nay còn tồn tại đã tăng lên bao nhiêu nghìn tỷ đồng? Liệu bộ trưởng có giải pháp gì để sang kỳ họp sau ĐBQG và cử tri cả nước không còn thấy con số nợ này tiếp tục tăng lên?”
Còn với Vinalines, việc tái cơ cấu DN này đã bước đầu có những hiệu quả nhất định. “Riêng trong năm 2017, Vinalines đã báo lãi trên 500 tỷ đồng và kế hoạch trong năm 2018 lãi trên 700 tỷ đồng, hiện nay DN này đang chuẩn bị IPO” – người đứng đầu Bộ GTVT thông tin.
Về số nợ của 2 DN, ông Thể đã không đi vào con số cụ thể, chỉ cho biết rằng số nợ này vẫn nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh. "Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các giải pháp. Chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm những chỉ đạo này"- Bộ trưởng Thể nói.
Tái cơ cấu Vinashin và Vinalines từng nhiều năm là vấn đề làm dậy sóng nghị trường Quốc hội. Còn nhớ năm 2013, khi còn tại vị chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã có gửi báo cáo thực hiện lời hứa sau chất vấn tới Quốc hội. Báo cáo này cho biết, Vinashin đang thực hiện tái cơ cấu lao động theo hướng giữ lại công ty mẹ - Tập đoàn và 8 đơn vị thành viên khoảng 8000 người, lao động tiếp tục làm việc tại các DN không giữ lại trong mô hình còn khoảng 6.000 người, dự kiến cắt giảm 14.000 lao động. Về cơ cấu tài chính, báo cáo nhấn mạnh các khoản nợ của Vinashin cơ bản được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản nợ sẽ được Vinashin mua lại nợ. Số còn lại cơ bản sẽ được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025. "Theo tính toán, tổng các khoản nguồn thu cơ bản đáp ứng được kế hoạch trả nợ". Tuy nhiên, báo cáo của ông Thăng cũng thừa nhận việc tái cơ cấu còn chậm, nhất là tái cơ cấu tài chính và sản xuất, kinh doanh. Ông Thăng cho rằng nguyên nhân đến từ việc cơ chế chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ để thực hiện tái cơ cấu một tập đoàn kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản. Riêng với Vinalines, báo cáo cho biết, việc tái cơ cấu toàn diện DN này đã có kết quả bước đầu, thu gọn đầu mối 73 DN xuống còn 36 DN, tập trung 3 nhóm ngành nghề chính: vận tải biển, cảng biển, và dịch vụ hàng hải. Năm 2013, Tổng Cty tiến thành CPH 7 DN, chấm dứt hoạt động, giải thể 6 DN, thoái vốn tại 7 DN. Về cơ cấu tài chính, Tổng Cty đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cơ cấu nợ được 20.412 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 – 2014. Đồng thời hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ. |