Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về vấn đề xử lý hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ dự án mở rộng tuyến đường vành đai 3 - đoạn Mai Dịch - Nội Bài.
Việc xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3, được chia ra làm 2 dự án gồm: dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nội Bài thời gian khởi công là 5/10/2016, dự kiến hoàn thành phần đường xong trước tết Nguyên đán 2018.
Và dự án đầu tư cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án này sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, thời gian khởi công 2017, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2019 (đến nay tiến độ đã chậm so với yêu cầu).
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, đoạn Mai Dịch - Thăng Long được nâng cấp, mở rộng thành đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h; bề rộng nền đường mở rộng thay đổi từ 56m-93m bao gồm 4 làn xe cơ giới; 06 làn xe hỗ hợp và thô sơ; giải phân cách giữa, giải an toàn và vỉa hè hai bên.
Đặc biệt, dự án giao thông này xây dựng tuyến đường cao tốc trên cao với thiết tại vị trí giữa đường Vành đai 3.
Để triển khai dự án, chủ đầu tư (Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Hà Nội) phải tiến hành giải phóng mặt bằng, giải tỏa 884 hộ dân, 57 cơ quan đơn vị, công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong chỉ giới đường đỏ dự án, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 65% giá trị tổng mức đầu tư dự án.
Đồng thời, TP cũng đã giao đơn vị tư vấn (Tổng công ty tư vấn GTVT TEDI) xây dựng phương án xử lý cây xanh dọc tuyến đường này. Đơn vị tư vấn, và Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Hà Nội đã thống nhất phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến đường với tổng số hơn 1.300 cây xanh.
Theo quan điểm của UBND TP. Hà Nội, đây mới chỉ là đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đưa ra. Quan điểm của lãnh đạo TP. Hà Nội là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.
Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu điểm hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.
Số cây phải xử lý trong dự án TP sẽ giao các cơ quan, đơn vị lên danh sách, hồ sơ cây xanh, phương án cụ thể đối với từng cây, có sự giám sát chặt chẽ việc xử lý cây xanh khi di dời hay chặt hạ.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong dự án này TP cũng yêu cầu cao về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, cây xanh được trồng mới phải tương đương hệ thống cây xanh đã trồng trên đường Võ Chí Công.
Trong đó, tầng cây cao tổng số 1.547 cây gồm Giáng hương, Bàng Đài Loan, Cọ dầu, Ban hoàng hậu,... Tần cây bụi 4.649 cây gồm Đại sứ, Tường vi, Ngọc bút, dâm bụt, Hoa giấy,... Tầng thảm cỏ 60.772m2.