Trong bối cảnh chính quyền Trump ra sức tăng cường các đòn trừng phạt kinh tế và gây sức ép về mặt quân sự, Iran giờ đang tìm cách chứng minh rằng họ cũng có thể gây ra tổn thất cho nước Mỹ - như làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ thế giới - mà không cần phải đưa ra những hành động có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tổng lực.
Khi 4 con tàu bị tấn công và thiệt hại trên Vịnh Ba Tư hồi tuần trước - trong đó có 2 tàu chở dầu của Arab Saudi và 1 của UAE - giới chức Mỹ và Arab Saudi đều ngờ rằng Iran đã ra chỉ thị tấn công. Một ờ báo của Lebanon có quan điểm ủng hộ lực lượng Hezbollah mà Iran hậu thuẫn còn "khoe" rằng các đòn tấn công này là một thông điệp của Tehran gửi tới "hòm thư của UAE và Arab Saudi".
Và sau khi 1 trái rocket Katyusha đáp vào vị trí cách Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq) chỉ 1 dặm trong hôm Chủ nhật tuần trước, sự ngờ vực lập tức nhằm vào các nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn ở Iraq. Giới chức cấp cao Iraq sau đó cảnh báo Iran không nên sử dụng lãnh thổ của họ để nhằm vào các mục tiêu và lợi ích của Mỹ.
Giới lãnh đạo Iran cũng lên án các vụ việc này và bác bỏ trách nhiệm. Nhưng các nhà ngoại giao và giới phân tích nói rằng, các vụ việc trên mang đậm dấu ấn của Iran và là một phần trong chiến lược của nước này nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump áp đặt với họ sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cách đây 1 năm. Điều đặc biệt khiến Iran phẫn nộ là quyết định mà Mỹ đưa ra vào mùa xuân năm nay, trong đó không gia hạn thêm chương trình miễn trừ cấm vận cho 8 quốc gia nhập khẩu dầu của Iran.
"Không quá bất ngờ khi chứng kiến Iran bắt đầu thể hiện sức mạnh của họ trong một khu vực mà họ có nhiều thế lực đồng minh, và họ hoàn toàn đủ khả năng để gây ra hậu quả cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực" - Ali Vaez, chuyên gia về Iran thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói.
Tàu chở dầu Amjad, 1 trong 2 tàu cảu Arab Saudi bị "phá hoại" trên vịnh Ba Tư hồi đầu tháng này (Ảnh: AFP)
|
Trong suốt năm ngoái, Chính phủ Iran đã theo đuổi một chiến lược kiềm chế với hy vọng rằng kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020 ở nước Mỹ sẽ sản sinh ra một vị Tổng thống bớt thù địch hơn.
Còn nhớ thời điểm trước năm 2017, các tàu chiến của Iran thường xuyên tiếp cận tàu hải quân Mỹ ở khu vực eo biển Hormuz chiến lược theo cách rất khiêu khích, gây ra nhiều tình huống nguy hiểm. Những vụ việc này sau đó giảm dần và ngừng hẳn vào năm ngoái. Iran cũng dần thực hiện ít đi các đòn trả đũa trước các cuộc không kích mà Israel thực hiện nhằm vào mục tiêu của họ trên lãnh thổ Syria hay các chuyến hàng vũ khí mà Iran chuyển tới nhóm Hezbollah.
Và thay vì dịch chuyển các nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn đến đối đầu với lực lượng Mỹ ở Iraq và nhiều nơi khác, Tehran lại lựa chọn điều các nhóm này vận chuyển hàng hóa Iran tới Iraq, Syria, Lebanon và Afghanistan nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của các đòn trừng phạt Mỹ áp đặt.
Giới lãnh đạo Iran hy vọng rằng sự kiềm chế của họ sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và thuyết phục các nước châu Âu cùng nhiều bên khác chống lại chiến dịch gây sức ép kinh tế nhằm vào Iran. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran vẫn tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân.
Nhưng về phần mình, Tehran nhận ra rằng họ không nhận được những lợi ích kinh tế mà họ kỳ vọng sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2015; trong khi các nỗ lực của châu Âu nhằm duy trì quan hệ làm ăn với Iran cũng không hiệu quả.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng đất nước ông sẽ ngừng tuân thủ nhiều phần của thỏa thuận hạt nhân - vốn được thiết kế nhằm hạn chế lượng uranium làm giàu và nước nặng của họ. Ông Rouhani cũng đặt ra thời hạn chót 60 ngày để các nước gỡ bỏ bớt lệnh trừng phạt, và đặc biệt thúc giục châu Âu phớt lờ đòn cấm vận của Mỹ để tiếp tục làm ăn kinh tế với họ. Nếu Mỹ và châu Âu không thực hiện được những đề nghị trên, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium mức độ cao hơn mức mà họ được phép theo quy định trong thỏa thuận hạt nhân.
Hôm đầu tuần này, giới chức hạt nhân Iran nói rằng họ đã tăng 25% khả năng làm giàu hạt nhân nhưng khẳng định vẫn tuân thủ mức 3,67% theo quy định của thỏa thuận hạt nhân. Các quan chức này nói rằng, mức tăng của họ là một thông điệp rằng Iran đủ khả năng để nhanh chóng sản xuất uranium làm giàu vượt sản lượng chỉ với các cơ sở hiện hữu của họ.
"Nếu châu Âu muốn sản lượng của Iran duy trì ở mức cao như hiện tại, họ nên có hành động cần thiết" - Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời ông Behrouz Kamalvandi, người phát ngôn Cơ quan Nguyên tử Iran, nói.
Sức ép kinh tế gia tăng - đặc biệt sau khi Mỹ ngừng miễn trừ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu của Iran - càng khiến cho các chính trị gia quan điểm cứng rắn ở Iran xem cuộc xung đột với Mỹ là điều khó tránh.
Dù chỉ là một nhóm thiểu số, nhưng các chính trị gia này cho rằng tốt nhất là nên khiêu khích Mỹ đưa ra hành động quân sự trong lúc Iran vẫn còn đủ khả năng để ra một đòn đáp trả tương xứng. Họ lo ngại rằng các đòn trừng phạt kinh tế dai dẳng cuối cùng sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Iran, và cho rằng cần phải lao vào một cuộc xung đột với Mỹ trong lúc mà Iran vẫn còn có "một nền kinh tế đủ dùng cho cuộc xung đột quân sự" - Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.
Người dân Iran tuần hành kêu gọi nước này ngừng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hồi tháng trước (Ảnh: Anadolu)
|
Mục đích của hướng tiếp cận có phần hung hăng này chỉ là ngăn chặn, và chứng minh với Chính phủ Mỹ rằng họ không thể ép buộc Iran thay đổi thái độ bằng vũ lực. Một cuộc xung đột quân sự cũng có thể mang lại một số lợi ích tức thời cho các phe phái ở Iran, đặc biệt là lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). IRGC - nhánh vũ trang tinh nhuệ của quân đội Iran - hồi tháng trước đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Theo chuyên gia phân tích Vaez: Trong bối cảnh kỳ bầu cử Quốc hội sắp được tổ chức vào năm tới, viễn cảnh xung đột với Mỹ "sẽ càng giúp tăng cường quyền lực của nhóm chính trị gia có quan điểm cứng rắn và bảo thủ" ở Iran vốn đã không hài lòng với kiểu lãnh đạo ôn hòa của Tổng thống Rouhani.
Giới lãnh đạo Iran đến nay vẫn cố gắng tránh lao vào một cuộc chiến. Từ lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, cho tới Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif...Iran liên tục khẳng định rằng họ không mong muốn gây ra một cuộc xung đột nhưng nhấn mạnh rằng sẽ không chịu "quỳ gối" trước sức ép của Mỹ.
"Nếu tình hình kinh tế Iran, do sức ép từ các đòn trừng phạt, vượt tầm kiểm soát, đó chính là lúc mà hệ thống chính trị ở Iran ủng hộ việc lao vào một cuộc xung đột với Mỹ" - ông Vaez nói.
Ở thời điểm hiện tại, Iran đã tính toán rằng chính quyền Trump không dại gì mà lao vào một cuộc xung đột quân sự mới ở Trung Đông bởi điều đó khiến cho các hoạt động thương mại quốc tế ở Trung Đông bị gián đoạn, từ đó gây áp lực cho chính nền kinh tế Mỹ - Sami Nader, Giám đốc Viện nghiên cứu Levant về các vấn đề chiến lược, nhận định.
"Vụ tấn công các tàu chở dầu trên Vịnh Ba Tư mới đây dường như được thiết kế để đạt được mục đích của Iran" - ông Nader nói - "Nhưng kiểu hành động này chưa phải một hành động khiêu khích. Nếu bạn muốn khuấy động một cuộc chiến, bạn sẽ phải có một hành động gì đó để chứng tỏ nó là đáp trả về mặt quân sự. Trong khi vụ việc vừa qua lại không được coi là đáp trả về mặt quân sự".
Trong những năm trước đây, Iran đã thực hiện nhiều chiến dịch hiệu quả nhằm vào binh sỹ Mỹ ở Trung Đông - đáng chú ý nhất là tại Iraq trong khoảng 2007-2011, khi mà Iran rót vốn và vũ trang cho các nhóm người Shi'ite chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Lầu Năm Góc ước tính, có khoảng 600 binh sỹ của họ bị sát hại bởi các nhóm vũ trang có liên hệ với Iran trong khoảng 2003-2011.
Nhưng những chiến dịch như vậy hiện nay không phù hợp với Iran. Họ đang theo đuổi một chiến lược khác mà trong đó tính toán thận trọng từng hành động phản ứng mà họ có thể đưa ra nhằm vào Mỹ, chấp nhận rủi ro làm nảy sinh một cuộc xung đột diện rộng trong khu vực - Karim Sadjadpour, thuộc Quỹ Carnehie vì Hòa bình Quốc tế.
Theo vị chuyên gia, Iran cũng không muốn làm hỏng quan hệ với các nước châu Âu và châu Á bằng cách tấn công lực lượng của Mỹ, thay vào đó lựa chọn kiểu hành động như thực hiện các đòn phá hoại thông qua các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn trên Vịnh Ba tư, từ đó khiến giá dầu tăng lên, trong khi Iran vẫn "vô can".
"Mục tiêu của họ là gây chia rẽ cộng đồng quốc tế, chứ không phải khiến họ đoàn kết hơn để chống Iran" - ông Karim nói - "Họ muốn chứng minh với Trung Quốc và châu Âu rằng: Nhìn xem, các bạn cũng phải trả giá vì chiến lược gây sức ép của Mỹ".
Theo Washington Post
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu