Mỹ triển khai huấn luyện với S-300PT, sẵn sàng tấn công Venezuela, Iran

VietTimes -- Một người dùng dịch vụ vệ tinh yêu quân sự công bố bức ảnh thú vị, ghi lại cảnh quân đội Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300PT của Liên Xô cũ trên thao trường huấn luyện chiến đấu. Có thể không quân Mỹ muốn phát triển chiến thuật nhằm chống lại S-300 của Iran, Venezuela và Syria.
Tổ hợp tên lửa S-300PT của Ukraina. Ảnh minh họa Defense - Blog.
Tổ hợp tên lửa S-300PT của Ukraina. Ảnh minh họa Defense - Blog.

Trên bức ảnh vệ tinh có thể thấy hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6, bao gồm đài chỉ huy, điều khiển hỏa lực và rơ moóc lắp radar dẫn đạn trên tháp, 2 rơ moóc vận chuyển và phóng đạn thẳng đứng 5P85 (TEL). Tất cả các trang thiết bị này là một phần của hệ thống tên lửa phòng không S-300PT.

Một phần tổ hợp tên lửa S-300 PT trên thao trường huấn luyện Mỹ. Ảnh Defense-Blog
 Một phần tổ hợp tên lửa S-300 PT trên thao trường huấn luyện Mỹ. Ảnh Defense-Blog


Hệ thống S-300PT được thiết kế và phát triển nhằm mục đích phòng không bảo vệ các mục tiêu quan trọng như các trung tâm hành chính, các cơ sở công nghiệp dân sự và quân sự, các đối tượng quan trọng khác, ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công đường không.

Hệ thống S-300PT được đưa vào biên chế trong lực lượng phòng không Liên Xô năm 1979, được thiết kế để phòng không các cơ sở hành chính và công nghiệp lớn, căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại máy bay tấn công của kẻ thù. Nhà phát triển dự án S-300 lần đầu tiên là tập đoàn Almaz của Nga, hiện là công ty thành viên của tập đoàn vũ khí phòng không Almaz-Antei.

Trang Air Power Australia cho biết, tên lửa phòng không S-300PT được vận chuyển trong các ống phóng hình trụ kín, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài để bảo quản lâu dài, một thiết bị tạo khí nén lạnh được sử dụng để phóng tên lửa ra khỏi ống phóng trước khi động cơ đẩy của tên lửa được khởi động. Hệ thống ống phóng 5P85 TEL được lắp đặt trên khung rơ moóc có giá mũi tên kéo phía trước, khi chuẩn bị phóng được sử dụng như một bộ ổn định. Bốn ống phóng thẳng đứng được gắn trên khung nâng hạ thủy lực, được giữ lại trong các thiết kế nâng cấp, cải tiến sau này.

Không quân Mỹ, trong các cuộc tấn công đường không thường phải đối mặt với các hệ thống phòng không của Liên xô cũ và Nga hiện nay, chính vì vậy trong các cuộc huấn luyện diễn tập, quân đội Mỹ sử dụng các phương tiện chiến đấu thực tế của đối phương, trong đó có hệ thống phòng không nhằm đảm bảo sát thực tế chiến đấu.

S-300 hiện đang có trong biên chế của các đồng minh NATO của Mỹ là Bulgaria, Slovakia và Hy Lạp. Mỹ cũng  bí mật mua một tổ hợp S-300 từ Belarus năm 1994 không có các trang thiết bị điện tử và radar, sau này Mỹ đã mua các thành phần còn thiếu ở Kazakhstan.

Trang gazeta.ru nhận định rằng, không quân Mỹ đang huấn luyện để tấn công Venezuela. Hiện trong biên chế của phòng không Venezuela có 2 tiểu đoàn S-300 VMS, tên lửa phòng không S-125M, bốn tổ hợp Tor-M1 mới nhất và khoảng 200 tên lửa vác Igla-S (MANPAD).

Mặc dù vậy, nhưng hệ thống S-300PT là hệ thống đã lão hóa so với những phiên bản nâng cấp và hiện đại hóa hiện nay, đặc biệt là khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình. Điều đó cho thấy, dù có nắm được và phát triển các thông số cơ bản của hệ thống, S-300 vẫn là một hệ thống phòng không đáng gớm với không quân Mỹ.