“Cha đẻ” World Wide Web viết “tâm thư” về tin tức giả mạo

VietTimes -- Hơn 28 năm kể từ đề xuất ban đầu cho việc thành lập web, nhà phát minh mạng World Wide Web đã công bố một bức thư ngỏ mô tả các vấn đề với web khiến ông cảm thấy “ngày càng lo lắng”.
Tin tức giả mạo là một vấn nạn phổ biến ngày nay
Tin tức giả mạo là một vấn nạn phổ biến ngày nay

28 năm kể từ khi Tim Berners-Lee đưa ra đề xuất ban đầu cho việc thành lập web, “cha đẻ” của web đã công bố một bức thư ngỏ mô tả các vấn đề với web khiến ông cảm thấy “ngày càng lo lắng”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Berners-Lee đề cập đến mạng World Wide Web. Trong quá khứ, ông đã từng bày tỏ quan điểm về sự giám sát của các chính phủ trên Internet, việc tự do ngôn luận trên mạng và tình trạng sập mạng toàn cầu.

Có 3 vấn đề mà ông Berners-Lee bày tỏ sự quan ngại trong bức thư ngỏ lần này:

- Mọi người bị mất quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân.

- Sự lan truyền thông tin sai lệch và thông tin giả mạo thông qua các mạng xã hội và máy tìm kiếm.

- Quảng cáo chính trị trực tuyến, lĩnh vực mà ông cho rằng cần thêm sự minh bạch và hiểu biết.

Quả thật, tin tức giả mạo là một vấn nạn, nó đang lan truyền khắp thế giới vào thời điểm này. Các cuộc tranh luận về sự lây lan của tin tức giả mạo đã nổ ra sau kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm ngoái. Nhiều người cho rằng các báo cáo giả mạo đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống. Chính vì thế sau khi lên nắm quyền Tổng thống Donald Trump đã dùng cụm từ “tin tức giả mạo” để công kích truyền thông đại chúng.

Ông Tim Berners-Lee tỏ ra lo lắng về sự lan truyền dễ dàng của tin tức giả mạo “giống như cháy rừng”. Ông nói: “ Chúng ta phải đẩy lùi thông tin sai lệch bằng cách khuyến khích Google và Facebook tiếp tục nỗ lực chống lại vấn nạn này, đồng thời tránh tạo ra bất kỳ một tổ chức quyền lực nào có quyền quyết định cái nào là đúng, cái nào là sai”.

“Cha đẻ” của web đã liên hệ đến câu chuyện Facebook và Google đã hợp tác để ngăn chặn sự lây lan tin tức giả mạo ở Pháp và Đức, khi cả hai quốc gia này sẽ tổ chức bầu cử trong những tháng tới.

Nhưng ông cũng kêu gọi Facebook và Google “minh bạch các thuật toán” để mọi người có thể hiểu rõ hơn các quyết định đã được đưa ra như thế nào để phân loại các tin tức mà chúng ta xem trên mạng.

Liên hệ tới một tài liệu về “các thuật toán giải trình” do các chuyên gia máy học tập hợp lại, ông Tim Berners-Lee đã gợi ý một giải pháp để tạo ra một bộ quy tắc mà các công ty cam kết tuân theo.

Trong thời điểm này, ông Berners-Lee kêu gọi những người sử dụng web đóng góp vào quá trình sàng lọc tin tức giả mạo, bằng cách gây áp lực lên các công ty và chính phủ. Ông hy vọng áp lực như vậy có thể đảm bảo cho web tồn tại đúng như suy nghĩ thuở ban đầu khi ông tạo ra nó, đó là “một nền tảng mở cho phép tất cả mọi người ở khắp mọi nơi chia sẻ thông tin, tiếp cận các cơ hội, và hợp tác vượt qua mọi ranh giới địa lý và văn hóa”.

Theo CNET