“Cha đẻ” WeFit trải lòng về những startup thất bại

VietTimes – Cuộc trao đổi với Khôi Nguyễn, Founder kiêm CEO của WeFit – top 3 startup Việt trẻ tiềm năng trong Startup Festival 2016 – được lên lịch khá nhanh gọn. Nội dung cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn và cũng gọn ghẽ không kém. Khôi thường dùng từ "bọn mình" để nói về các dự án, các ý tưởng...
Khôi Nguyễn, Founder kiêm CEO của WeFit. (Ảnh: NVCC)
Khôi Nguyễn, Founder kiêm CEO của WeFit. (Ảnh: NVCC)

“Cha đẻ” WeFit có khuôn mặt già hơn so với tuổi 26. Bộ râu lởm chởm cùng đôi mắt trũng sâu càng khiến chàng trai này thêm “dừ” hơn nữa.

“Mấy hôm rồi bận quá. Dự án đang chạy gấp, rồi phải hoàn thiện gấp thêm một số tiện ích. Cả team gần như làm xuyên đêm”- Founder kiêm CEO của startup công nghệ đang gây sốt ở các phòng tập gym và nhiều lớp học fitness dường như muốn giải thích cho cái bộ dạng ngái ngủ của mình.

Thực lòng mà nói, so với lần gặp trước đây, trông Khôi Nguyễn có vẻ từng trải và có dáng "lãnh đạo" lên nhiều.

Không còn đầu “Rô béo”, không sooc jean, áo hoa. Trong dáng sơ mi slim-fit và tóc cắt ngắn, đúng mực, Khôi có phảng phất nét gì đó của “người đặc biệt” Jose Mourinho – HLV bóng đá đầy cá tính mà anh thần tượng.

Chàng du học sinh Mỹ ngày nào - người chấp nhận rời bỏ nhiều lời mời từ thung lũng Silicon để trở vể nước khởi nghiệp cùng nhóm bạn phổ thông - đã thật sự ra dáng của một người “đứng mũi chịu sào”.

Tất nhiên, anh vẫn sôi nổi, nhiệt huyết và dám nghĩ khác, làm khác!

Những thất bại đau đớn

Thật vui và chúc mừng bạn với những thành công từ WeFit, ít nhất là từ độ “hot” từ khóa này trên truyền thông và độ phủ trong công chúng. Nhưng trước khi nói về WeFit, tôi muốn bắt đầu bằng một câu chuyện, chính xác hơn là một bài học từ sự thất bại. Người ta nói rằng 10 startup thì có tới 9 dự án là thất bại. Hẳn là bạn cũng từng thất bại?

Tất nhiên trước khi làm WeFit, bọn mình đã từng thất bại rất nhiều.

Khi bắt đầu làm trong lĩnh vực khởi nghiệp năm 2013, mình và các cộng sự đã tạo ra 1 startup có tên Volcano.

Lúc đó bọn mình còn rất ngây thơ, không biết rõ cách thức để làm một startup thành công ở Việt Nam như thế nào.

Bọn mình phải làm mọi việc để có tiền nuôi sống team trong thời gian đầu, và tạo ra 1 vài ứng dụng nhưng gần như không có người dùng.

Cho tới khi mình gặp được các “sư phụ” (mentor) trong lĩnh vực, đặc biệt là với sự hỗ trợ của Topica, mình mới quyết định dừng lại cách làm cũ, và tham gia Topica để học hỏi thêm về cách làm startup.

Khôi Nguyễn: "Động lực lớn nhất kéo mình dậy sau khi thất bại chính là từ sự quan tâm của anh em đồng đội". (Ảnh: NVCC)

Tuy có được sự dạy dỗ của các mentors giỏi, nhưng sản phẩm đầu tiên mình làm trong Topica cũng không phải thành công.

Ứng dụng học tiếng Anh miễn phí Memo mà bọn mình xây dựng có 300.000 người dùng sau 1 năm, nhưng không đạt được các hiệu quả kinh doanh khác nên cũng buộc phải dừng lại. Đây là thất bại đau đớn nhất của mình vì đó là công sức bỏ ra của vài chục con người trong suốt 1 năm trời, nhưng cuối cùng lại thất bại.

Tuy nhiên, chính thất bại này đã dạy cho mình bản lĩnh đứng dậy nhanh chóng mà bất cứ người nào muốn làm khởi nghiệp cần có, và sản phẩm ngay sau đó của mình thì đã đạt được thành công.

Bạn có thể nói kỹ hơn về sự được và mất từ những thất bại này?

Tất nhiên khi thất bại thì chúng ta đã mất rất nhiều.

Tiền là chuyện nhỏ, nhưng những mất mát như 1 năm tuổi trẻ của anh em, và mất đi một vài cộng sự mới là nỗi đau lớn.

Mặc dù vậy, những bài học rút ra từ những thất bại này thật sự là vô giá.

Không có quá nhiều người có thể trải nghiệm được một thất bại lớn trước tuổi 25, và việc học được cách đứng dậy sau thất bại sẽ tạo ra bản lĩnh đối mặt với những mặt trận lớn cho những người founder (nhà sáng lập).

“Kiến thức được truyền đạt ở Việt Nam không thua kém quá xa so với Mỹ”

Đâu là lợi thế hay điều gì đã vực bạn dậy sau thất bại? Hình như bạn có một xuất phát điểm tương đối ổn và trong một gia đình tương đối có điều kiện…

Gia đình mình tuy không nghèo nhưng cũng không phải quá khá giả.

Từ lúc làm startup, mình chủ yếu phải tự đứng trên đôi chân của mình. Động lực lớn nhất kéo mình dậy sau khi thất bại chính là từ sự quan tâm của anh em đồng đội.

Khi một startup thất bại, tất cả sẽ nhìn về người thủ lĩnh. Nếu thủ lĩnh đứng dậy kịp thời, vực dậy anh em thì đội ngũ đó còn có thể đi tiếp. Nếu người thủ lĩnh buồn chán quá lâu, các anh em theo sau sẽ dần mất động lực.

Khi mình bắt đầu đi, anh em đều đi theo vì có chung một giấc mơ, và trên con đường đạt đến giấc mơ thì có vấp ngã vài lần cũng không phải vấn đề lớn.

Bạn học tại Mỹ, từng có những trải nghiệm công việc tại cả Mỹ và Việt Nam. Bạn đánh giá sao về môi trường làm việc và sự năng động của giới trẻ giữa hai nước? Đâu là điểm mà chúng ta (Việt Nam) cần cải thiện?

Các bạn Mỹ ngay từ khi còn là sinh viên đã có một tinh thần tự giác và khả năng nghiên cứu độc lập rất cao. Đây là điều mà số ít các bạn Việt Nam có.

Các bạn sinh viên hay mới ra trường ở Mỹ đều có mục tiêu khá rõ ràng cho lộ trình 5 năm, 10 năm hay mục tiêu xa của cuộc đời.

Khôi Nguyễn qua năm tháng. (Ảnh: NVCC)

Những bạn sinh viên và những người mới ra trường ở Việt Nam hầu hết đều không trả lời được câu hỏi: “Bạn muốn trở thành người như thế nào trong 5 năm tới?”.

Kiến thức được truyền đạt ở Việt Nam không thua kém quá xa so với Mỹ, nhưng môi trường để các bạn có thể nghiên cứu, trải nghiệm thì rất thiếu.

Thần tượng Bill Gates

Chúng ta đang nói về starup. Vậy, bạn có thể định nghĩa một cách ngắn gọn về starup. Tôi có cảm giác startup đang trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Bạn có nghĩ đây là một điều hay? Theo bạn, người trẻ có nên đi làm thuê trước hay khởi nghiệp luôn; Và môi trường hiện tại của Việt Nam đã sẵn sàng cho trào lưu này?

Khác với đa số các cao thủ khác trong làng startup nghĩ đây là trào lưu, tôi nghĩ là trào lưu này còn chưa đủ mạnh ở Việt Nam.

Tôi cho rằng hãy để tự nhiên chọn lọc các bạn, để cho các bạn vấp ngã. Các bạn vấp ngã càng đau thì sẽ càng học được nhanh, tài sản thời gian của các bạn còn rất nhiều.

Chính những bài “cảnh tỉnh” doạ dẫm giới trẻ về sự khốc liệt của startup sẽ càng làm cho các bạn trẻ rúm ró ở trong vùng an toàn, và không dám vươn ra làm những thứ đột phá.

Startup nếu là trào lưu, tôi nghĩ đây là trào lưu tuyệt vời nhất trong các bạn trẻ.

Tất nhiên, startup không phải con đường duy nhất, và các bạn startup không phải là giỏi hơn các bạn đi làm thuê.

Nhân vật nào của Việt Nam và nhân vật nào của thế giới là một hình tượng starup mà bạn ngưỡng mộ và hướng tới?

Ở Việt Nam có 2 người mình ngưỡng mộ nhất đều là các “sư phụ” của mình ở Topica là anh Phạm Minh Tuấn và anh Dương Hữu Quang.

Người thứ nhất có lẽ đa phần giới startup ở Việt Nam sẽ biết, và là người đã truyền lửa cho mình khi bước chân vào lĩnh vực.

Người thứ 2 là người thực sự đã giúp mình thay đổi tư duy khi làm khởi nghiệp, và là người đã dạy dỗ mình những bước đầu tiên khi làm khởi nghiệp.

Trên thế giới, mình thích hình tượng của Bill Gates.

“Kinh tế chia sẻ” - Câu chuyện từ WeFit

Bây giờ hãy nói đến WeFit, cơ duyên nào đã đưa bạn đến với ý tưởng này?

Ý tưởng WeFit cũng khá tình cờ, xuất phát từ cả nhu cầu cá nhân và việc nghiên cứu các mô hình thành công trên thế giới.

Hiện tại, rất nhiều startup đang hướng tới mô hình “kinh tế chia sẻ” sau thành công của Uber và Airbnb, nhưng không phải concept này áp dụng vào ngành nào cũng được, và trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bọn mình nghĩ là có một mô hình đã được chứng minh là WeFit.

Mình trước nay luôn muôn làm những ngành có tạo giá trị cho nhiều người, và mang tính nhân văn, nên sau giáo dục, mình chọn chăm sóc sức khoẻ.

Bạn vừa nói đến “kinh tế chia sẻ”. Vậy nên hiểu sao về thuật ngữ này nhỉ?

Cách hiểu đơn giản của mình là hiện tại trong xã hội có rất nhiều nguồn lực dư thừa đang bị lãng phí, ví dụ như chiếc xe cá nhân của Uber, hay chính căn nhà của bạn với AirBnB.

Bọn mình tìm thấy được sự dư thừa này trong không gian và thời gian của các phòng tập gym, các lớp học fitness truyền thống.

Gọi vốn cho WeFit

Kết quả phát triển dự án này của các bạn thế nào rồi? Đâu là vấn đề mà bạn chưa cảm thấy hài lòng và muốn hoàn thiện hơn cho WeFit?

Với startup, bọn mình luôn muốn cải thiện hàng ngày. Từ sản phẩm, chất lượng dịch vụ tới các quy trình bán hàng, thanh toán, và các hệ thống hỗ trợ đối tác.

Tất cả mọi thứ đều vẫn chỉ ở bước khởi đầu của WeFit.

Khôi Nguyễn bày tỏ mong muốn gọi vốn cho WeFit. (Ảnh: WeFit)

Sau khoảng 7 tháng hoạt động, WeFit đã hợp tác được với trên 300 phòng tập trên cả nước (Hà Nội và Hồ Chí Minh), và cũng phục vụ hàng ngàn khách hàng ở cả 2 miền.

Trong thời gian tới, WeFit sẽ phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ được nhiều người hơn nữa

Bạn có định gọi vốn đầu tư cho WeFit?

Hiện tại WeFit vẫn tiếp tục gọi vốn để có thể phát triển nhanh hơn nữa, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng và tiếp tục hợp tác với nhiều đơn vị hơn nữa.

Tất cả những việc này đều cần có thêm đầu tư.

Đặc biệt, bọn mình muốn tập trung phục vụ thị trường Việt Nam bằng việc tăng các trải nghiệm về chất lượng dịch vụ, nên sẽ cần một lượng đầu tư mới.

Cảm ơn bạn về buổi trao đổi. Chúc bạn và team ngày càng thành công hơn!