CEO Big Tech tại phiên điều trần sau vụ bạo loạn Đồi Capitol: Kiếm tiền hay nước Mỹ quan trọng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn Đồi Capitol hồi đầu năm, CEO Facebook, Google và Twitter xuất hiện trước Quốc hội Mỹ để trả lời câu hỏi liên quan đến nền tảng xã hội của họ. 
CEO Twitter, Google và Facebook (từ trái qua phải) điều trần trước Quốc hội Mỹ.
CEO Twitter, Google và Facebook (từ trái qua phải) điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Vào ngày 26/3, CEO của Facebook, Google và Twitter đã tham dự phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ để trả lời các vấn đề liên quan đến nền tảng của họ. Đây là lần đầu tiên họ xuất hiện trước Quốc hội Mỹ kể từ khi vụ bạo loạn Đồi Capitol.

Phiên điều trần do hai tiểu ban thuộc Hội đồng Thương mại và Năng lượng Hạ viện phối hợp tổ chức. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Google Alphabet, Sundar Pichai và Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã tham dự phiên điều trần.

Việc lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử năm 2020 ở Hoa Kỳ và các chủ đề khác đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa các công ty công nghệ và các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Trong phiên điều trần kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, các thành viên Quốc hội liên tục ngắt lời 3 CEO và yêu cầu họ trực tiếp trả lời câu hỏi của mình, trả lời có hoặc không.

Mike Doyle, Chủ tịch ban Công nghệ và Truyền thông Hạ viện Hoa Kỳ, phát biểu tại lễ khai mạc phiên điều trần: "Bạn có khả năng kỹ thuật, nhưng hết lần này đến lần khác, việc thu hút sự tham gia của người dùng và tạo ra lợi nhuận quan trọng hơn việc đảm bảo sức khỏe người dùng và sự an toàn của đất nước".

Sau đây là những điểm chính của phiên điều trần

1. Ảnh hưởng của mạng xã hội với trẻ em

Các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em. Đại diện Bill Johnson, đảng Cộng hòa của Ohio, cho biết: "Các công ty công nghệ lớn về cơ bản đưa cho con cái chúng ta một điếu thuốc đã châm lửa, hy vọng rằng chúng sẽ nghiện nó suốt đời".

Instagram thuộc sở hữu của Facebook quy định người dùng phải ít nhất 13 tuổi, nhưng công ty đang phát triển phiên bản dành cho trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Đồng thời, Facebook cũng đã có ứng dụng Facebook Messenger và YouTube dành cho trẻ em.

Zuckerberg bác bỏ cáo buộc rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em. "Nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện cho thấy việc sử dụng các ứng dụng xã hội để kết nối với người khác là tốt cho sức khỏe" - ông nói. Nhưng ông thừa nhận rằng, vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết, bao gồm "làm thế nào để trẻ em không bị nghiện mạng xã hội".

Khi được hỏi liệu Google có nghiên cứu tác động của các sản phẩm đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em hay không, Pichai thông báo công ty đã tham khảo ý kiến với các chuyên gia, bao gồm cả các tổ chức sức khỏe tâm thần. Ông nói thêm rằng YouTube đang làm việc với các đối tác để quản lý nội dung cho trẻ em và ra mắt các video về khoa học và phim hoạt hình.

Bộ ba công ty công nghệ: Google - Facebook - Twitter
Bộ ba công ty công nghệ: Google - Facebook - Twitter

2. Có nên sửa đổi Điều 230 Đạo luật chuẩn mực truyền thông

Điều 230 bảo vệ bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng. Ngành công nghệ từ lâu đã coi Điều 230 là tấm khiên quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi "quyền lực mềm" của các công ty Internet đã tăng lên đáng kể.

Facebook trả lời rằng Điều 230 nên được viết lại để cho phép các công ty miễn trừ trách nhiệm với nội dung của người dùng chỉ khi nào họ thực hiện những biện pháp tốt nhất để loại bỏ thông tin độc hại.

Dù lo lắng rằng việc sửa đổi hoặc bãi bỏ Điều 230 có thể khiến việc xem xét nội dung trở nên khó khăn hơn hoặc làm tổn hại đến quyền tự do ngôn luận, Pichai và Dorsey đồng ý với một số đề xuất của Facebook.

3. Trách nhiệm các mạng xã hội trong vụ bạo loạn Đồi Capitol

Ba giám đốc điều hành đã được hỏi về vai trò của các nền tảng của họ trong cuộc tấn công vào Điện Capitol hồi tháng 1. Sau cuộc tấn công, tất cả các nền tảng đã xóa hoặc cấm cựu tổng thống Trump đưa ra những nhận xét mang tính kích động.

Các nhà lập pháp tra vấn về vai trò của mạng xã hội trong việc kích động bạo lực.
Các nhà lập pháp tra vấn về vai trò của mạng xã hội trong việc kích động bạo lực.

Zuckerberg nói rằng, Facebook đã cố gắng xóa các bài đăng có thể dẫn đến bạo lực và hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật để xác định danh tính của đám đông. Tuy nhiên, ông đã hạ thấp vai trò của Facebook trong vụ việc này.

Pichai nói rằng việc phổ biến thông tin sai lệch trên Internet là "một thách thức to lớn". Ông cũng nói rằng trước khi xảy ra bạo loạn, YouTube đã xóa hàng nghìn video vi phạm các quy tắc và khẳng định công ty có các chính sách rõ ràng và thực hiện chúng một cách kiên quyết.

Dorsey trả lời rằng, Twitter đang làm việc chăm chỉ để xóa các bài đăng vi phạm và cố gắng không khuếch đại thông tin sai lệch. Ông nói: "Mặc dù không có dấu hiệu trước cho thấy điều này sẽ xảy ra, chúng tôi vẫn phản hồi rất nhanh". Khi được hỏi liệu các nền tảng này có phải chịu trách nhiệm về việc phổ biến thông tin sai lệch dẫn đến cuộc tấn công vào Điện Capitol hay không, ba CEO đều trả lời không rõ ràng.

4. Việc có thành kiến với phe bảo thủ

Ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chưa bị ứng dụng này xóa. Ảnh: AFP
Ảnh chụp màn hình tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chưa bị ứng dụng này xóa. Ảnh: AFP

Nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đặt câu hỏi liệu các mạng xã hội có thành kiến chống phe bảo thủ hay không, Zuckerberg, Pichai và Dorsey đều bác bỏ. Đồng thời, ba vị CEO đều nói rằng họ không xem xét ảnh hưởng của các yếu tố chính trị khi thực hiện các chính sách.

Trước đó, Facebook, Twitter quyết định đình chỉ tài khoản ông Trump vào những ngày cuối nhiệm kỳ của ông. Nhiều người cho rằng hành động đó là "bóp nghẹt" tiếng nói từ phe bảo thủ.

Đáp lại câu hỏi, Zuckerberg nói rằng đôi khi phần mềm trí tuệ nhân tạo của công ty không phải lúc nào cũng chính xác. Ông nói: "Chúng tôi cần xây dựng hệ thống đánh giá nội dung bằng 150 ngôn ngữ trên thế giới và chúng tôi cần thực hiện việc này nhanh chóng. Thật không may, chúng tôi đã mắc một số sai lầm khi cố gắng thực hiện việc này một cách nhanh chóng và hiệu quả".

Theo NetEase