I. Đô Thị Hiện Đại (ĐTHĐ) và Đô Thị Thông Minh (ĐTTM)
Gần đây, nhiều lãnh đạo cả trung ương và địa phương đã nói về xây dựng các TPTM (hoặc ĐTTM). Chúng ta sẽ sử dụng 2 thuật ngữ TPTM và ĐTTM như 2 thuật ngữ tương đương. Giới học giả, lãnh đạo vài quốc gia và một số thành phố trên thế giới thì bắt đầu nói về các TPTM từ khoảng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, chúng ta thấy khá nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng đề án TPTM / ĐTTM. Đó là Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP HCM, Cần Thơ, Kiên Giang (huyện đảo Phú Quốc, Lâm Đồng (TP Đà Lạt), Bình Dương, Thanh Hóa (TP Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn), Hải Phòng, …
Cách đây ít năm khi bắt đầu nghe về TPTM trên thế giới thì chúng ta đều bỡ ngỡ, cho rằng có lẽ lại là một “thuật ngữ triết học” mới như kiểu “thế giới phẳng”, “cách mạng công nghiệp 4.0”…. Nhưng rồi khi mà trào lưu này đổ bộ vào Việt Nam với hàng chục đề án cho cả đại đô thị và cả các mini, micro đô thị, và nhất là khi được nghe vài diễn giả nói đại ý rằng xây dựng được TP HCM thông minh thì sẽ hết ngập, hết tắc đường, hết mất an toàn thực phẩm,…thì chúng ta đều thấy phải nhanh chóng tìm cách hiểu về các TPTM với những “phép mầu” khó tin của nó.
Theo những thông tin có được thì đến nay, trên thế giới dường như chưa TP nào đã được xem là TPTM dù rằng các Thành Phố Hiện đại (TPHĐ) thì rất nhiều. Những Paris, London, New York, Canberra, … từ lâu đã rất hiện đại. Tuy nhiên, chỉ ít năm trở lại đây một số các TPHĐ (và cả một số các thành phố chưa hiện đại như Cancutta Ấn Độ,…) mới đề xuất các ý tưởng hay kế hoạch từng bước xây dựng thành các TPTM.
Để tiếp cận khái niệm TPTM, chúng tôi đã đặt ra cho mình 3 câu hỏi, rồi gắng tự giải đáp. Những câu hỏi đó là:
1. Thành Phố Thông Minh khác gì Thành Phố Hiện đại?
2. Những TP chưa hiện đại có thể xây dựng thành TPTM được không?
3. Các tiến trình hiện đại hóa và thông minh hóa một thành phố thực chất là một hay là hai tiến trình song song?
Giải đáp được những câu hỏi đó, hy vọng sẽ có lời giải cho những câu hỏi cơ bản hơn, đó là: TPTM là gì? Cụ thể hơn là: Cấu trúc cơ bản của một TPTM gồm những gì? Để tạo nên cấu trúc đó thì chúng ta phải làm những việc gì, làm như thế nào, tốn kém ra sao, và cuối cùng thì người dân được gì trong những TPTM ấy? Phải chăng dân TP HCM sẽ hết lo ngập úng, hết lo ách tắc giao thông, hết lo nạn thực phẩm bẩn, … như VTV1 đã giới thiệu về đề án TP HCM thông minh trên chương trình 24h, 18h30 chiều 18/08/2017? Có lẽ không phải như vậy.
Trong một phiên bản của dự thảo đề án xây dựng TP HCM thành TPTM, nhóm tư vấn viết rằng: Đề án chọn định nghĩa của tổ chức International Telecommunication Group xây dựng trên cơ sở nghiên cứu gần 100 định nghĩa về ĐTTM trên thế giới: “Một ĐTTM bền vững là một thành phố sáng tạo, sử dụng các CNTT và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ đô thị, và năng lực cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mặt kinh tế, xã hội và môi trường”
Với định nghĩa này dường như mọi đô thị đều là ĐTTM vì rằng TP nào mà chẳng “sử dụng các CNTT và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống”!
Xin trích thêm một định nghĩa có thể là dễ hiểu hơn về TPTM.
Washburn, D., trong “Helping CIOs Understand “Smart City (Trợ giúp các Giám Đốc Thông Tin hiểu TPTM)” cho rằng “Thành phố thông minh là sử dụng các công nghệ máy tính thông minh để tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt và dịch vụ của một thành phố - bao gồm quản trị thành phố, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh cộng đồng, xây dựng, giao thông và các tiện ích khác… một cách thông minh, thông suốt và hiệu quả”. Định nghĩa TPTM này của Washburn giúp ta một cách tiếp cận đến cấu trúc cụ thể của một TPTM khi nhấn mạnh 2 ý quan trọng: “sử dụng các công nghệ máy tính thông minh” và “tạo ra một cơ sở hạ tầng then chốt”. Nói như vậy tức là có những ứng dụng CNTT không trực tiếp góp vào việc biến một TP thành TPTM dù rằng mọi ứng dụng CNTT tốt đều mang lại những thay đổi tích cực trong các hoạt động của xã hội, hơn thế nữa những ứng dụng CNTT mà Washburn gọi là thông minh sẽ tạo ra một thứ hạ tầng then chốt mới cho TP để nó trở nên TPTM.
Như vậy, thêm vào 3 câu hỏi trên là câu hỏi thứ 4: Phải chăng có những loại ứng dụng CNTT góp phần trực tiếp và quan trọng xây nên một loại hạ tầng then chốt mới cho TP để biến nó từ một TP truyền thống thành TPTM? Nếu đúng vậy thì đó là những loại ứng dụng CNTT nào, đó là hạ tầng gì, kiến tạo nó như thế nào?
Trả lời 4 câu hỏi trên xin tham khảo loạt bài “Đi tìm một định nghĩa có cấu trúc cho ĐTTM” (tạp chí Thế giới vi tính các số 4, 5, 6, 7 /2017) và loạt bài về TPTM (tạp chí STINFO các số 5, 6, 7 / 2017).
Trên thế giới đã hình thành hàng vạn đô thị, trong đó có hàng ngàn các ĐTHĐ đủ mọi quy mô.
Mọi đô thị dù là hiện đại hay chưa, dù là thông minh hay chưa thì đều phải có hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ bao gồm 6 nhóm chủ yếu sau:
1. Quy hoạch bền vững.
2. Hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện.
3. Điện – năng lượng – chiếu sáng, cấp – thoát nước đầy đủ và ổn định.
4. Viễn thông – thông tin liên lạc thông suốt.
5. Hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh,…hiệu quả.
6. Hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm.
Nếu 6 hệ thống kỹ thuật – dịch vụ trên là hoàn thiện thì đô thị được xem là ĐTHĐ. Ta tạm xem đây là mô tả ĐTHĐ theo nghĩa cổ điển. Cho đến những năm 90 thế kỷ trước thì phần lớn thủ đô và nhiều thành phố khác ở các quốc gia tiên tiến đều đã là các đô thị hiện đại, cỡ lớn như Washigton D.C, Moskva, Paris, Tokyo, London,… , cỡ vừa như Ottawa, Helsinki hay cỡ nhỏ như Canberra, Praha, …Việt Nam chưa có ĐTHĐ. Chẳng hạn về yêu cầu “Hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện” của một ĐTHĐ là mỗi km2 đô thị phải có khoảng 10km đường giao thông. Hiện nay TP HCM mới chỉ có 1,98km/km2 (năm 2011 là 1,45km/km2), chưa đạt đến 20% chuẩn hiện đại, Hà Nội thì cũng mới đạt 3km/10km2.
ĐTTM thì khác một ĐTHĐ (theo nghĩa cổ điển).
II. Xây dựng TPTM là một phần của hoạt động triển khai rộng rãi ứng dụng CNTT trong một thành phố
Trước khi kết luận về cấu trúc của TPTM, chúng ta cần bàn thêm về một xu hướng suy nghĩ hiện nay. Đó là việc hiện có một số người đồng nhất việc triển khai rộng rãi ứng dụng CNTT trong một thành phố với việc xây dựng nó thành TPTM.
Suy nghĩ đó hợp lý đến mức nào?
Ứng dụng CNTT bắt đầu từ khi có máy tính điện tử, tức khoảng những năm 50 của thế kỷ 20.
Nói chung mọi ứng dụng CNTT vào hệ thống nào đó đều làm cho hệ thống đó hoạt động hiệu quả hơn. Có người cho rằng như vậy là hệ thống trở nên thông minh hơn. Quan niệm như vậy cơ bản là đúng. CNTT mang lại cho chúng ta năng suất, chất lượng mới, thậm chí cả hình thái xã hội mới, như một luận điểm quen thuộc là công cụ lao động quyết định quan hệ sản xuất và đó là nền tảng của chế độ xã hội. Loài người đã bước qua kỷ nguyên “điện khí hóa”. Quốc gia nào bước vào kỷ nguyên “thông tin hóa” hay “thông minh hóa” thì chế độ xã hội ở đó là tiên tiến.
Tuy nhiên coi việc ứng dụng CNTT – TT trong các hoạt động tại một đô thị đồng nghĩa với việc xây dựng đô thị đó thành ĐTTM thì lại chưa hoàn toàn chính xác.
Trong các bài viết về TPTM trên Tạp chí Thế giới vi tính và STINFO, chúng tôi đã trình bày về các Hệ Thống Thông Minh (HTTM), đóng vai trò như những Viên Gạch Thông Minh (VGTM) để xây nên tòa lâu đài TPTM. Những HTTM / VGTM đều là những ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, không phải mọi ứng dụng CNTT đều tạo ra được VGTM. Làm ra những VGTM là một loại hình ứng dụng CNTT khá đặc biệt, với những đặc trưng và cấu trúc mà không phải mọi ứng dụng CNTT đều phải có.
Trong thực tế, có 3 nhóm các ứng dụng CNTT mà chúng ta cần làm, đang làm và sẽ làm song song, đó là:
1. Những ứng dụng CNTT nhằm kiến tạo hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thứ 7, tức hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin cho toàn thể cư dân thành phố, hoặc hẹp hơn là cho một nhóm đông cư dân nào đó hay rộng hơn là cho cư dân cả một vùng hay toàn quốc.
2. Những ứng dụng CNTT nhằm xây nên một số các HTTM, giải quyết các yêu cầu cụ thể cho một nhóm thành phần xã hội nào đó. Có thể coi đó là những HTTM chuyên dụng. Những HTTM này nếu ghép vào hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thứ 7 cho toàn thành phố thì cũng không hoàn toàn sai. Tuy nhiên, do hạ tầng thứ 7 này có mục tiêu cho toàn dân nên nó phải có cấu trúc bắt buộc để kết nối, còn những HTTM chuyên dụng thì có thể không nhất thiết phải tuân thủ các quy định bắt buộc để kết nối. Có các HTTM chuyên dụng có thể không trực tiếp giao tiếp với người dân nhưng mục tiêu vẫn là mang lại lợi ích cao hơn cho người dân. Chẳng hạn, 2 trong số 5 HTTM của Canberra thông minh giai đoạn 2016 – 2020 là thuộc loại này. Đó là dự án hệ thống đèn đường thông minh và dự án hệ thống năng lượng tái tạo 100% vào năm 2020. Có thể hình dung đây là các HTTM không trực tiếp đảm bảo thông tin cho người dân mà là đảm bảo thông tin cho hệ thống máy móc – công nghệ. Hiệu quả hoạt động của chúng sẽ mang lại các lợi ích lớn cho người dân nhờ tiết giảm chi phí xã hội, nhờ bảo vệ tốt môi trường đô thị,…, nhưng đó không trực tiếp là thông tin.
3. Những ứng dụng CNTT khác như ứng dụng cá nhân, ứng dụng cho các nghiệp vụ quản lý doanh nghiệp, vận hành những quy trình hành chính, trong các quy trình sản xuất, chế tạo,….. Chúng đều cho ta hiệu quả nhưng không nhất thiết phải là những HTTM dù rằng hiệu quả về năng suất, chất lượng là luôn có.
Xây dựng ĐTTM là triển khai đồng bộ một số các ứng dụng CNTT khá đặc biệt chứ không phải mọi thứ ứng dụng CNTT có thể có. Còn luận điểm cho rằng ứng dụng CNTT làm chúng ta hành xử thông minh hơn thì không sai. Nó giống như học tập giúp con người thông minh hơn nhưng học để tốt nghiệp đại học thì là một phần của cuộc đời học tập, có yêu cầu rõ rệt cho từng năm, có những cuộc thi, có luận văn phải làm.
Một vài đề án về ĐTTM hiện nay không phân biệt được các loại ứng dụng CNTT, làm cho người ta nghĩ rằng ứng dụng CNTT khắp nơi chính là xây dựng TPTM. Quan điểm này là chưa hoàn chỉnh. Giới lãnh đạo các TP sẽ hiểu sai việc nên làm, cần làm và có thể làm để tạo nên TPTM. Tương tự như nói rằng cứ làm thật nhiều đường thì sẽ có hạ tầng giao thông đô thị hiện đại! Rõ ràng không phải là như vậy.
Xây dựng TPTM là tập trung triển khai 2 nhóm dự án phát triển ứng dụng CNTT.
Nhóm 1 (nhóm khuyến khích phát triển, nhưng không bắt buộc):
Những ứng dụng CNTT nhằm xây nên một số các HTTM giải quyết các yêu cầu cụ thể cho một nhóm thành phần xã hội nào đó. Những HTTM chuyên dụng này có thể đứng riêng biệt, không nhất thiết phải tuân thủ các quy định bắt buộc để kết nối vào hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thứ 7.
Các HTTM chuyên dụng chỉ nên làm với các hệ thống không phục vụ thông tin trực tiếp cho người dân. Các HTTM loại này triển khai tương đối dễ dàng xét trên góc độ ứng dụng CNTT – TT.
Nhóm 2 (nhóm buộc phải có):
Những ứng dụng CNTT nhằm kiến tạo hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin cho toàn thể cư dân thành phố (hoặc một nhóm cư dân xác định nào đó). Đây là công việc rất phức tạp. Việc không thể thành công nếu thiếu một Kiến Trúc Sư Thông Tin (mà trong CNTT hay gọi là CIO) suất sắc.
Tới đây chúng ta có thể kết luận về CẤU TRÚC ĐÔ THỊ THÔNG MINH.
Một ĐTTM trước hết phải là một đô thị tương đối hoàn chỉnh, có thể chưa thật hiện đại. Nhưng nó phải có các đặc trưng mới là 2 mảng thông minh cơ bản (mà Đô Thị Hiện Đại có thể chưa có):
• Một là một hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin cho toàn thể cư dân thành phố (có thể gọi là hạ tầng thứ 7 cho một đô thị), bao gồm nhiều HTTM được kết nối chặt chẽ. Hạ tầng này là nhà tư vấn “thông minh”, luôn có thể “mách bảo” những thông tin tin cậy cho người dân để họ có thể lựa chọn cách giải quyết công việc một cách hiệu quả. Người dân sẽ dùng thông tin do hạ tầng này cung cấp và trả tiền như dùng điện, nước (kiểu dự án Smart parking: là một nỗ lực giúp lái xe trong Canberra tiết giảm thời gian lưu thông khi tìm chỗ đỗ xe). Mọi thành phần xã hội có thể “bán” thông tin cho hệ thống này (như các cơ sở điện mặt trời có thể bán điện cho hệ thống điện). Nhà nước có thể chỉ tạo ra mội trường kết nối (kiểu dự án CBRfree public WiFi: cung cấp WiFi miễn phí cho toàn thể cư dân Canberra với lượng truy nhập hàng ngày tới 250 megabytes) và một số loại thông tin ban đầu, rất hạn chế (kiểu các dự án The digital backpack: cung cấp cổng thông tin đảm bảo việc học trực tuyến cho sinh viên Canberra).
• Hai là một tập hợp các HTTM chuyên dụng, đứng độc lập, tạo nên những lợi ích vất chất, tinh thần cho toàn thể hoặc một công đồng đáng kể người dân khi hệ thống vận hành. Những hệ thống này thường là những hệ thống kỹ thuật trong hoạt động của đô thị. Thí dụ đó là các dự án Smart street lights: hệ thống chiếu sáng đường phố Canberra nhằm tiết kiệm nhờ quan sát môi trường hay dự án Renewable energy by 2020: tới 2020, Canberra sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo để cấp điện
Trong 2 nội dung trên thì nội dung chủ yếu là xây dựng hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin cho toàn thể cư dân thành phố còn việc xây dựng các HTTM chuyên dụng, nhất là các hệ thống thuần túy kỹ thuật – công nghệ thì tương đối đơn giản, có thể triển khai không quá khó khăn khi có nhu cầu.
III. Những việc chính cần làm để xây dựng một TPTM
Để xây dựng TPTM thì 5 việc chính phải làm là:
1. Xác định những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền như điện, nước, thu gom rác,…Hiện chúng ta thấy rau quả sạch và không sạch lẫn lộn tràn lan. Thông tin chân thực, sạch sẽ thì còn lẫn lộn dữ hơn trong biển thông tin mênh mông. Hạ tầng thứ 7 của TPTM không thể là mọi thứ thông tin, còn việc lựa chọn để có được sự mách bảo khôn ngoan, để mà hành động hiệu quả hơn thì để người dân tự ngụp lặn trong biển thông tin đó! TPTM phải có hạ tầng thứ 7 nghiêm chỉnh như lưới điện 220 volt mà các nhà kỹ thuật mất bao nhiêu công sức mới đi đến chuẩn mực này, nhằm cung cấp cho người dân dạng năng lượng điện cơ bản. Thông tin thì chắc chắn phức tạp hơn vì nó cho người dân tri thức để quyết định, trong khi hệ thống điện chỉ cung cấp một sản phẩm chính là dòng điện, dù rất quý nhưng đơn điệu và cứng nhắc! Các nhà lãnh đạo Canberra bước đầu xác định 2 thứ thông tin mà thành phố sẽ cung cấp cho người dân trước năm 2020. Đó là chỗ đậu xe còn trống, khả dụng và thông tin phục vụ sinh viên học tập. Chắc chắn họ không dừng ở đó. Để thiết kế được khung thông tin cơ bản cho chương trình kiến tạo TPTM, chẳng hạn cho TP HCM, thì không cách nào tốt hơn là nghiên cứu mục tiêu thông tin của các dự án TPTM của những thành phố đã đi trước chúng ta. Chúng ta không thể vội vàng, không nên tự nghĩ ra những mục tiêu thông tin mà cần học tập những người đi trước. Tiếp đến là sự tổng hợp dễ hiểu về những khả năng thông tin đó và lấy ý kiến người dân xem họ có sẵn sàng trả tiền thông tin như tiền điện hay không. Quá trình tích lũy những nguồn tin rất căn bản cho toàn thể người dân chắc chắn là quá trình có những hiệu chỉnh và phát triển liên tục.
2. Tạo lập môi trường cho TPTM. Có 2 nhóm môi trường cơ bản cần cho sự vận hành TPTM. Một là môi trường công nghệ mà chủ yếu là giải quyết vấn đề kết nối. Việc này giải quyết không khó khăn. Một phần của việc này trong chương trình Canberra thông minh là dự án CBRfree public WiFi như đã nói trên. Nhóm thứ 2 là môi trường xã hội. Đây là vấn đề rất phức tạp mà các đề xuất về xây dựng TPTM chúng tôi tiếp cận được nói chung chưa đánh giá đúng. Những đề xuất này thường chỉ thấy vấn đề môi trường công nghệ. Mỗi HTTM khi vận hành nói chung sẽ tác động rất lớn đến nhiều cấu trúc xã hội, đòi hỏi môi trường thích hợp về luật pháp, về đạo đức, về trình độ dân trí,…. Chúng ta có thể thấy vấn đề này qua một ví dụ rất nhỏ vể chủ trương liên thông các kết quả xét nghiệm tại các bệnh viện mà Bộ Y Tế đang cho thử nghiệm, một điểm quan trọng trong hệ thống y tế thông minh nhưng không dễ triển khai.
3. Kiến tạo hệ thống các CSDL dùng chung, tức xây dựng nguồn lực thông tin. Ở đây cũng có 2 nhóm công việc chủ yếu. Chúng ta hãy hình dung rằng việc này là xây một cái chợ thông tin rất nhiều loại hàng hóa. Việc thứ nhất là xây chợ, một khu chợ đầu mối về thông tin. Chợ thực phẩm đầu mối như chợ Bình Điền tại TP HCM thì xây nó không quá khó nhưng cũng không dễ. Dù sao thì chúng ta đã làm khá nhiều chợ cho những loại hàng hóa hữu hình, cả chợ trên mạng. Còn xây chợ đầu mối thông tin thì là việc không dễ và CNTT Việt Nam chưa từng làm việc này. Dù sao thì đây là việc mà các công ty phần mềm có thể làm được. Trong một vài đề xuất về TPTM chúng ta có thấy vấn đề này được nêu nhưng giải pháp còn quá sơ sài. Việc thứ 2 khó hơn, tốn kém hơn về mọi mặt là tích tụ “hàng hóa thông tin” sẽ được mua – bán qua chợ. Các suy nghĩ phổ biến hiện nay là nguồn lực thông tin này sẽ ít có, thậm chí không có sự tham gia của tư nhân, giống như năng lượng điện trong thời gian dài là do nhà nước đầu tư. Đã qua rồi cách tư duy đó. Chợ thông tin cũng vậy. Phải xã hội hóa, thậm chí mọi thành phần sử dụng thông tin cũng có thể đóng góp thông tin theo những quy định của hệ thống. Đây là một vấn đề lớn cần nghiên cứu và giải quyết. Chỉ có như vậy tri thức (tức nguồn thông tin được tích lũy cho TPTM) mới có thể được phát triển phong phú. Ngươc lại, nếu chỉ có nhà nước đổ thông tin vào đó thì ngôi chợ có thể hoành tráng ban đầu nhưng chắc chắn sẽ sớm trở nên trống rỗng hoặc chỉ đầy các món hàng ế ẩm. Kết quả là tri thức của cái TPTM đó sẽ trở về zero và sẽ không còn thông minh nữa!
4. Kiến tạo cơ chế suy luận, tìm kiếm, phân tích thông tin theo yêu cầu. Khoa học này chúng ta còn rất ít trải nghiệm. Sức mạnh của Big Data và phân tích, khai thác nó là nền tảng sức mạnh của các hệ thống như Facebook, Twitter,…Chưa đề xuất nào về TPTM của ta nói về vấn đề này. Không giải quyết tốt vấn đề này thì có thể vẫn có nhiều thông tin trong chợ (kho Data rất Big!) nhưng là cái đầu to, không biết nghĩ! Hy vọng rằng những công cụ tìm kiếm, phân tích thông tin sẽ được chú ý thích đáng khi các đề án TPTM khởi động.
5. Chế tạo những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng xài được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng. Cái mà người ta hay nói đến là các thiết bị cá nhân thông minh (Personal Smart Devices), chẳng hạn điện thoại thông minh khá phổ biến nhưng còn chưa thật dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, một phần vì giá, nhưng phần khác có lẽ quan trọng hơn là quá nhiều chủng loại và sử dụng không đơn giản cho số khá đông người dân. Một thiết bị thông minh giản dị, giá chừng vài triệu đồng, giúp mọi người đi “chợ thông tin” thoải mái, chọn mua thông tin dễ dàng là thứ có lẽ sẽ có thị trường không nhỏ với nhiều các TPTM sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Như một case tham khảo, chúng ta nên nghiên cứu kỹ giai đoạn 5 năm đầu xây dựng TPTM Canberra, thủ đô của Úc 2016 - 2020. Canberra rộng khoảng 800 Km2, với dân số khoảng 400.000 người. Có thể xem Canberra là ĐTHĐ từ khoảng 1990 với những hệ thống hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ rất chuẩn mực. Tuy nhiên đến năm 2016, tức gần 30 năm sau khi đã là ĐTHĐ, Canberra mới triển khai chương trình đưa Canberra dần thành TPTM với 5 dự án chính đầu tiên cho giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm:
• CBRfree public WiFi: cung cấp WiFi miễn phí cho toàn thể cư dân Canberra với lượng truy nhập hàng ngày tới 250 megabyte.
• Smart parking: là một nỗ lực giúp người dùng tiết giảm thời gian lưu thông khi tìm chỗ đỗ xe.
• Smart street lights: hệ thống chiếu sáng đường phố tiết kiệm năng lượng nhờ quan sát môi trường.
• Renewable energy by 2020: tới 2020, Canberra sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo để cấp điện.
• The digital backpack: cung cấp cổng thông tin đảm bảo việc học trực tuyến cho sinh viên Canberra.
Một thành phố nhỏ, hiện đại từ nhiều thập niên trước, thủ đô của một quốc gia giàu có mà đến tận 2016 mới đề ra chương trình biến mình dần từng bước thành TPTM.
Thế giới đã vượt qua kỷ nguyên điện khí hóa, chúng ta không thể chậm trễ bước vào kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên thông minh, mặt khác kiến tạo một TPTM có gì đó phải rất rất thận trọng.