Theo ông Amitabh Kant, khi nói đến thành phố thông minh thì không chỉ là nói đến phần cơ sở hạ tầng cứng, mà là nói về những con người thông minh
Giám đốc điều hành của NITI Aayog nói, trong vòng 50 năm tới, quá trình đô thị hóa ở Ấn Độ sẽ diễn ra nhanh hơn cả 5. 000 năm qua, vì thế nước này phải đối mặt với thách thức là đảm bảo đô thị hoá bền vững và sáng tạo.
Khởi động từ năm 2015, Sứ mệnh Thành phố thông minh (Smart City Mission) của chính phủ Ấn Độ nhằm tới mục tiêu xây dựng 109 thành phố, nơi đó "cung cấp cơ sở hạ tầng cốt lõi, chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho người dân, môi trường sạch sẽ và bền vững và ứng dụng các giải pháp thông minh".
Để đạt được sứ mệnh này, rất cần phải có những giải pháp thông minh hơn, trong đó sự dịch chuyển hiệu quả và vận tải công cộng đóng vai trò then chốt. Trong hai năm gần đây, chính phủ đã bắt đầu tiến hành công việc tại 90 thành phố thông minh, nói xa hơn một chút, kế hoạch quốc gia đầy tham vọng về 'Thành phố Ngày mai' sẽ trở thành hiện thực thông qua việc kết hợp các chính sách thuận lợi của chính phủ, cơ sở hạ tầng tư nhân và nhận thức của công chúng.
Ban đầu, chính phủ chỉ đưa ra các nguyên tắc rộng rãi về sứ mệnh mà chưa đưa ra cách thức để xác định thế nào là một thành phố thông minh. Tùy thuộc vào sự phát triển của các vùng, nguồn lực, ý thức sẵn sàng thích nghi và cải cách, nguồn nhân lực và khát vọng của người dân, quan điểm về khái niệm thành phố thông minh có thể khác nhau giữa thành phố này với thành phố kia cũng như giữa các quốc gia khác nhau. Vì vậy, một thành phố thông minh ở Ấn Độ, về nhiều khía cạnh sẽ khác với thành phố của Singapore. Ngay cả ở Ấn Độ, các thành phố thông minh có thể có những đặc điểm khác nhau.
Do đó, câu hỏi vẫn còn mở - Ý tưởng của bạn về Thành phố Thông minh của Tương lai và các yếu tố hàng đầu mà các thành phố tương lai cần có là gì?
Nhằm trả lời những câu hỏi này, Amitabh Kant, Giám đốc điều hành NITI Aayog, và Rajendra Rao, Giám đốc điều hành, Ford Smart Mobility, đã tham gia vào một cuộc thảo luận về 'Thành phố Thông minh của Tương lai'. Buổi nói chuyện được điều hành bởi Shereen Bhan, Tổng biên tập của kênh CNBC-TV18.
Cuộc trao đổi sâu sắc này là một trong những điểm nổi bật của hội nghị chuyên đề Thành phố tương lai của Ford, nhằm khám phá những cách thức mới để làm cho thành phố của chúng ta hoạt động tốt hơn trong tương lai thông qua việc sử dụng công nghệ và sự hợp tác sáng tạo giữa khu vực công và tư.
Sự kiện này được tổ chức tại New Delhi vào ngày 20/9/2017 đã tập hợp quan điểm của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà sáng tạo, nhà hoạch định chính sách và các thành viên có những suy nghĩ viển vông thuộc tổ chức TED (Công nghệ, Giải trí, Thiết kế) để chia sẻ những ý tưởng táo bạo về cách tạo ra một ngày mai tốt hơn.
Amitabh Kant - Giám đốc điều hành NITI Aayog (Viện chuyển đổi quốc gia Ấn Độ) nhấn mạnh rằng, các thành phố của Mỹ được xây dựng cho xe hơi, không phải cho người dân. Ông cũng lo ngại rằng nhiều nhà quy hoạch đô thị của các nước đang phát triển lại được đào tạo ở Mỹ.
Ông giải thích rằng, chúng ta đã học được nghệ thuật xây dựng các thành phố loang rộng từ trung tâm, vì thế càng xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, chúng ta càng có nhiều xe hơi hơn. Do đó thách thức sẽ là phải đảo ngược quá trình lập quy hoạch, điều này sẽ giúp tạo ra xe cộ của tương lai: chạy bằng điện, kết nối và chia sẻ người sử dụng.
"Với 100 thành phố thông minh, có rất nhiều xu hướng hướng tới đô thị hóa, nhưng thách thức đối với Ấn Độ là phải có cách đô thị hoá sáng tạo, gọn nhẹ và bền vững", Giám đốc điều hành NITI Aayog nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, người dân cũng đã bắt đầu hướng tới quá trình đô thị hoá nhanh chóng.
Amitabh Kant cho biết tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đang bước vào lĩnh vực quản trị và lần đầu tiên thành phố Maharashtra có một Tổng Bộ trưởng, người từng là thị trưởng thành phố Nagpur trước đó.
"Đột nhiên, chúng ta thấy sự dịch chuyển hoạt động chính trị từ nông thôn ra thành phố, điều này sẽ buộc các thành phố phải thay đổi".
Tìm giải pháp di chuyển hiệu quả
Theo ước tính của NITI Aayog, một sáng kiến của chính phủ tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển và tổ chức phi lợi nhuận Rocky Mountain Institute (RMI), việc nhanh chóng chấp thuận xe điện sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 60 tỷ USD.
Trong một báo cáo có tựa đề Ấn Độ - Bước nhảy vọt: Các giải pháp di động biến đổi cho tất cả mọi người, Aayog dự báo, cho đến năm 2030, Ấn Độ có thể tiết kiệm được 64% nhu cầu về năng lượng liên quan đến di chuyển hành khách và khoảng 37% lượng phát thải carbon.
Amitabh Kant cho biết Ấn Độ có một số lợi thế khi áp dụng xe chạy điện so với các quốc gia khác.
"Việc sử dụng xe ô tô tính theo đầu người ở Ấn Độ là rất thấp; chỉ là 20 xe trên một nghìn người, trong khi đó ở Mỹ tỷ lệ đó là 800 xe trên một nghìn người. Vì vậy, việc chuyển đổi từ sử dụng xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện (không phát thải) sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thứ hai, ở Ấn Độ, 80% số các hành trình vận chuyển được thực hiện trong bán kính 5 km và do đó việc sử dụng các phương tiện chia sẻ và kết nối sẽ dễ dàng hơn nhiều", ông nói thêm.
Rajendra Rao, Giám đốc điều hành của Ford Smart Mobility, cho biết: "Kinh tế chia sẻ sẽ giúp thay đổi khái niệm sở hữu một chiếc xe, dù là xe chạy bằng động cơ đốt trong hay xe điện. Điều đó sẽ mang lại sự thay đổi căn bản không chỉ trong quyền sở hữu xe mà còn cả cách sử dụng xe".
Nhấn mạnh đến tiềm năng của Ấn Độ để trở thành một trung tâm sản xuất xe điện (EV), ông Kant cho biết, các nhà sản xuất không nên chỉ nỗ lực đảm bảo nhu cầu trong nước đối với các loại xe không phát thải khí, mà còn phải vươn ra thị trường toàn cầu”.
"Đó không thể là hoạt động kinh doanh như bình thường vì các nhà sản xuất ô tô ở Ấn Độ sẽ bị tác động bởi những gì đang xảy ra trên toàn cầu. Họ phải nghĩ đến việc giải quyết nhu cầu trong nước và phải nghĩ đến việc mở rộng ra các thị trường toàn cầu, điều này sẽ giúp làm giảm giá thành cho xe điện”- Amitabh Kant giải thích.
Trên phạm vi toàn, tỷ lệ xe chạy điện hiện chỉ là 1,2%. Đến năm 2026, giá của một chiếc xe chạy điện sẽ ngang bằng với chiếc xe chạy bằng động cơ đốt trong. Về số lượng thì đến năm 2040, số xe điện dự báo sẽ vượt lên so với số xe chạy bằng động cơ đốt trong.
Giải quyết vấn đề năng lượng
Nêu bật vấn đề xe điện kết nối và chia sẻ như là các phương tiện di chuyển tương lai của Ấn Độ, Amitabh Kant nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận công nghệ xe không khí thải dù là xe chạy điện, chạy bằng nhiên liệu hydro hoặc một số công nghệ thay thế khác.
Với giá pin sụt giảm, ông đã hình dung năm 2030 là thời điểm bước ngoặt cho các loại xe điện trong ngành công nghiệp ô tô, khi đó ước tính chi phí pin sẽ giảm từ 273 USD xuống còn 73 USD/ kWh.
Về vấn đề môi trường, Rao nói rằng việc tái chế pin là rất quan trọng và cần thúc đẩy việc sử dụng pin nhiều lần để khi không được tiếp tục sử dụng trên xe ô tô, chúng có thể được tái chế để sử dụng trong gia đình hoặc có thể được sử dụng để cung cấp điện cho nhà ở hoặc văn phòng.
Chuyển đổi trọng tâm sang cam kết của Ấn Độ đối với năng lượng sạch, Amitabh Kant tiết lộ rằng Ấn Độ đang có những bước tiến chuyển sang năng lượng mặt trời, hiện đã sản xuất 175 GW, điều này cho thấy rằng nước này sẽ thúc đẩy xe chạy điện có thể được nạp điện từ năng lượng mặt trời và đo lường thông minh.
Xác định 'Thành phố của Ngày mai'
Sau khi đề cập đến các vấn đề khác nhau và các yếu tố then chốt của một thành phố thông minh, đặc biệt là sự di chuyển hiệu quả trong đô thị và phương tiện giao thông công cộng, lần lượt Amitabh Kant và Rajendra Rao đã tiết lộ ý tưởng về một thành phố thông minh.
"Đối với tôi, thước đo cuối cùng là hiệu suất đầu tư cho con người, những cư dân của thành phố sống hạnh phúc thế nào, họ cảm thấy tự do như thế nào trong xã hội. Không có sự thất vọng và tức giận, và mọi người sống trong một thành phố có cơ sở hạ tầng để có thể tự do di chuyển", Rao nói.
Amitabh Kant đưa ra lời cuối cùng: "Một thành phố thông minh cần có công nghệ rất sáng tạo, nhưng nó cũng cần phải có văn hoá rất sáng tạo. Khi nói tới một thành phố thông minh thì không chỉ nói tới cơ sở hạ tầng cứng, mà còn nói về những con người thông minh".