Chiều 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Chất lượng cán bộ và chế độ trách nhiệm trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện là vấn đề được nhiều ý kiến đề nghị đánh giá sâu hơn.
Phấn đấu giảm 10% công chức và 20% viên chức
Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nêu rõ: Đối với lĩnh vực nội vụ, việc tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ, cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định.
Ở cấp tỉnh có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng; cấp huyện có 10 cơ quan được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính và 1 cơ quan đặc thù là Phòng Dân tộc; các huyện đảo có không quá 10 cơ quan. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã ban hành các quy định để triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, không tăng biên chế công chức, viên chức, chỉ tuyển dụng mới 50% số biên chế nghỉ hưu, tinh giản; phấn đấu đến 2021 giảm 10% số công chức và 20% số viên chức trong tổng biên chế; triển khai xây dựng vị trí việc làm.
Tổng số cán bộ cấp Thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan vượt so với quy định do sắp xếp tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ; gần đây Bộ Chính trị điều động một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng về các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
“Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Theo đó, tính đến tháng 9/2015, có 122 Thứ trưởng và tương đương (bằng số lượng đầu nhiệm kỳ); có 242 Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh (nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 13 người so với quy định và giảm 1 người so với đầu nhiệm kỳ).
Năng lực cán bộ đến đâu, trách nhiệm thế nào?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng các Báo cáo của chính phủ hơi mờ nhạt về đánh giá đội ngũ cán bộ. Báo cáo phải rút ra được các vấn đề như cán bộ tổ chức chực hiện chính sách pháp luật, hoạch định chính sách, năng lực ra sao? Có đáp ứng được quá trình đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp?
Qua tổng kết thực tiễn, mặc dù các cơ quan của bộ máy nhà nước dù nhiều cố gắng nhưng không thiếu những quy định còn chưa phù hợp, tính khả thi thấp. Dù các chuyên viên được đào tạo cơ bản nhưng năng lực trong hoạch định chính sách chưa ổn.
"Chúng ta đang đứng tước thách thức lớn về cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới tổ chức hoạt động Quốc hội nhưng đội ngũ cán bộ năng lực thế nào, đổi mới như thế nào thì chưa rõ", ông Quyền nêu ý kiến.
Về việc tổ chức thực hiện thể hiện rõ nhất ở phương diện đơn thư khiếu nại tố cáo trên các lĩnh vực không giảm mà chỉ tăng. Điều này phản ánh năng lực, trách nhiệm có vấn đề. Vì vậy cần đánh giá nguyên nhân về đào tạo, giáo dục, rèn luyện, tuyển chọn, bổ nhiệm... của đội ngũ cán bộ này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, qua giám sát chuyên đề và chất vấn thì rút ra gì về chế độ trách nhiệm công vụ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Chúng ta có luật công chức, viên chức, luật chuyên ngành tuy nhiên khi có vụ việc bất cập xảy ra thì việc xác định trách nhiệm không rõ.
“Cần làm rõ cấp nào, ai, địa chỉ cụ thể... Qua giám sát phải làm rõ cơ chế xác định trách nhiệm. Đã nói đến giám sát, chất vấn thì không thể không nói đến trách nhiệm. Đề nghị các báo cáo, thẩm tra cần đi sâu vào hai vấn đề này”, ông Quyền đề nghị.
Hậu giám sát yếu nên chậm giải quyết được vấn đề bức xúc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, trong lĩnh vực ban hành văn bản vẫn còn những tồn tại khi vấn đề cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển của đất nước, dân chưa yên tâm xung quanh vấn đề này.
“Bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ còn nhiều vấn đề chứ không đổ cho luật pháp, văn bản. Giám sát về quản lý sử dụng đất đai nông, lâm trường, có những trường hợp Phó Thủ tướng phúc lắng nghe và có kết luận yêu cầu xử lý 2 năm nay nhưng cơ sở vẫn chưa giải quyết được, cứ lòng vòng để đó, tính nghiêm minh ở đâu? Thanh tra, kiểm tra là chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước, chúng ta có làm, có phát hiện nhưng chậm hoặc không cương quyết xử lý, để kéo dài gây mất lòng tin”, ông Ksor Phước nói.
Dẫn chứng tình hình giải quyết đất sản xuất cho đồng bào vùng thủy điện Sơn La qua 5 năm còn lúng túng, chậm dù có hẳn Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành còn rời rạc về những vấn đề chung, như việc xử lý đất đai. Do đó sự kết hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và UBND các cấp cũng như trong hệ thống ngành dọc cần phải kỷ cương hơn, quyết liệt hơn.
“Làm mạnh giám sát nhưng còn yếu về hậu giám sát, phải làm đến cùng những vấn đề bức xúc đã nêu ra, nhưng chúng ta lại làm nửa vời. Giám sát vấn đề rồi nêu vấn đề nhưng có theo đến cùng không, hậu giám sát thế nào thì chúng ta làm chưa được”, ông Ksor Phước nêu quan điểm.
Theo VOV