VietTimes liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh trong ngày. Bạn hãy bấm F5 nếu quay lại bài viết này để làm mới trang.
Số người chết do virus corona lên tới 1.770 trên toàn cầu
Tính trong hôm Chủ nhật vừa qua đã có thêm hơn 100 người chết do nCoV ở tỉnh Hồ Bắc, giới chức y tế Trung Quốc cho hay, nâng tổng số người chết tại thành phố tâm dịch lên 1.696 người.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới giờ lên tới 1.770, trong đó phần lớn vẫn là ở Trung Quốc đại lục.
Có thêm hơn 1.900 ca nhiễm nCoV được xác nhận chỉ trong hôm Chủ nhật vừa qua, nâng tổng số ca nhiễm ở tâm dịch lên 58.182.
Trên toàn cầu: Hiện có tổng cộng trên 71.204 ca nhiễm nCoV, phần lớn vẫn là ở Trung Quốc đại lục.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục thông báo sâu hơn về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong ngày.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin về trường hợp công dân ở Malaysia bị nhiễm COVID-19
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vừa cho hay, chính quyền Washington đã nắm được một số báo cáo cho rằng một nữ công dân Mỹ 83 tuổi ở Malaysia đã bị nhiễm virus corona chủng mới trong lúc ở trên tàu MS Westerdam.
“Chúng tôi đã nắm được các báo cáo từ giới chức y tế ở Malaysia liên quan tới một công dân Mỹ, người vừa rời khỏi Campuchia và được xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Kuala Lumpur” – vị quan chức giấu tên nói với CNN – “Sự an toàn và tình trạng hiện tại của các công dân Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao, và các nhân viên của chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Malaysia và Campuchia để giải quyết những thách thức do COVID-19 gây nên”.
Diễn biến mới nhất về COVID-19
Công dân Mỹ lên chuyến bay sơ tán ở Tokyo vào rạng sáng ngày 17/2/2020 (Ảnh: CNN)
|
Dịch bệnh COVID-19, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới. Nhật Bản giờ là nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc, với ít nhất 412 trường hợp – trong đó có 356 ca nhiễm trên tàu du lịch Diamond Princess, hiện bị cách ly tại cảng Yokohama.
Những diễn biến mới nhất:
Con số đang tăng: Tính đến thời điểm hiện tại virus corona chủng mới đã khiến 1.775 người chết và lây nhiễm 71.399 người trên phạm vi toàn cầu, trong đó phần lớn các ca tử vong và nhiễm là ở Trung Quốc đại lục. Ở Trung Quốc, phần lớn các ca nhiễm và tử vong tập trung ở tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc.
Những ca tử vong bên ngoài Trung Quốc: Đã có thêm 2 ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục – 1 ở Đài Loan và 1 ở Pháp. Điều này nâng tổng số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc lên con số 5; 3 trường hợp tử vong khác là ở Hong Kong, Philippines và Nhật Bản.
Công tác sơ tán trên tàu Diamond Princess: 2 chiếc máy bay được chính phủ Mỹ triển khai để sơ tán công dân Mỹ khỏi tàu Diamond Princess đã rời khỏi Tokyo, với hơn 300 người trên khoang. Họ sẽ được chuyển tới các căn cứ quân sự ở bang Texas và California.
Quan chức Nhật lên tàu Diamond Princess bị nhiễm COVID-19
Ngày 16/2, một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật đã lên tàu du lịch Diamond Princess vào tuần trước được chẩn đoán bị mắc bệnh COVID-19. Ngoài ra, một nữ y tá tại một bệnh viện ở tỉnh Kanagawa cũng đã được xác nhận mắc bệnh vào thứ Hai (17/2), nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên tới con số 416. Quan chức này là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, đã lên tàu du lịch hôm 11/2 để thu thập thông tin và sắp xếp phương tiện di chuyển các bệnh nhân đến bệnh viện. Ông đã không chạm vào bệnh nhân trong suốt quá trình và luôn duy trì khoảng cách hơn 2 mét; trong suốt thời gian trên tàu, ông cũng không tiếp xúc với các hành khách và nhân viên thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, ông bắt đầu bị sốt vào ngày 14/2 và được đưa đến bệnh viện để điều trị vào Chủ nhật 16/2. Một bệnh nhân khác là nhân viên của Bệnh viện Trung ương ở Sagamihara, người đã chăm sóc một phụ nữ 80 tuổi đã chết trước đó vì COVID-19.
Nhật hoàn tất việc di tản công dân khỏi Vũ Hán
Sáng nay, 17/2, chuyến bay thuê bao cuối cùng do Nhật Bản đưa tới Vũ Hán di tản công dân cũng đã trở lại sân bay Haneda của Tokyo. Chuyến bay này đã đưa 65 người về nhà, trong đó có 29 người thân mang quốc tịch Trung Quốc. 2 hành khách trên máy bay cảm thấy khó ở đã được xe cứu thương đưa thẳng đến bệnh viện để kiểm tra. Nhà chức trách tuyên bố rằng tất cả những người muốn trở về Nhật đều đã được đưa về và hoạt động sơ tán đã chấm dứt. Ngoài chuyến bay thuê bao này, chính phủ Nhật Bản trước đó đã phái 4 chuyến bay thuê bao, đón về Nhật tổng cộng 763 người, trong đó có 13 người được xác nhận nhiễm COVID-19. Nhà chức trách cũng thừa nhận gần đây đã có bằng chứng cho thấy sự lây lan COVID-19 ở Nhật. Do sự lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh trong nước, chính phủ Nhật hôm nay đã triệu tập một cuộc họp các chuyên gia để công bố các biện pháp đối phó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đề nghị hoãn họp Quốc hội vì COVID-19
Hội nghị lần thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) lần thứ 13 họp sáng 17/2, đã quyết định hoãn tiến hành kỳ họp toàn thể thứ 3 của Quốc hội khóa 13.
Kỳ họp này của Quốc hội Trung Quốc ban đầu dự kiến bắt đầu vào ngày 5/3, kỳ họp của Hội nghị Chính trị Hiệp thương dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/3 . Truyền thông Anh gần đây dẫn các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang xem xét trì hoãn ngày triệu tập hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp và có thể được tổ chức dưới hình thức hội nghị qua truyền hình và nộp báo cáo dưới dạng video.
Hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp Trung Quốc kể từ năm 1995, đều được tổ chức vào đầu tháng 3. Trung Quốc trước đây cũng đã từng hoãn họp kỳ họp Quốc hội khóa 2 vào năm 1966 do Cách mạng Văn hóa.
Hội nghị UBTV Quốc hội Trung Quốc đề nghị hoãn họp Quốc hội
|
Australia sẽ thuê máy bay đưa công dân trên tàu Diamond Princess về nước
Du thuyền Diamond Princess với hàng trăm người đã bị nhiễm COVID-19 hiện đang thả neo ở thành phố Yokohama, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác nhau đã tiến hành các hoạt động di tản công dân. Thủ tướng Australia Morrison ngày 17/2 cho biết sẽ đưa máy bay để đưa về nước hơn 200 người quốc tịch Australia vào thứ Tư (19/2).
Ông Morrison nói rằng sau khi được chấp thuận rời tàu vào thứ Tư, các công dân Australia sẽ đáp chuyến bay của hãng Qantas để về nước và cách ly 14 ngày ở Darwin ở phía bắc nước này, sẽ có một số công dân New Zealand được di tản cùng. Ông cũng tuyên bố trên Twitter cùng ngày, trước đó 280 công dân Australia đã được rút khỏi Vũ Hán, đã chấm dứt 14 ngày cách ly hôm nay và rời đảo Giáng sinh để trở về Sydney.
Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Australia trước đó đã mở rộng lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh Australia từ Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cánh Nghiệp (Cheng Jingye) hôm 16/2 đã chỉ trích cách làm của Australia là “không phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới” và kêu gọi các nhà chức trách Australia dỡ bỏ biện pháp này hoặc ít nhất là nới lỏng hạn chế.
Những người Australia từng ở Vũ Hán kết thúc 14 ngày cách ly ở đảo Giáng Sinh lên máy bay về Sydney
|
Nhật Bản hủy nhiều sự kiện lớn do nCoV
Các nhà tổ chức giải marathon Tokyo đã quyết định hạnh chế số lượng vận động viên tham gia giải này, cấm 38.000 người đã từng đăng ký tham gia một trong những giải chạy marathon lớn nhất thế giới này; theo Reuters. Hoàng gia Nhật Bản cũng cho hay họ sẽ hủy tổ chức lễ sinh nhật của Nhật hoàng Naruhito dự kiến tổ chức vào ngày 23/2 tới. Sự kiện này thường thu hút hàng chục nghìn người tới tham dự ở Cung điện hoàng gia, nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô Tokyo.
Thái Lan tuyên bố "cấm cửa" hành khách trên tàu Westerdam
Hành khách trên tàu Westerdam lên bờ tại cảng Sihanoukville của Campuchia (Ảnh: AP)
|
Chính quyền Thái Lan sẽ cấm toàn bộ hành khách - ngoại trừ công dân Thái Lan - trên con tàu Westerdam đến nước họ - Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho hay.
Trước đó, 1 hành khách trên con tàu này được chính quyền Malaysia xét nghiệm dương tính với virus corona, khi hành khách này dừng chân ở Kuala Lumpur. Các hành khách trên con tàu này đã được cập cảng ở Campuchia trong hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi bị nhiều quốc gia từ chối - trong đó có cả Thái Lan.
Bộ trưởng Charnvirakul nói rằng tất cả hành khách trên tàu Westerdam sẽ bị cấm đến Thái Lan cho đến khi "giai đoạn ủ bệnh qua đi", tức 14 ngày tính từ ngày 14/2.
Thêm 99 ca nhiễm mới COVID-19 trên tàu Diamond Princess
Có thêm 99 người trên tàu Diamond Princess - neo đậu ở Yokohama, Nhật Bản - được xét nghiệm dương tính với virus corona - Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật Bản mới tuyên bố.
Đây là mức tăng lớn nhất trong ngày số trường hợp nhiễm bệnh trên con tàu này, tính đến thời điểm hiện nay, và diễn ra ngay trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị tiếp bước Mỹ trong việc sơ tán công dân khỏi con tàu này.
Hiện tại đã có tổng cộng 456 hành khách trên tàu Diamond Princess nhiễm nCoV. Trước đó, khoảng 3.600 người trên tàu đã bị cách ly do lo ngại đã bị nhiễm chủng virus corona mới.
Những trường hợp mới đã nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản lên 513 ca - hiện là con số nhiễm bệnh cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Theo chính quyền Nhật Bản, trong số 99 ca nhiễm mới, có 70 trường hợp không xuất hiện triệu chứng. Những trường hợp này sẽ được đưa lên bờ, chuyển tới các cơ sở y tế để điều trị.
Ít nhất 62 công dân Mỹ từ tàu Diamond Princess bị nhiễm COVID-19
Có ít nhất 62 công dân Mỹ từng là hành khách trên tàu Diamond Princess được xác nhận dương tính với virus corona chủng mới; theo dữ liệu đến từ hãng điều hành Princess Cruises và Bộ Y tế Nhật Bản.
Bộ Y tế Nhật Bản trước đó cho hay có 16 công dân Mỹ nằm trong số 99 trường hợp nhiễm mới COVID-19 trên tàu Diamond Princess. Hiện chưa rõ liệu con số 62 công dân mỹ nhiễm bệnh đã bao gồm 14 người mà Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận dương tính với virus corona trong hôm Chủ nhật vừa qua hay không.
Trung Quốc bác bỏ thông tin cán bộ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán tố giác Viện trưởng để rò rỉ virus
Tuyên bố bác bỏ tin trên mạng của Trần Toàn Giảo (ảnh: Guancha)
|
Theo trang tin Guancha (Nhà quan sát), ngày hôm nay, 17/2, trên mạng internet lan truyền thông tin “nhà nghiên cứu Trần Toàn Giảo (Chen Quanjao) ở Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đã đứng tên thật tố cáo ông Vương Diên Dật (Wang Yanyi), Viện trưởng Viện nghiên cứu virus P4 Vũ Hán để rò rỉ virus”. Tuy nhiên, sau đó trang web của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đã đăng tải Tuyên bố của ông Trần Toàn Giảo nói: “Bản thân tôi không đưa bất kỳ thông tin tố cáo có liên quan nào và thể hiện rất phẫn nộ về hành vi mạo nhận danh tính của tôi để bịa đặt thông tin tố cáo. Tôi sẽ giữ quyền truy cứu trách nhiệm những kẻ tung tin bịa đặt theo pháp luật”. Tuyên bố cũng nhắc nhở: “Gần đây xuất hiện một loạt tin đồn đã ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu tuyến đầu chúng tôi. Xin mọi người hãy cảnh giác chống lại các hoạt động âm mưu và hoạt động phá hoại liên quan”.
Cập nhật số liệu tình hình COVID-19 trên thế giới đến 19h30 ngày 17/2:
(Nguồn: Nhân dân Nhật báo Trung Quốc) |
Đến 24h đêm 16/2, tại Trung Quốc, số ca mắc bệnh được báo cáo là 70.053, nghi nhiễm 8.228, đã xuất viện 10.757, số người tử vong đã lên tới 1.767. Trên toàn thế giới đã có 71.226 người bị bệnh (châu Á: 70.785, tàu Diamond Princess: 355, châu Âu 47, châu Mỹ 23, Đại Dương 15, châu Phi 1).
Theo trang web của Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc, trung tâm và nơi bùng phát dịch bệnh COVID-19, số người bệnh vẫn tăng nhanh. Từ 0 đến 24h đêm 16/2, cả tỉnh đã có thêm tổng số 1.933 ca mắc bệnh mới (Vũ Hán 1.690), đưa tổng số lên 58.182 ca mắc bệnh (Vũ Hán 41.152); đã xuất viện thêm trong ngày 1.096 người (Vũ Hán 534) đưa tổng số người được xuất viện lên 6.639; chết thêm 100 người, đưa tổng số ca tử vong lên 1.696 (Vũ Hán 1.309). Hiện đang còn 40.814 người đang điều trị tập trung tại các bệnh viện; trong đó 8.024 ca nặng, 1.773 người nguy cấp; hiện có 4.826 trường hợp nghi nhiễm bệnh, đã tập trung cách ly 4.384 người; phát hiện 191.434 người tiếp xúc gần với những người bị bệnh, theo dõi y tế đối với 71.613 người.
Các nhân viên y tế viết khẩu hiệu lên áo phòng hộ để động viên nhau cố gắng (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Mặc dù báo chí tuyên truyền tình hình đang chuyển biến tốt, số ca mắc bệnh mới các nơi ngoài tỉnh Hồ Bắc giảm 12 ngày liền, nhưng tình hình các địa phương vẫn “继续如临大敌”(tiếp tục như lâm đại địch – tiếp tục như phải đương đầu với kẻ thù lớn); một số tỉnh, thành tiếp tục hoãn việc phục hồi sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp; những tiếng nói hoang mang lo sợ của dân chúng trên mạng vẫn tăng lên.
Tỉnh Hồ Bắc ngày 16/2 đã tuyên bố thực hiện quản lý phong tỏa 24/24h đối với tất cả các thôn làng, khu phố, tổ dân cư, khu chung cư ở cả thành thị và nông thôn; “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các thành phố Hoàng Cương, Vũ Huyệt đóng cửa ngân hàng, những ai ra phố mà không phải nhân vên chống dịch đều bị cưỡng chế đến nơi học tập tập trung; xe cộ lưu thông không có giấy phép đều bị bắt giữ...
Hành khách trên tàu Westerdam lên bờ ở cảng Sihanoukvill (Ảnh: AP)
|
Malaysia tuyên bố cấm nhập cảnh những người đã đi trên du thuyền Westerdam cập bến Campuchia
Chiều 16/2, bà Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Ismail tuyên bố , qua xem xét đến sự tiếp xúc gần gũi của một phụ nữ Mỹ được xác nhận đã mắc COVID-19, các hành khách còn lại trên tàu du lịch Westerdam sẽ bị cấm nhập cảnh Malaysia. Hơn 600 hành khách Mỹ trên tàu ban đầu dự kiến sẽ đáp 4 chuyến bay riêng để đến Malaysia.
Bộ Y tế Campuchia và hãng tàu đã bày tỏ nghi ngờ tuyên bố của Malaysia và yêu cầu kiểm tra lại. Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia cho rằng Bộ Y tế Malaysia có thể đã “chẩn đoán sai”.
Vào ngày 15/2, Bộ Y tế Malaysia đã thông báo việc 1 nữ du khách người Mỹ 83 tuổi được xác định mắc bệnh COVID-19 và là trường hợp bị bệnh thứ 22 ở nước này. Bà đã đi trên tàu du lịch Westerdam, lên bờ ở Campuchia vào ngày 13 và đến Malaysia vào ngày 14/2 bằng máy bay.
Ngày 14/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đích thân đến cảng Sinahoukvill để đón các du khách lên bờ và ôm hôn họ. Nhiều hành khách đã bày tỏ cám ơn sự quan tâm của Campuchia. Có ý kiến phân tích, động thái này khiến Campuchia được hưởng lợi về kinh tế và chính trị, tỏ cho thế giới thấy Campuchia coi trọng chủ nghĩa nhân đạo. Ngày hôm đó, 145 hành khách đã đáp trên một máy bay tới Malaysia. Sau đó, ngày 15/2, phía Malaysia đã thông báo 1 nữ du khách trên tàu khi đáp máy bay đến Kuala Lumpur đã bị xác nhận nhiễm nCoV và phải cách ly điều trị. Bà và người chồng bà thân nhiệt không bình thường, nhưng ông chồng sau đó cho kết quả âm tình với nCoV, nhưng vẫn bị giữ lại bệnh viện để theo dõi.
Bộ Y tế Campuchia tối 15/2 đã đưa ra một tuyên bố cho rằng Bộ Y tế Malaysia có thể “chẩn đoán sai”yêu cầu Malaysia kiểm tra lại để đảm bảo kết quả có sức thuyết phục. Tuyên bố nhấn mạnh rằng các xét nghiệm ở Campuchia đã được WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ giúp đỡ.
Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Ismail (phải) tuyên bố cấm nhập cảnh những hành khách còn lại trên tàu Westerdam đang ở Campuchia (Ảnh: The Star)
|
Vào chiều ngày 16/2, Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Ismail đã tổ chức một cuộc họp báo tuyên bố sẽ cấm nhập cảnh những hành khách còn lại trên tàu Westerdam đang ở Campuchia. Họ được cho là có liên hệ chặt chẽ với bệnh nhân đã được xác nhận.
Bà Wan Azizah Ismail giải thích rằng Đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur đã thuê một chiếc máy bay của Malaysia và dự định đưa hành khách Mỹ từ Campuchia đến Malaysia. Malaysia Airlines ban đầu dự định bay 4 chuyến từ ngày 14 đến 16/2; nhưng đến nay mới chỉ có chuyến bay MH8763 chở 145 hành khách (bao gồm cả bệnh nhân được xác nhận) đã đến.
Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết, một số hành khách trên tàu Westerdam, trong đó có 2 người Hà Lan, đã bị từ chối lên máy bay tại Kuala Lumpur. Nhà chức trách ước tính có khoảng 11 người bị mắc kẹt ở Malaysia.