Ngày đầu tiên tăng phí quốc lộ 5, nhiều tài xế bức xúc Đánh vật với phí BOT Tài xế than: 'Đi đâu cũng dính bẫy BOT' Tăng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 Ưu ái nên cho tăng phí giao thông?
Sau khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào sử dụng vẫn chưa phát huy hiệu quả “giải phóng” lượng xe lưu thông “đường làng”. Ngược lại, việc tăng phí trên quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng cao đã đẩy lượng xe dồn với “đường làng”, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến đường vốn nhỏ, hẹp đang xuống cấp này.
Làm đường hiện đại ít xe qua
Đi dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một con đường hiện đại vào bậc nhất Việt Nam chúng tôi ghi nhận lượng xe thưa thớt trên tuyến đường này. Các loại xe chạy trên cao tốc này chủ yếu là ô tô dưới 12 chỗ ngồi. Còn các loại xe tải 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container thì lác đác vài chiếc. Một nhân viên thu phí trên cao tốc này thừa nhận từ lúc tuyến đường được đưa vào hoạt động chưa thu hút được lượng xe tải, đặc biệt là xe container, bởi mức phí thu khá cao (gần 800.000 đồng/lượt).
Trái ngược với hình ảnh trên, lượng ô tô trên quốc lộ 5 khá dày đặc và đủ loại xe, nhất là xe tải 18 tấn trở lên và xe container. Do xe đông đúc, cồng kềnh khiến nhiều đoạn bị tắc nghẽn, có lúc dài cả km. Đặc biệt ở gần trạm thu phí số 1 (trên quốc lộ 5), các xe rẽ vào quốc lộ 38 (đi quốc lộ 18 rồi ra lại quốc lộ 5), tỉnh lộ 391 (đi quốc lộ 10 rồi ra lại quốc lộ 5)… để né trạm thu phí.
Lý giải nguyên nhân, tài xế Nguyễn Văn Hùng (Hưng Yên) chạy xe container cho biết từ khi tăng phí cả hai tuyến đường, nhiều tài xế phải tìm đường né. “Xe tôi chở được 30 tấn. Trước đây nếu di chuyển quãng đường khoảng 200 km, phí cầu đường thấp thì sau khi trừ đi, tôi được khoảng 7 triệu đồng. Nhưng vào thời điểm này, nếu đi cao tốc tôi mất gần 2 triệu đồng tiền phí, đi quốc lộ mất khoảng 1 triệu đồng.
Như vậy, tôi chỉ còn hơn 4 triệu đồng nếu đi cao tốc và gần 5 triệu đồng nếu đi quốc lộ. Đó là chưa kể chi phí xăng xe, công sức bỏ ra. Làm nghề tài xế bây giờ không có ăn, vì phải chở đủ tải, trong khi phí tăng nên phải tìm đường né trạm, chấp nhận di chuyển chậm để kiếm thêm vài đồng” - ông Hùng than thở.
Tài xế Hoàng Hữu Huy cho rằng may là xăng dầu chưa tăng cao, nếu không cộng với phí cầu đường, phí đường bộ hằng năm thì doanh nghiệp vận tải sẽ “chết”. “Ai cũng muốn đi cao tốc để rút ngắn thời gian, giảm hao mòn xe. Nhưng chạy nhanh, tiếc hao mòn xe làm gì khi miếng ăn không có. Vì vậy, nhiều người chấp nhận “bò” vào các đường liên tỉnh” - ông Huy nói.
Ông Nguyễn Văn Toàn bức xúc khi xe tải tăng đột biến trên quốc lộ 38 khiến nhà cửa rung như có động đất. Ảnh: VIẾT LONG
Nên giảm phí
Tài xế Hoàng Hữu Huy đề nghị các đơn vị liên quan cần tính toán, vì tiền làm cao tốc chung quy cũng do người dân đóng góp. Nếu chi hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng làm đường cao tốc nhưng xe vẫn không đi là sự lãng phí.
Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, cho biết từ khi quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng phí, nhiều tài xế đã tìm cách né trạm thu phí bằng cách đi vào các quốc lộ 38 hoặc tỉnh lộ 391, làm cho các tuyến đường này bắt đầu hư hỏng. “Tỉnh lộ 391 được thiết kế cho lượng 3.000 xe quy đổi/ngày đêm. Trước đây chỉ có khoảng 800 lượt xe/ngày đêm song khi tăng phí, chúng tôi kiểm tra lượng xe trên đoạn đường này đã lên đến 10.000 lượt/ngày đêm. Như vậy, lượng xe hiện nay đã vượt quá ba lần so với thiết kế, 10 lần so với năm 2015 và chủ yếu là xe container” - ông Long thông tin.
Trước tình hình trên, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương để đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI, đơn vị thu phí cao tốc và quốc lộ 5) xem xét giảm mức phí để thu hút lượng xe, hạn chế tài xế né trạm. “Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một tuyến đường hiện đại, nếu không thu hút được lượng xe đi qua thì chưa phát huy được hiệu quả. Làm được đường trung ương không phát huy được mà để đường địa phương bị hỏng là bất cập” - ông Long bày tỏ.
Theo ông Long, việc các xe đi vào tỉnh lộ với lưu lượng lớn, tỉnh Hải Dương đã tăng cường tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, các xe đều chấp hành, không chở hàng quá tải, không chạy quá tốc độ vì nhiều xe. Tuy vậy, ông Long cho biết Sở GTVT đề xuất với UBND tỉnh Hải Dương hạn chế xe container lưu thông vào tỉnh lộ 391 trong giờ cao điểm. Ông Long nói: “Chúng tôi không có chủ trương cấm xe nhưng hạn chế một số loại xe vào giờ cao điểm. Vì đoạn đường trên vào giờ cao điểm có gần 40.000 công nhân, học sinh lưu thông nên việc hạn chế nhằm đảm bảo an toàn giao thông”.
Từ ngày 1-4, mức phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng trung bình 25%. Trong đó, mức phí cao nhất toàn tuyến là 840.000 đồng, mức thấp nhất là 210.000 đồng. Ngoài ra, hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 cũng tăng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có sáu làn xe, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Việc tăng phí để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn cho quốc lộ 5 và phần còn lại hoàn vốn đầu tư cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo PLO