Năm 1988, Fujifilm giới thiệu máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới, đó là chiếc FUJIX DS-1P. Tính năng cách mạng của nó là khả năng lưu trữ 10 tấm ảnh trên thẻ nhớ SRAM to bằng chiếc thẻ tín dụng. Hơn 30 năm trôi qua, thế giới đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt kể từ khi Apple trình làng iPhone năm 2007.
Năm iPhone ra đời, khoảng 100 triệu máy ảnh kỹ thuật số được tiêu thụ. Năm 2018, con số giảm gần 80% xuống còn 19 triệu máy. Trong 8 nhà sản xuất máy ảnh của Nhật Bản, chỉ có 1 đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm gần đây nhất. Đó chính là Sony nhưng lại thông qua con đường smartphone.
Nếu như lịch sử nhiếp ảnh khởi đầu là cuộc chơi của kẻ giầu, smartphone đã dân chủ hóa việc chụp ảnh. Ngày nay, có khoảng 5 tỷ smartphone trong tay mọi người và chúng ta chụp ảnh mọi lúc mọi nơi. Trong tương lai, máy ảnh không biến mất nhưng một lần nữa trở thành thị trường ngách. Đây là nhận định của Damian Thong, nhà phân tích của Macquarie Group.
Fuji và thị trường hoài cổ
Khi Fujifilm công bố mẫu máy ảnh chụp lấy ngay mới nhất, nó là dấu hiệu cho thấy nhiếp ảnh kiểu cũ vẫn được giới trẻ yêu thích. Mẫu Instax Mini LiPlay là máy ảnh “lai”, cho phép lưu ảnh dưới dạng tệp tin điện tử cũng như in chúng như các bức ảnh Polaroid khổ vuông. Mỗi ảnh có mã QR để quét bằng smartphone. Được biết đến với cái tên cheki tại Nhật, những bức hình này phổ biến hàng thập kỷ và là ví dụ cho thấy các công ty máy ảnh Nhật đang cố đổi mới giữa các biến động thị trường và công nghệ.
Ngoài yếu tố hoài cổ, một phần khiến máy ảnh chụp lấy ngay hấp dẫn là nó mang hơi hướm của ảnh phim. Vì vậy, nó được thanh thiếu niên ưa chuộng. Fujifilm bán được 10 triệu máy ảnh instax trong 12 tháng, kết thúc ngày 31/3/2019, chiếm hơn một nửa doanh số camera kỹ thuật số xuất xưởng năm 2018 được Hiệp hội Sản phẩm hình ảnh và camera ghi nhận.
Hoài cổ có thể là suy nghĩ của Fujifilm khi hãng tuyên bố bán trở lại phim đen trắng. Với loại phim Neopan Acros 100II, công ty đã đáp ứng lời thỉnh nguyện hồi sinh phim đen trắng từ cộng đồng đam mê nhiếp ảnh bất chấp nhu cầu chung khá thấp.
Dù vậy, chỉ dựa vào hoài niệm của những người này là không đủ. Dù Fujifilm vẫn sản xuất phim và máy ảnh, các thống kê gần đây của bộ phận giải pháp hình ảnh không khả quan. Nó chỉ mang về 3,6 tỷ USD, tương đương 16% doanh thu cho công ty, giảm từ 33,5% năm 2000 khi doanh số phim màu đạt đỉnh. Ảnh phim chiếm chưa tới 1% doanh thu.
Vào thưở ban đầu của kỹ thuật số, Fujifilm đã có hàng chục năm kinh nghiệp trong sản xuất phim X-Quang và đã tận dụng lợi thế ấy để chuyển đổi thành công ty y tế và dịch vụ tài liệu. Hãng cũng mua lại một số doanh nghiệp y tế trong vài năm gần đây. Vài sản phẩm quan trọng nhất của hãng là máy X-Quang kỹ thuật số, phim bảo vệ phân cực cho màn hình LCD.
B2B ngày càng quan trọng
Các thương hiệu tiêu dùng Nhật Bản ngày càng phai nhạt khi doanh nghiệp chuyển sang tập trung vào phục vụ khách hàng doanh nghiệp (B2B).
60% doanh thu của Nikon, một trong các nhà sản xuất camera lâu đời nhất, là từ bán hàng cho doanh nghiệp, không phải khách hàng cá nhân. Họ sản xuất máy in thạch bản, kính hiển vi và các loại công cụ khác cũng như kính quang. Vài năm gần đây, Nikon mua lại Optos, công ty hình ảnh retina và đầu tư vào Velodyne Lidar, nhà sản xuất cảm biến lidar. Trong kế hoạch quản trị trung hạn mới nhất, hãng nhấn mạnh máy in 3D và công cụ máy móc là nguồn tăng trưởng. Dù mảng sản phẩm hình ảnh của Nikon sa sút, họ vẫn gắn bó với camera.
Người phát ngôn Yosuke Toyoda cho biết camera chuyên nghiệp và phổ thông vẫn quan trọng với Nikon như trong quá khứ. Nikon tin rằng camera và nhiếp ảnh sẽ phát triển hơn nữa cùng với công nghệ hình ảnh. Chẳng hạn, khi độ phân giải màn hình, tốc độ khung hình và HD tăng, ảnh trở nên thực tế hơn. Camera và nhiếp ảnh cần linh hoạt trước các thay đổi này.
Một số nhà phân tích tin rằng thị trường máy ảnh kỹ thuật số sẽ sụt giảm nhanh hơn dự kiến, kéo theo các thay đổi sâu hơn. Xu hướng mới nhất là người dùng chuyển sang smartphone nhiều ống kính thay vì máy ảnh ống rời đắt đỏ.
Theo BCN, Canon đang chiếm gần 60% thị trường máy ảnh ống rời Nhật Bản nhưng cũng gặp khó khăn trong giảm thiểu hiệu ứng của thị trường camera suy sụp. Được thành lập năm 1993, công ty giới thiệu Kwanon, máy ảnh 35mm đầu tiên của Nhật vào năm 1994. Năm 2003, hãng nắm thị phần lớn nhất trên thị trường máy ảnh không gương lật và duy trì vị trí của mình trong khi tiếp tục phát triển các sản phẩm khác như máy in đa chức năng.
Năm 2016, công ty mua lại Toshiba Medical Systems, nhà sản xuất máy quét CT. Trước đó, Canon thôn tính Oce, công ty in tốc độ cao và Axis, nhà sản xuất camera an ninh nối mạng. Trong kế hoạch 5 năm bắt đầu từ 2021, Canon hi vọng các mảng kinh doanh mới tăng trưởng từ 7% đến 8% và đóng góp 35% doanh số, còn các mảng hiện tại mở rộng thêm 2% đến 3%. Dù vậy, tới nay, mọi thứ chưa xảy ra. Trong 12 tháng (kết thúc ngày 31/3), bộ phận hình ảnh của hãng chứng kiến doanh thu giảm 11%. Song, Canon không từ bỏ máy ảnh.
Canon cam kết ra mắt các sản phẩm sử dụng công nghệ mới và dẫn dắt thị trường máy ảnh, phản ứng linh hoạt với thay đổi của thị trường và nhu cầu người dùng. Ngoài ra, họ tiếp tục nghiên cứu các lĩnh vực như kết hợp ảnh tĩnh và video, camera quay phim 8K, camera tương thích 5G.
Nhà phân tích Damian Thong, người đã quan sát Canon, Nikon và các nhà sản xuất Nhật Bản khác từ năm 2002, cho rằng máy photocopy là gà đẻ trứng vàng cho Canon, bảo vệ họ khỏi các thay đổi của ngành. Một số hãng như Olympus, Konica Minolta áp dụng cách tiếp cận B2B tương tự nên có thể tiếp tục kinh doanh máy ảnh như một thú vui. Tuy nhiên, đối với Nikon, thị trường camera trở thành nguy cơ lớn hơn một phần vì họ không theo đuổi video từ sớm. Đây chính là bước hụt chân của Nikon trên thị trường thay đổi nhanh chóng, ngày càng ít camera chỉ có tính năng chụp ảnh.