Cuối năm 2015, Phòng PC50 Công an TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm 11 đối tượng lập 117 trang web giả mạo và sử dụng thủ đoạn thông báo tin nhắn trúng thưởng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tìm cách thuê tên miền, code, hosting (máy chủ ảo vận hành website) từ nhiều nguồn khác nhau để xác lập các trang web lừa đảo.
Để thu hút người dùng truy nhập vào các trang web lừa đảo này, các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội chiếm đoạt của người khác để gửi tin nhắn trúng thưởng cho những người trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội.
Nội dung tin nhắn lừa đảo trúng thưởng rất hấp dẫn như thông báo khách hàng đã trúng giải thưởng trong một chương trình bốc thăm may mắn với phần thưởng có giá trị cao như xe máy Liberty, SH, phiếu nhận tiền mặt trị giá hàng trăm triệu đồng... Kèm theo mỗi thông báo trúng thưởng, đối tượng để lại số điện thoại để người dùng có thể liên hệ khi nhận giải.
Khi có người dùng mạng xã hội mắc bẫy, cung cấp các thông tin cá nhân theo “mẫu” trên các website giả mạo và liên hệ, các đối tượng tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng, yêu cầu gửi mã thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng làm hồ sơ nhận giải.
Nếu người dùng làm theo, đối tượng tiếp tục liên hệ lại yêu cầu gửi thêm tiền (từ 3-30 triệu đồng) với lý do đóng thuế VAT, chi phí vận chuyển, nhận mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Có một số người bị hại vì quá ham mê giải thưởng đã mất tỉnh táo, cung cấp cả thông tin tài khoản cá nhân và bị đối tượng chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản.
Trung úy Trịnh Công Anh, Đội 4 Phòng PC50 kể lại, quá trình điều tra ổ nhóm tội phạm lừa đảo trên, một buổi chiều tối, bất ngờ anh nhận được điện thoại của người bị hại là anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân một khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Anh Hùng cho biết, khi được đối tượng thông báo trúng thưởng xe máy và tiền, vì quá phấn khởi, anh không nhận ra đây là một cái bẫy nên đã cung cấp toàn bộ thông tin tài khoản cho đối tượng và bị chiếm quyền điều khiển.
Điều khiến anh hoang mang, lo lắng là sau khi lấy toàn bộ 100 triệu đồng trong tài khoản, biết tài khoản của anh là loại tài khoản được vay tiền của ngân hàng, đối tượng đã làm thủ tục vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng. Để chiếm đoạt số tiền vay này, đối tượng đã chuyển tiền qua một cổng thanh toán trung gian.
Do thời gian báo tin của anh Hùng vào chiều tối, khi ngân hàng đã hết giờ làm việc, mặt khác nếu theo đúng quy trình thì cần bị hại chính thức gửi đơn tới cơ quan điều tra, từ đó lên kế hoạch xác minh. Nhưng nếu làm theo đúng quy trình thì sẽ chậm một bước so với đối tượng gây án bởi tiền đã được chuyển từ ngân hàng sang đơn vị thanh toán trung gian.
Chỉ cần trong vòng 1 giờ đồng hồ là đối tượng sẽ chiếm đoạt được. Sau khi xác minh thấy đúng có việc chuyển số tiền 200 triệu đồng từ tài khoản của anh Hùng, Trung úy Trịnh Công Anh bằng mối quan hệ cá nhân đã đề nghị đơn vị thanh toán trung gian nhanh chóng “đóng băng” tài khoản của anh Hùng.
Đến đầu năm 2016, sau khi hoàn tất các thủ tục bắt giữ ổ nhóm tội phạm trên, Trung úy Trịnh Công Anh mới có thời gian vào TP Hồ Chí Minh ghi lời khai của anh Nguyễn Văn Hùng. Gặp được ân nhân, vợ chồng anh Hùng rơm rớm nước mắt vì xúc động.
Anh Hùng cho biết, hai vợ chồng quê Nam Định, vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Sau một thời gian tích cóp, anh chị dành dụm được 100 triệu đồng để chuẩn bị sinh con nhỏ.
Thời điểm bị đối tượng lừa đảo, vợ anh mới sinh con, chuẩn bị đến kỳ đóng tiền thuê nhà. Tiền dành dụm bị mất đã đành, nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ của Cảnh sát công nghệ cao Công an Hà Nội, vợ chồng anh lại phải gánh thêm khoản tiền vay nợ ngân hàng thì không biết cuộc sống sẽ ra sao…
Không biết có phải là “duyên nghề” hay không, sau khi khám phá vụ án lập 117 trang web lừa đảo trên, để phục vụ công tác điều tra, Cảnh sát công nghệ cao Hà Nội đăng thông tin tìm bị hại trong vụ án, kèm theo số điện thoại của Trung úy Trịnh Công Anh để liên hệ.
Sau khi thông tin đăng tải, bất ngờ Trung úy Công Anh nhận được điện thoại của một người dân ở Đà Nẵng. Anh này cho biết có thực hiện giao dịch mua bán trực tuyến trên mạng. Giao dịch xong, do sơ suất không ngắt kết nối nên bị đối tượng bán hàng lợi dụng lấy trộm 50 triệu đồng trong tài khoản.
Khi bị hại phát hiện thì tiền đã được chuyển từ tài khoản sang cổng thanh toán trung gian. Trong lúc hoang mang chưa biết xử lý thế nào, bị hại lên mạng thấy có số điện thoại của Cảnh sát công nghệ cao Hà Nội liền gọi điện cầu cứu.
Tình huống bất ngờ này khiến Trung úy Công Anh không khỏi băn khoăn. Vì nếu theo trình tự thì người bị hại phải trình báo cơ quan Công an nơi xảy ra sự việc. Nếu hướng dẫn bị hại trình báo theo đúng quy trình thì cũng đủ thời gian để kẻ xấu chiếm đoạt tiền.
Sau khi suy nghĩ, Trung úy Công Anh quyết định liên lạc với đơn vị thanh toán trung gian, đề nghị phối hợp kiểm tra, tạm dừng giao dịch liên quan đến tài khoản của người bị hại. Sau đó, anh hướng dẫn người bị hại gửi đơn trình báo đến Công an TP Đà Nẵng.
Bẵng đi mấy tháng sau, Trung úy Công Anh cùng đồng đội tiếp tục khám phá một ổ nhóm tội phạm công nghệ cao khác tại Đà Nẵng. Do đối tượng là người miền Trung, tổ trinh sát lại toàn người Bắc nên để “câu” đối tượng ra, rất cần sự hỗ trợ của một người “bản địa”. Chợt nhớ tới thanh niên từng nhờ giúp đỡ ngăn chặn vụ trộm 50 triệu đồng trong tài khoản, Trung úy Công Anh gọi điện.
Gặp ân nhân, anh này vô cùng xúc động cho biết, nhờ sự giúp đỡ của Trung úy Công Anh, nên đã được nhận lại tài sản. Từ đó đến nay, anh vẫn băn khoăn vì chưa có cơ hội gặp ân nhân để cảm ơn. Sau khi biết tổ công tác cần sự trợ giúp, anh đã vui vẻ nhận lời, tình nguyện đưa anh em đi đến tất cả những địa điểm cần xác minh, giao dịch qua điện thoại nên các đối tượng không hề nghi ngờ. Nhờ sự giúp đỡ này, chuyên án đã thành công tốt đẹp, ổ nhóm tội phạm đã bị bắt giữ.
Kể lại những pha “phản ứng nhanh” không có trong hồ sơ vụ án của Cảnh sát công nghệ cao Hà Nội, Trung úy Trịnh Công Anh tâm sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao việc tiêu thụ, chiếm đoạt tài sản của chúng diễn ra rất nhanh, đôi khi chỉ cần một cú click chuột là hành vi chiếm đoạt đã hoàn tất.
Không những thế, đối tượng còn lợi dụng công nghệ để xóa dấu vết, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Điều này đòi hỏi Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng phải có “phản ứng nhanh” để ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 33 vụ việc với số tiền bị chiếm đoạt trên 5,8 tỷ đồng, tăng 14 vụ (170%) so với cùng kỳ năm 2015; đặc biệt số tiền bị chiếm đoạt tăng đột biến.
Nổi bật là các thủ đoạn như: Thủ đoạn lừa đảo trong thương mại điện tử; thủ đoạn chiếm quyền quản trị mạng xã hội, sử dụng tài khoản chiếm đoạt để giả danh chủ tài khoản đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người thân quen trên mạng xã hội; lừa đảo trúng thưởng, yêu cầu bị hại chuyển tiền làm thru tục nhận giải để chiếm đoạt; giả danh các nhà mạng viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giả danh người nước ngoài kết bạn, tặng quà để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...