Tài xế Võ Mạnh Hảo di chuyển từ hướng An Giang về Sài Gòn, khi qua trạm thu phí Cai Lậy thì bất ngờ dừng lại lau kính. Anh Hảo lau xe mình xong thì chạy qua lau xe khách làn thu phí bên cạnh. Anh nói chấp nhận cẩu xe để phản đối trạm thu phí đặt vô lý ngay quốc lộ. Mong muốn của anh là dời trạm thu phí vào đúng vị trí của nó ở đường tránh – tờ Zing dẫn một trường hợp cụ thể.
Từ khoảng 14h - 16h chiều ngày 3/12, ít nhất 3 lần Trạm BOT Cai Lậy xả trạm, vì phản ứng của nhiều tài xế và chủ xe khi mua vé qua trạm.
Khi đến trạm, nhiều người đã xuống xe để bày tỏ sự không đồng tình của mình khi cho rằng việc Trạm BOT Cai Lây tổ chức thu phí có nhiều bất hợp lý. “Tôi đi đám cưới 100.000 đồng, mà qua lại trạm thu phí này đã mất hết 70.000 đồng”, một phụ nữ bức xúc.
Một chủ xe phản ứng vì trên vé in giá tiền 50.000 đồng mực màu đỏ, nhưng khi sửa lại 35.000 đồng (giảm phí) thì lại mực màu xanh. Họ cho rằng, họ chấp nhận việc giảm phí nhưng cần phải rõ ràng chứ không phải muốn sửa thế nào trên vé cũng được.
“Việc sửa số tiền trên vé chỉ đóng dấu mực màu xanh chồng lên số cũ là mực màu đỏ thì khó mà thanh toán lại được với chủ xe. Nếu chỉnh sửa thì cần phải đóng dấu của BOT, ký tên đàng hoàng”, một tài xế lái xe phản ứng. Nhiều tài xế yêu cầu các nhân viên của trạm cần giải thích rõ ràng vấn đề này thì mới chịu đi, có lần mất 10-15 phút, dẫn đến xảy ra tình trạng kẹt xe nên phải xả trạm – tờ Dân trí cho hay
Vụ việc trạm thu phí Cai Lậy qua lăng kính luật sư
Luật sư Nguyễn Mạnh Hà – Đoàn luật sư Hải Phòng
Hành động phản đối của các chủ phương tiện đi qua được cho bắt nguồn từ quan điểm cho rằng là trạm thu phí của Dự án này đặt sai vị trí, nhiều phương tiện không sử dụng đoạn đường tránh thị trấn Cai Lậy vẫn phải trả phí.
Từ góc độ pháp lý, quan hệ giữa chủ đầu tư Dự án BOT và người điều khiển phương tiện đi qua đoạn đường tránh thị trấn Cai Lậy là một quan hệ dân sự. Cụ thể hơn là giao dịch dân sự về cung cấp dịch vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Trong đó, chủ đầu tư Dự án là bên cung ứng dịch vụ, và người đi qua đoạn đường này là bên sử dụng dịch vụ. Về nguyên tắc, người sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho dịch vụ họ sử dụng.
Nhưng nếu người điều khiển phương tiện đi qua trạm thu phí của Dự án này cho rằng họ không đi qua đường tránh, có nghĩa là họ không sử dụng dịch vụ của chủ đầu tư, thì đương nhiên họ không phải trả tiền vé cho chủ đầu tư Dự án.
Trong trường hợp này, chủ đầu tư Dự án cho rằng những người điều khiển phương tiện qua trạm không trả tiền vé là xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình, thì có quyền khởi kiện ra tòa án nơi đặt Dự án, hoặc tòa án nơi cư trú của người điều khiển phương tiện.
Chủ đầu tư Dự án có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ. Để đòi số tiền vé mà chủ phương tiện phải trả, và yêu cầu bồi thường khoản thiệt hại do việc không trả tiền của người điều khiển phương tiện gây ra cho chủ dự án, nếu như chủ Dự án chứng minh được.
Chủ Dự án không thể yêu cầu cơ quan công an hay bất kỳ cơ quan công quyền nào xử phạt những người điều khiển phương tiện có tranh chấp với họ.
Kể cả trường hợp, chủ đầu tư dự án có yêu cầu thì cũng không có cơ sở pháp lý để các cơ quan công quyền xử phạt đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện từ chối trả tiền qua trạm thu phí BOT.
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt số 46/2016/ND-CP của Chính Phủ không quy định hành vi từ chối trả tiền qua trạm BOT là hành vi vi phạm hành chính, vì tranh chấp giữa người điều khiển phương tiện và Chủ đầu tư dự án là tranh chấp dân sự, không thể hành chính hóa quan hệ dân sự, can thiệp của cơ quan công quyền vào quan hệ dân sự.
Nếu người điều khiển phương tiện không trả phí mà chủ đầu tư Dự án không đồng ý cho họ đi qua, hoặc bắt quay đầu xe cũng không khả thi. Vì Trạm Thu phí đặt trên Quốc lộ 1A là đường của Nhà nước xây dựng và là con đường duy nhất đi qua, người dân không có lựa chọn khác. Nên nếu Chủ đầu tư không cho chủ phương tiên đi qua đây là hạn chế quyền tự do đi lại của người dân.
Trường hợp chủ đầu tư Dự án cản trở quyền tự do đi lại của người dân dẫn đến ách tắc, cản trở giao thông, thì lỗi thuộc về chủ đầu tư dự án.
Phương án cho Chủ Đầu tư dự án BOT cai Lậy khi gặp người điều khiển phương tiện không đồng ýt trả tiền khi đi qua trạm là ghi nhận sự việc này, để cho họ đi qua và sau đó làm thủ tục gửi đơn khởi kiện đến Tòa án.
Tuy nhiên thủ tục khởi kiện và đòi khoản tiền này cũng không dễ dàng. Bởi thủ tục tố tụng và thời gian, chi phí dành cho việc khởi kiện. Trong khi đó, cũng không có gì khẳng định chắc chắn chủ đầu tư đòi tiền các phương tiện này là đúng.
Ở khía cạnh pháp lý khác, từ 30/11/2017, Chủ đầu tư dự án bỏ đường tránh Cai Lậy quyết định giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm 30%. Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã không in lại vé qua trạm mà sử dụng vé cũ, lại gạch sửa giá tiền in trên vé dẫn đến phần ghi tay và phần ghi bằng chữ không khớp nhau, cũng không đúng quy định của pháp luật.
Theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC và Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn hàng hóa dịch vụ thì vé thu phí đường bộ qua trạm BOT là một loại hóa đơn. Vé này được sử dụng để doanh nghiệp hạch toán chi phí, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Còn theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành luật Thuế GTGT thì Doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn bị tẩy xóa. Do đó, các phương tiện đi qua trạm thu phí có quyền yêu cầu Chủ đầu tư dự án in và cấp cho vé mới in đúng giá tiền.