Căng thẳng ở Biển Đỏ cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Căng thẳng tại Biển Đỏ và kênh đào Suez vẫn chưa lắng xuống ảnh hưởng lớn đến các kênh giao thương. Trong thời điểm hiện nay, liệu có nhóm cổ phiếu nào dự báo sẽ hưởng lợi hay không?

Lo ngại tình hình xung đột căng thẳng hơn

Kể từ ngày 19/11/2023, lực lượng Houthi tại Yemen đã thực hiện nhiều cuộc tấn công và bắt giữ nhằm vào các tàu thương mại ở khu vực Biển Đỏ và kênh đào Suez nhằm ủng hộ phong trào Hamas trong cuộc chiến với Israel.

Ngày 7/1/2024, lực lượng Houthi cũng yêu cầu các tàu muốn đi qua Biển Đỏ phải thông báo trước về điểm đến cũng như cam kết không có liên quan đến Israel để tránh bị tấn công.

Tuy đã có sự can thiệp của Mỹ và đồng minh nhưng Houthi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi vào ngày 10/1 lực lượng này đã tiến hành cuộc tập kích thứ 26 cũng là cuộc tấn công lớn nhất với nhiều máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và Việt Nam

Việc căng thẳng leo thang đã tác động mạnh lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, con đường đi qua kênh đào Suez nối biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ là một trong những tuyến hàng hải huyết mạch và nhộn nhịp nhất của thế giới khi chiếm khoảng 15% lượng vận chuyển hàng hóa đường biển toàn cầu. Đây cũng là tuyến đường biển ngắn nhất nối châu Âu và châu Á.

Ngay sau các cuộc tấn công của Houthi, nhiều hãng vận tải lớn như Maersk, Cosco Shipping, Evergreen Line... đã buộc phải dừng việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ, khiến cho lượng tàu container đi qua tuyến đường này giảm 25% trong tháng 12/2023. Như vậy, căng thẳng tại khu vực đã làm gia tăng rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ vậy, thời gian và chi phí vận tải đường biển cũng tăng theo. Sau khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi diễn ra, giá cước vận tải qua Biển Đỏ đã tăng vọt. Cụ thể chi phí vận chuyển cho một container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Biển Đỏ đã tăng lên mức 4.000 USD, cao hơn gần 250% so với thời điểm trước khi các cuộc tấn công diễn ra.

Ngoài ra, việc các tàu phải đi vòng qua châu Phi để thay thế cho tuyến đường Biển Đỏ cũng sẽ làm tăng lộ trình của các tàu thêm 16.000 km và thời gian di chuyển kéo dài thêm 19 – 31 ngày. Điều này càng làm tăng nguy cơ bất ổn cho chuỗi cung ứng, gia tăng rủi ro về mặt chi phí lẫn thời gian cho thương mại toàn cầu.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giầy, đồ gỗ sang khu vực châu Âu sẽ bị hưởng trực tiếp khi chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa tăng lên. Theo ước tính, chi phí cho một container đến châu Âu có thể tăng thêm 1000 – 2000 USD, tương tự như giai đoạn đứt gãy do đại dịch COVID-19.

Ngành nào được hưởng lợi?

Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) nhận định, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng nhưng vẫn có hai nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ căng thẳng tại Biển Đỏ:

huong-loi-800x500-5578.png

Nhóm ngành đầu tiên là nhóm ngành vận tải biển, logistics. Dễ thấy đây là ngành đầu tiên được hưởng lợi trong bối cảnh cước vận tải biển tăng mạnh sau những sự kiện ở Biển Đỏ. Ngoài ra, tình hình gián đoạn tại kênh đào Suez khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn nên khả năng cao giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục leo cao trong thời gian tới. Chuyên gia VPS đề xuất một số cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý thuộc ngành này như GMD, VSC, HAH...

Nhóm thứ hai là nhóm ngành dầu khí, tuyến đường qua kênh đào Suez rất quan trọng đối với vận chuyển dầu thô và khí đốt từ Trung Đông sang các nước Châu Âu. Việc gián đoạn tại Biển Đỏ cộng với những lo ngại về xung đột leo thang tại Trung Đông sẽ là những yếu tố giúp cho giá dầu duy trì ở mức cao do nguồn cung bị hạn chế. Chuyên gia VPS đề xuất một số cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý như PVD, PVS, PVT.