“Cần tạo cơ chế để công dân được quyền làm báo“

VietTimes --  “Công dân có quyền tự do báo chí đã được hiến định. Việc công dân có quyền ra báo sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra. Chủ động nghiên cứu, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động", đó là ý kiến của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
“Cần tạo cơ chế để công dân được quyền làm báo“

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định như vậy trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes ngay trước thời điểm Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật báo chí sửa đổi.

Tự do báo chí là quyền hiến định

Thưa Giáo sư, khi bàn thảo về Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, nhiều chuyên gia cho rằng Luật cần phân biệt các khái niệm quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí. Vậy theo ông, nên hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí? Hai quyền này, về bản chất, có khác nhau không?

- Theo tôi, “quyền tự do ngôn luận” là quyền tự do phát biểu ý kiến của mình, kể cả phát biểu trong giao tiếp thông thường, trong hội thảo, hội nghị cũng như phát biểu bằng đơn thư, phát biểu bằng các xuất bản phẩm, báo chí. Ở nhiều nước, quyền này được coi là quyền con người, nghĩa là không thể hạn chế; còn ở nước ta, đó là một trong những quyền công dân, đã được quy định trong Hiến pháp.

Hiến pháp nước ta cũng đã quy định công dân có “quyền tự do báo chí”. Nội dung của quyền này, theo tôi, là công dân được tự do thực hiện hoạt động báo chí, bao gồm xuất bản, in và phát hành báo chí; sáng tạo tác phẩm báo chí và sản phẩm báo chí; phản ánh thông tin cho báo chí thông qua các hình thức họp báo, cung cấp thông tin và phản hồi thông tin; cải chính thông tin trên báo chí.

Luật Báo chí hiện hành cũng như Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi trước đây cho rằng quyền tự do báo chí thể hiện ở quyền phát biểu trên báo chí là chưa chính xác. Theo tôi được biết, cho đến thời điểm này, Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã điều chỉnh cách hiểu về quyền tự do báo chí như tôi giải thích ở trên. Tuy nhiên, công dân chưa có quyền tự do xuất bản báo chí mà phải thông qua hình thức liên kết với cơ quan báo chí để thực hiện quyền này.

Luật Báo chí trước đây và Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi mà Ủy ban Thường vụ QH vừa cho ý kiến vẫn chỉ tập trung vào đối tượng được ra báo là các cơ quan tổ chức như  cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội... Theo Giáo sư thì quy định này đã thể hiện đúng, đầy đủ điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...” (của chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” của Hiến pháp năm 2013) chưa?

- Theo Luật Báo chí hiện hành, chỉ cơ quan trung ương, cơ quan cấp tỉnh của Đảng, Nhà nước và các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở hai cấp đó có quyền thành lập cơ quan báo chí. Còn theo Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi thì công dân có quyền ra báo thông qua con đường liên kết với cơ quan báo chí. Đây là một điểm mới của Dự thảo. Tuy quyền tự do báo chí của công dân còn hạn chế nhưng cũng không trái quy định tại Điều 25 của Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Để công dân có quyền làm báo

Nhưng vì sao Luật không cho công dân quyền xuất bản báo chí như nhiều nước khác?

- Về cơ sở pháp lý, việc thừa nhận quyền ra báo của công dân  không chỉ hợp hiến mà còn phù hợp với quy định của Luật Báo chí hiện hành và của chính Điều 1 Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là diễn đàn của nhân dân”. Theo quy định này, công dân có quyền lập diễn đàn của mình dưới nhiều hình thức – hoặc tham gia trao đổi các vấn đề của đời sống xã hội trên các cơ quan ngôn luận của Nhà nước hoặc thành lập diễn đàn của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của diễn đàn.

Luật Báo chí hiện hành và Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi không để tư nhân xuất bản báo chí có thể là do lo ngại mất an ninh chính trị, chẳng hạn báo chí có những ý kiến riêng, làm người dân không tin vào đường lối.

Trong khi đó, ở hầu hết các nước, báo chí chủ yếu là báo tư nhân. Chính vì báo là của tư nhân bỏ tiền ra làm nên chủ báo và nhà báo hết sức cẩn thận, vì nếu báo bị kiện, bị phạt, bị bồi thường hay đình bản thì chủ báo sạt nghiệp và nhà báo cũng phải bỏ nghề luôn.

Có một nghịch lý là Luật Báo chí chưa cho tư nhân ra báo, nhưng trên thực tế, một số báo của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, tạp chí của các trường đại học tư thục là báo chí tư nhân. Và cũng như ở các nước, chưa có trường hợp nào báo chí trở thành mối nguy hiểm đối với các chính thể “của dân, do dân, vì dân”.

Trước một việc sớm muộn cũng diễn ra, chủ động nghiên cứu, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động.

Phóng viên báo chí  tác nghiệp
Phóng viên báo chí tác nghiệp

Đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Giáo sư thấy ở nước ngoài điều chỉnh hoạt động báo chí như thế nào?

- Trên thế giới rất hiếm nước có Luật Báo chí. Người ta quản lý bằng luật pháp khác có liên quan, như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ v.v. Thậm chí, một số nước, như Mỹ, còn quy định hẳn trong Hiến pháp là cấm Quốc hội ra luật về báo chí. Tôi có hỏi các chuyên gia Mỹ vì sao lại quy định như vậy, được họ giải thích: Tự do báo chí là quyền con người, đã được Hiến pháp thừa nhận thì cứ thế mà thực hiện. Nếu ban hành luật thì phải quy định điều được phép làm, điều không được phép làm; mà như thế là trái với quyền tự do, tức là trái Hiến pháp.

Trong điều kiện không có luật thì mỗi thể chế quản lý hoạt động báo chí theo một cách. Ví dụ, ở Trung Quốc, hoạt động báo chí do Ban Tuyên giáo quản lý. Ở một số nước phương Tây, báo chí thực hiện tự quản. Như ở Anh, các ông chủ báo lớn họp lại, lập ra Uỷ ban khiếu nại báo chí. Uỷ ban này có chức năng tiếp nhận khiếu nại của độc giả và ra những phán quyết về hoạt động của báo dựa trên ý kiến của độc giả. Ở một số báo lớn còn có Thanh tra báo chí (Ombudsman), là người tiếp nhận, xử lý khiếu nại của độc giả và tự phát hiện lỗi của báo mình. Theo hợp đồng ký với chủ báo, nhân vật này tự chịu trách nhiệm về kết luận của mình; bài của ông (bà) ấy không ai được duyệt hoặc cản trở đăng tải.

Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các hiệp ước quốc tế. Theo ông, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân nên được minh định thế nào để hài hoà với luật pháp và thông lệ quốc tế?

- Mong muốn của tôi là Nhà nước triệt để tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân. Nhà nước không nên giành lấy quyền ban cho người ta hay hạn chế của người ta quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhà nước là của dân, dân bầu ra bộ máy nhà nước là để đảm bảo quyền lợi cho dân thì Nhà nước phải tôn trọng quyền của người dân.

Theo quan sát của tôi, ở các nước phát triển, báo chí tuy rất đa dạng về quan điểm, phong cách nhưng đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trước hết là quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự. Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật có thể dẫn đến những án phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến phá sản là điều mà không một nhà báo hay chủ báo nào không sợ.

Chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm quản lý báo chí của các nước để giải quyết đúng đắn vấn đề này, thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Khoản 2 điều 14 Hiến pháp hiện hành quy định "quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Vậy thì khi hạn chế quyền tự do báo chí của công dân (quy định tại điều 25 Hiến pháp), nếu Luật báo chí sửa đổi nêu ra được một trong những lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, thì sự hạn chế quyền tự do báo chí của công dân sẽ được coi là hợp lý và phù hợp Hiến pháp. Có phải vậy không thưa ông ?

- Công dân có quyền ngôn luận, có quyền tự do báo chí nhưng các quyền đó phải trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, nên Luật báo chí có thể được hạn chế quyền tự do báo chí của người dân.

Luật báo chí quy định Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về mọi hoạt động của tờ báo. Mà nhiệm vụ đầu tiên của báo chí là nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Nhà nước. Ngoài ra, báo chí còn phải có đủ độ tin cậy để phản ánh cuộc sống, xã hội,…

Vì thế, tự do báo chí của công dân không phải là hoạt động tự do ngoài pháp luật mà nó phải chịu điều chỉnh theo Luật báo chí và theo Hiến pháp. Mỗi tờ báo trước khi ra đời đều phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, phát triển theo quy hoạch chung và hoạt động theo định hướng.

Chúng ta có thể thấy, hệ thống báo chí của Việt Nam hiện nay rất rộng lớn, phong phú đa dạng cả về báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử,… đủ sức đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi ngành nghề, hiệp hội, đều có cơ quan ngôn luận của riêng mình. Đó chính là thể hiện cao độ của tự do báo chí. Thế giới cũng không nước nào có nền báo chí phát triển như nước ta. Và theo tôi, trước sự phát triển nhanh, rộng lớn và sự bùng nổ của CNTT, vấn đề hiện nay là chúng ta phải tăng cường quản lý, đổi mới phương thức quản lý báo chí để tạo điều kiện cho báo chí phát triển và phát triển đúng hướng, xứng đáng là tiếng nói của các giai tầng xã hội và diễn đàn của nhân dân.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (phụ trách quản lý báo chí), Nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân.