Theo Thông báo 165/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng về xử lý kiến nghị, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc thoái vốn theo lô nhằm tìm kiếm nhà đầu tư lớn, có đủ tiềm lực, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa và Nhà nước bán được hết số cổ phần định bán. Đây là vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên thực tế Chính phủ đã cho thực hiện ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và thí điểm đối với một số trường hợp cá biệt, bước đầu thành công.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong tháng 5 này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định về việc bán cổ phần theo lô. Trong đó lưu ý làm rõ tính thực tiễn, mục đích, ý nghĩa và nguyên tắc của việc bán cổ phần theo lô. Quy định cần bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời phân loại doanh nghiệp dự kiến bán cổ phần theo lô theo lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; nhà nước cần nắm giữ hay không cần nắm giữ; quy mô về vốn, tài sản; sự cần thiết của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối với xã hội. Trên cơ sở đó, quy định cụ thể và phù hợp với tính chất của từng loại doanh nghiệp về các điều kiện và các cam kết của nhà đầu tư tham gia mua cổ phần nhà nước theo lô; phân biệt giữa nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN thực hiện cổ phần hóa với nhà đầu tư tham gia mua cổ phần nhà nước theo lô.
Cần phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc xác định giá trị phần vốn nhà nước để bán cổ phần theo lô cần thực hiện thông qua các tổ chức định giá chuyên nghiệp, theo nhiều phương pháp để có sự lựa chọn tối ưu. Hình thức bán cổ phần theo lô phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là đấu giá công khai.
Phó Thủ tướng lưu ý, những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định ngay trong giữa tháng 5/2015 để sớm có căn cứ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện; những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ thì trình Chính phủ bàn bạc, thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 5/2015 để có Nghị quyết làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC
Ngày 12/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và thực hiện chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31/8/2015.
Trường hợp Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phối hợp, làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay thế Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.
Theo: VnMedia