Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước quý I/2016 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, người được Bộ trưởng phân công trực tiếp phụ trách lĩnh vực CNTT đã chỉ đạo một số đơn vị trong Bộ quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cho công nghệ mới Internet vạn vật (Internet of Things - IoT).
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng nêu nhiều về vấn đề môi trường. IoT là một giải pháp rất tốt để chúng ta có thể sử dụng CNTT giám sát các vấn đề về môi trường. “Ứng dụng là như vậy song ở góc độ Bộ TT&TT, chúng ta cần phải làm gì? Tôi cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm đến các vấn đề về cơ chế chính sách, an toàn cho việc ứng dụng công nghệ IoT”, Thứ trưởng chia sẻ.
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Cục Tin học hóa quan tâm đến cơ chế chính sách cho việc ứng dụng IoT như thế nào; kết hợp với Vụ KH&CN xem xét vấn đề chuẩn hóa của công nghệ này ra sao; còn với Cục An toàn thông tin, đơn vị cần nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề an toàn thông tin của ứng dụng IoT . Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự đi trước, xem xét tìm hiểu để sau này các bộ, ngành ứng dụng IoT thuận lợi về môi trường pháp lý. Ứng dụng mà không có môi trường pháp lý sẽ không thực hiện được”.
Trước đó, trong phát biểu tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2016diễn ra ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đề nghị các doanh nghiệp CNTT đặc biệt là các doanh nghiệp được vinh danh cần phát huy những thế mạnh của mình nhanh chóng nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, đồng thời tiếp cận với những công nghệ mới để có thể hòa nhập tốt với xu thế của thế giới cũng như tìm kiếm các cơ hội mới tại những thị trường mới nhằm góp phần thực hiện thành công các chương trình quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua là chương trình mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT và chương trình phát triển ngành công nghiệp điện tử.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp CNTT đẩy mạnh các ứng dụng Start-up, phong trào khởi nghiệp hướng tới Internet of thing (IoT) - không chỉ con người mà vạn vật đều sẽ kết nối qua nền tảng Internet để sẵn sàng cho thế giới phẳng. Đồng thời, phát triển các ứng dụng gần gũi kết nối giữa các lĩnh vực căn bản như giáo dục, y tế...thông qua hạ tầng viễn thông, kết hợp với truyền thông để hướng tới mục tiêu đạt được tiêu chí quốc gia học tập, năng động, sáng tạo, xã hội hoá khởi nghiệp.
Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch FPT, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình đánh giá IoT là xu hướng tất yếu cho quá trình đổi mới và công nghệ mới này sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ông Bình cũng cho rằng, để tiếp tục phát triển mạnh trong chặng đường sắp tới, điều các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần khẩn trương triển khai là đi nhanh chóng vào những công nghệ mới, khi mà cả thế giới đang thiếu hụt trầm trọng. “Ở đây tôi muốn nói đến công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Nếu Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng nắm chắc công nghệ Internet vạn vật thì Việt Nam sẽ có một tương lai không thể dự báo được”, ông Bình chia sẻ.
Về vấn đề này, tại hội nghị về các giải pháp IoT diễn ra tại Hà Nội hồi trung tuần tháng 9/2015, đại diện Intel cũng đã nhận định IoT là lĩnh vực rất tiềm năng. Hiện nay trên thế giới mới có khoảng 15 tỷ thiết bị được kết nối (thiết bị gia dụng, công nghệ xe hơi, thiết bị cảm biến, thiết bị đeo, smartphone…) và dự tính đến năm 2020 có khoảng 50 tỷ thiết bị được kết nối Internet. Trong làn sóng phát triển đó, tại Việt Nam, IoT cũng rất tiềm năng khi có thể đi vào hàng loạt lĩnh vực “nóng” của chính phủ như giao thông, y tế, nông nghiệp… nhằm giúp hạ thấp chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Cũng tại hội nghị nêu trên, ông Nguyễn Thế Trung, TGĐ Công ty CP Công nghệ DTT - đối tác đầu tiên của Intel tại Việt Nam về IoT khẳng định: IoT là làn sóng công nghệ mới đang lan rất mạnh tại nhiều quốc gia, cho phép mang lại công nghệ mới đột phá trong lĩnh vực thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu, điều khiển các hệ thống khác nhau trong phạm vi quốc gia để nhanh chóng thúc đẩy môi trường số hóa, giúp chính quyền trở nên thông minh hơn. Đồng thời, theo ông Trung, tại Việt Nam có sự phát triển tương đối đặc thù, trong đó IoT có thể được đẩy mạnh ứng dụng vào một số mảng thế mạnh như giao thông, y tế, nông nghiệp thông minh…
Theo ICT News