Chiều 19/2, tại phần thảo luận về Báo cáo công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá báo cáo được chuẩn bị kỹ, thể hiện đóng góp quan trọng của Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cần có nhận định tổng quan để thấy được vai trò của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Từ đó để thấy Chủ tịch nước là người đứng đầu, người thay mặt nhà nước XHCN Việt Nam trong vai trò đối nội và đối ngoại.
“Phải làm rõ để người ta thấy nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã thể hiện vai trò ra sao, nếu không sẽ mờ nhạt” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là báo cáo của Chủ tịch nước trình ra Quốc hội để Quốc hội đánh giá, hiểu rõ hoạt động của Chủ tịch nước. Báo cáo cần đưa ra bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ này để Chủ tịch nước nhiệm kỳ sau sẽ rút kinh nghiệm, kế thừa những cái hay, tránh cái dở.
Ông Hùng cũng cho rằng, dự thảo báo còn chung chung trong việc phân tích các nguyên nhân tồn tại của nhiệm kỳ. “Báo cáo có nêu nhưng nói Hiến pháp và pháp luật chưa rõ thì phải kiến nghị sửa đổi chứ” - ông Hùng nói.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có kiến nghị để Quốc hội sửa ngay việc lệch nhau giữa nhiệm kỳ của Quốc hội và Đại hội Đảng thời gian kéo dài tới gần 1 năm, để một khoảng trống quyền lực. Vì thế, Quốc hội khoá XII đã rút ngắn lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cần làm rõ thông điệp thông qua những hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua. Ảnh:Quochoi.vn. |
Góp ý cho dự thảo, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch nước đã có nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, cách đưa số liệu khiến báo cáo không có điểm nhấn tổng quát thể hiện vai trò, nhiệm vụ của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Cụ thể như hoạt động của Chủ tịch nước trong công tác đối ngoại, đóng góp rất lớn nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; động viên sức mạnh của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, xây dựng quân đội; hành động trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, báo cáo không cần dài mà cái chính phải nêu lên thông điệp về chương trình hoạt động, bỏ bớt số liệu và chi tiết.
Nhắc tới hai lần Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời mình sang nghe về tình hình chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, đó là điều rất quý. Theo ông, có việc Chủ tịch nước điện sang Chính phủ giải quyết như di cư tự do, có cái có ý kiến ngay như chuyên đề công tác trong vùng đồng bào thiểu số...
"Đây là vai trò nguyên thủ trong thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc", ông Ksor Phước đánh giá.
Góp ý cho báo cáo, ông cũng cho rằng, dự thảo phải đưa thêm kiến nghị để thể chế hoá quy trình thủ tục Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ vì Hiến pháp đã quy định. Tuy nhiên, từ thời Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến giờ chưa có lần nào Chủ tịch nước triệu tập.
"Có rất nhiều việc Chủ tịch nước thấy cần phải làm việc với Chính phủ nhưng ta chưa có cơ sở pháp lý cụ thể. Cần thì đưa luôn nội dung này vào dự án xây dựng luật hay pháp lệnh tại Quốc hội khoá XIV", ông Phước nói.
Điều 90 (Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013)
Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ.
Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Theo Zing