Đó là thông tin đáng quan tâm tại lễ bàn giao 37 hecta mặt bằng tại sân bay Biên Hòa từ Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) sang cho USAID, diễn ra mới đây tại trụ sở Bộ Quốc phòng.
Sân bay Biên Hòa, nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, là điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.
Năm 2016, USAID đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m3, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng.
Năm 2018, USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng PK-KQ về khoản đóng góp 183 triệu USD của USAID cho cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm đầu tiên và dự án đã chính thức được phê duyệt và khởi động vào tháng 4/2019.
Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm.
Sự kiện này cũng được cho là một cột mốc khởi đầu quan trọng trong Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Công việc bước đầu của USAID và Quân chủng PK-KQ là xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực Pacer Ivy bằng phương pháp xử lý và cô lập tương tự như các phương pháp được áp dụng thành công tại sân bay Đà Nẵng.
Đây cũng được coi là hoạt động khắc phục di sản chiến tranh để lại trong nỗ lực chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Cùng với đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiếp tục hợp tác thực hiện sứ mệnh nhân đạo là kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh và khắc phục các di sản chiến tranh để lại, bao gồm loại bỏ vật liệu chưa phát nổ, hỗ trợ người khuyết tật và xử lý ô nhiễm dioxin, trong đó có Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được hoàn thành tháng 11/2018 sau 6 năm thực hiện với kinh phí 110 triệu USD.